Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 06:20 (GMT +7)
Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chính sách
Thứ 2, 28/02/2022 | 08:53:00 [GMT +7] A A
Quảng Ninh hiện có 56 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) với trên 162.000 người dân, cư trú rải rác ở trên 85% diện tích của tỉnh. Những năm qua, tỉnh đã ban hành, triển khai nhiều cơ chế, chính sách cho vùng đồng bào DTTS, qua đó từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân khu vực này.
Quảng Ninh hiện có 56 xã vùng DTTS với trên 162.000 người dân. Để chăm lo, ổn định đời sống cho đồng bào DTTS, tỉnh đã tập trung chỉ đạo lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và nhiều chương trình, đề án đã được Chính phủ phê duyệt thực hiện đối với vùng DTTS và miền núi. Bên cạnh đó, tỉnh ban hành các chính sách riêng và đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân tại cộng đồng dân cư phát huy nội lực để phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Những quyết sách tác động lớn đến đời sống vùng đồng bào DTTS là Nghị quyết số 50/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh và Đề án 196 về nhiệm vụ và giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu, Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh. Từ chương trình này, công tác giảm nghèo vùng đồng bào DTTS đã đạt kết quả tích cực với tỷ lệ giảm nghèo trung bình hằng năm giai đoạn 2016-2020 là 1,87%/năm; thu nhập bình quân đầu người tăng gấp hơn 2,5 lần so với năm 2015. Cùng với đó, tỉnh triển khai đồng bộ các chính sách về tín dụng vay vốn; tập huấn, chuyển giao mô hình trồng trọt, chăn nuôi; hỗ trợ tiếp cận KHKT; hỗ trợ đất sản xuất; xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung; xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP… Từ đó, cải thiện sinh kế, đời sống cho người dân vùng DTTS.
Tiếp nối thành công từ Đề án 196, mới đây tháng 5/2021, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU “Về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Mục tiêu: Đến năm 2025 thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh tăng tối thiểu 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 3%/năm; không còn nhà ở tạm, nhà dột nát, cơ bản giải quyết dứt điểm nhu cầu cấp thiết về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS.
Nhiều chính sách về y tế, giáo dục, dân số vùng DTTS cũng được tỉnh triển khai đầy đủ, kịp thời nhằm phát triển bền vững khu vực này. Thực hiện chương trình mục tiêu giáo dục miền núi, vùng DTTS, giai đoạn 2016-2020 tỉnh bố trí trên 19 tỷ đồng để sửa chữa trường, lớp, mua sắm các trang thiết bị dạy học và sinh hoạt bán trú, nội trú cho học sinh các trường, từng bước nâng cao chất lượng học tập của học sinh tại các địa bàn vùng khó khăn. Cùng với đó là mở rộng các chính sách về hỗ trợ tiền ăn, học phí cho học sinh, phụ cấp, trợ cấp cho cán bộ, giáo viên vùng DTTS, miền núi, biên giới…
Trong công tác chăm sóc sức khỏe, bên cạnh thu hút bác sĩ, nhân lực chất lượng cao về làm việc tại vùng DTTS, ngành Y tế tỉnh đã cử hàng trăm cán bộ, nhân viên các cơ sở y tế vùng miền núi, vùng DTTS tham gia các khóa bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ trong và ngoài nước. Đồng thời, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh cho các cơ sở y tế tuyến xã; hỗ trợ cấp thẻ BHYT, hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh từ Quỹ khám chữa bệnh người nghèo cho đồng bào DTTS… Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý cho người dân khu vực này được các ngành, địa phương thực hiện thường xuyên, đạt nhiều kết quả tích cực. Các chế độ với người có uy tín; cấp, phát miễn phí báo, tạp chí cho một số đối tượng vùng đồng bào DTTS được quan tâm, góp phần giữ vững chính trị, ổn định an ninh trật tự, nâng cao hiểu biết cho người dân khu vực này.
Nguyên Ngọc
Liên kết website
Ý kiến ()