Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 12:14 (GMT +7)
Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả quy hoạch nuôi biển
Thứ 5, 04/04/2024 | 09:42:24 [GMT +7] A A
Trong 2 ngày (31/3-1/4), tại tỉnh Quảng Ninh đã diễn ra Hội nghị “Phát triển bền vững nuôi biển - Nhìn từ Quảng Ninh”. Tại Hội nghị, Quảng Ninh đã khẳng định quyết tâm trở thành trung tâm nuôi biển của miền Bắc theo Đề án 1664/QĐ-TTg về nuôi biển đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 4/10/2021.
Thực tế cho thấy, công tác lập, quản lý và thực hiện quy hoạch nuôi biển đã được Quảng Ninh quan tâm, chú trọng nhằm phát triển bền vững ngành thủy sản. Trong giai đoạn 2018-2021, việc quản lý nuôi trồng thuỷ sản của các địa phương thực hiện theo Quy hoạch phát triển ngành thủy sản tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 4209/QĐ-UBND ngày 15/12/2016 và Quyết định số 209/2017/QĐ-UBND ngày 17/01/2017 Quy định quản lý hoạt động nuôi trồng thủy sản trên bãi triều, mặt nước biển trên địa bàn tỉnh). Theo đó, có 8/9 địa phương ven biển lập quy hoạch nuôi trồng thủy sản với tổng diện tích là 9.974ha, riêng TX Quảng Yên không lập quy hoạch nuôi trồng thủy sản chi tiết. Tuy nhiên, việc các địa phương chủ yếu lập quy hoạch theo vùng, xã, đối tượng thủy sản nuôi trồng, không lập quy hoạch tổng thể của địa phương.
Đến giai đoạn 2018-2021, tổng diện tích mặt nước, khu vực biển được sử dụng để nuôi trồng thủy sản là 7.690ha, với 3.198 cơ sở; trong đó, diện tích đã giao là 3.515ha, chiếm 45,7%, với 996 tổ chức và cá nhân; diện tích chưa được giao là 4.175ha, chiếm 54,3%, với 2.202 hộ gia đình; diện tích nuôi trồng thủy sản trái phép ngoài quy hoạch là 2.028ha, chiếm 48,6% diện tích chưa được giao, với 739 hộ dân. Hiện nay đã giải toả, các vùng khu vực biển tiềm năng đã được tích hợp vào quy hoạch tỉnh.
Trong hơn một năm vừa qua, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung toàn lực xây dựng quy hoạch không gian cho ngành nuôi biển, đảm bảo ổn định, bền vững theo Nghị định 11 của Chính phủ, để có thể bàn giao cho doanh nghiệp, người dân với thời hạn tối đa 30 năm. Không gian này được quy hoạch đến từng thôn, tất cả các hộ nuôi biển đều được rà soát. Từ đó, những hộ dự kiến chuyển đổi nghề có thể được giao khu vực biển để chuyển từ khai thác sang nuôi trồng.
Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (được phê duyệt tại Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 11/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ) đã xác định: “Phát triển thuỷ sản là ngành kinh tế mũi nhọn trên cơ sở phát huy lợi thế biển đảo; hoàn chỉnh hệ thống hậu cần nghề cá, nuôi biển chế biến đồng bộ, hiện đại, xây dựng Quảng Ninh trở thành Trung tâm thuỷ sản của miền Bắc”.
Hiện nay, tỉnh đã quy hoạch hơn 45.000ha khu vực biển dành cho phát triển nuôi biển với quan điểm phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường, gia tăng giá trị, bền vững gắn với bảo tồn, bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản, phát triển du lịch, dịch vụ, công nghiệp và bảo vệ chủ quyền, an ninh biển đảo của Tổ quốc. Trong đó, đổi mới cơ cấu giống, sản phẩm nuôi phù hợp với lợi thế của từng vùng; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm thủy sản; phát triển các vùng nuôi biển tập trung, ứng dụng hiệu quả các thành tựu khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất và tổ chức sản xuất hiện đại. Trọng tâm là phát triển các doanh nghiệp thủy sản và các hình thức hợp tác, chuyển từ mô hình sản xuất hàng hóa dựa trên kinh tế hộ nhỏ lẻ, manh mún, chạy theo sản lượng sang mô hình liên kết đa chủ thể, theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với chế biến sâu và tiêu thụ sản phẩm. Kết hợp nuôi trồng hải sản hướng ra biển với khai thác thủy, hải sản công nghệ cao, hiệu quả, bền vững, bảo vệ nguồn lợi thủy sản gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển đảo; mở rộng diện tích nuôi thủy sản biển phù hợp với sức tải môi trường.
Bảo Bình
Liên kết website
Ý kiến ()