Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 04:06 (GMT +7)
Thực hành dân chủ và bầu cử Quốc hội
Chủ nhật, 25/02/2007 | 08:34:31 [GMT +7] A A
Tiến trình dân chủ của cuộc bầu cử Quốc hội khóa XII đã được khởi động với Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất do Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc VN chủ trì. Đây là cuộc "hiệp thương" nhằm thỏa thuận về cơ cấu, thành phần và số lượng người ứng cử đại biểu Quốc hội.
Đương nhiên, "hiệp thương" là một cách thức triển khai tiến trình dân chủ, một bước hết sức quan trọng của tiến trình đó. Vì tầm vóc của Quốc hội trong điều kiện lịch sử mới, số lượng và nhất là phẩm chất và tài năng của đại biểu đáp ứng được đòi hỏi ngày càng cao về chức năng của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất dường như sẽ bắt đầu từ đây. Vấn đề là làm thế nào việc "hiệp thương" đó thể hiện thật rõ ràng, minh bạch ý chí và nguyện vọng của dân, không làm méo mó, thui chột khát vọng dân chủ của dân.
Xin nhắc lại đây lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Chúng ta hy sinh làm cách mệnh thì nên làm cho đến nơi, nghĩa là làm sao cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc". Chỉ có điều, ngồi vào bàn "hiệp thương" quyết định những vấn đề hệ trọng nhất của cuộc bầu cử, đương nhiên "dân chúng số nhiều" không thể nào có đủ chỗ được, cho nên "một ít người" ngồi vào Hội nghị hiệp thương ấy, làm sao đại diện cho được ý chí và nguyện vọng của "dân chúng số nhiều" kia, lắng nghe tiếng nói thật từ cuộc sống của họ, hiểu được tâm tư của họ.
Chính ở đây, báo chí có một vai trò đặc biệt quan trọng. Để cho cuộc bầu cử Quốc hội khóa XII trở thành ngày hội của toàn dân, báo chí phải vào cuộc với tất cả sức mạnh vốn có của nó mà không một phương tiện nào có thể thay thế được. Để cho các cuộc "hiệp thương" về nội dung và phương thức tiến hành cuộc bầu cử Quốc hội, đảm bảo tiến trình dân chủ được thực hiện một cách thực chất, thì nội dung của các cuộc "hiệp thương" ấy cần được công bố công khai và minh bạch trên báo chí cũng như các phương tiện truyền thông đại chúng khác. Nhà báo phải được tham dự các cuộc "hiệp thương" đó nhằm đưa tin một cách khách quan, trung thực về ý chí và nguyện vọng của nhân dân được thể hiện trong các cuộc "hiệp thương" đó như thế nào.
Cách đây hơn nửa thế kỷ, vào ngày 5.1.1946, trước Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I một ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rõ "ngày mai là một ngày sẽ đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ... là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình... Ngày mai không ai ép, không ai mua, toàn dân sẽ thực hiện cái quyền dân chủ ấy". Dự liệu trước những toan tính sai lầm có thể xảy ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cẩn thận cảnh báo "không ai ép, không ai mua" trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, dân ta lần đầu tiên được "hưởng dụng quyền dân chủ của mình".
Hơn nửa thế kỷ đã đi qua, để đảm bảo cho được sự hưởng dụng quyền dân chủ ấy, nhiều thế hệ Việt Nam đã hy sinh chiến đấu. Chính vì thế, có thể nói, cuộc bầu cử Quốc hội khóa XII này là một cuộc sát hạch về trình độ dân chủ của dân ta và của thể chế chính trị của nước ta.
Thực hiện tốt nội dung "hưởng dụng quyền dân chủ của mình" trong quá trình chuẩn bị và triển khai cuộc bầu cử thành công tốt đẹp, chính là một thông điệp đất nước ta gửi đến thế giới về điều mà bạn bè từng cảm nhận, đây là nơi mà "những cải cách đột phá về tự do kinh tế và mở cửa với thế giới" đang thật sự tiến mạnh trên con đường dân chủ hóa xã hội mà Đảng và Nhà nước ta cũng như toàn bộ hệ thống chính trị đang quyết tâm đẩy tới.
Liên kết website
Ý kiến ()