Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 01:27 (GMT +7)
Thực hiện pháp luật về đấu giá tài sản
Thứ 3, 23/08/2022 | 13:25:26 [GMT +7] A A
Luật Đấu giá tài sản có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2017. Qua 5 năm triển khai thực hiện, hoạt động đấu giá tài sản trên địa bàn Quảng Ninh đã đạt được kết quả tích cực, dần đi vào nền nếp, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động mua bán hàng hóa thêm đa dạng, phong phú, đóng góp tích cực vào sự phát triển KT-XH của tỉnh.
Tính đến hết năm 2021, Quảng Ninh có 19 đấu giá viên đang hành nghề đấu giá. Các đấu giá viên đều có trình độ cử nhân trở lên thuộc các chuyên ngành khác nhau, trong đó 1 đấu giá viên có trình độ thạc sĩ luật. Hiện tại tỉnh có 7 tổ chức đấu giá tài sản, 5 chi nhánh và 4 văn phòng đại diện của doanh nghiệp đấu giá tài sản. Các tổ chức đấu giá tài sản đã bố trí nguồn nhân lực phù hợp đảm bảo yêu cầu thực thi nhiệm vụ, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc đầy đủ, từng bước hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức và hoạt động đấu giá tài sản. Năng lực hoạt động của các tổ chức đấu giá tài sản cơ bản đáp ứng nhu cầu dịch vụ đấu giá của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.
Từ tháng 7/2017 đến hết năm 2021, các tổ chức đấu giá trên địa bàn tỉnh đã thực hiện 2.801 cuộc đấu giá tài sản, trong đó có 2.061 cuộc đấu giá thành, tổng số tiền thù lao dịch vụ đấu giá thu được trên 30,3 tỷ đồng, nộp ngân sách trên 2,3 tỷ đồng.
Trong quản lý nhà nước về hoạt động đấu giá tài sản, tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo, tạo điều kiện đảm bảo thi hành pháp luật về đấu giá tài sản; đã quan tâm tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đấu giá tài sản; hàng năm ban hành văn bản nhắc nhở, chấn chỉnh tình hình tổ chức, hoạt động của tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản là cơ quan nhà nước. Tỉnh giao Sở Tư pháp thường xuyên rà soát, định kỳ hàng năm có kế hoạch kiểm tra, thanh tra về tổ chức và hoạt động đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh. Các sở, ngành liên quan trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ được phân công đã quan tâm, kịp thời hướng dẫn hoặc phối hợp nghiệp vụ, đảm bảo hoạt động đấu giá được tiến hành đúng với các quy định pháp luật.
Ngoài ra, tỉnh đã thực hiện nghiêm túc quy định về quyền và nghĩa vụ của người có tài sản quy định tại Điều 47 Luật Đấu giá tài sản. Việc xây dựng kế hoạch, phương án đấu giá tài sản được các cơ quan tham mưu hoặc được UBND tỉnh ủy quyền thực hiện trên cơ sở các quy định pháp luật chuyên ngành đối với từng loại tài sản đấu giá, cơ bản đảm bảo phù hợp, khả thi, trong đó đã quy định về lựa chọn hình thức đấu giá, bước giá phù hợp với thực tiễn việc đấu giá; đảm bảo quyền và nghĩa vụ của người tham gia đấu giá tài sản.
Việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản được thực hiện công khai, minh bạch, theo tiêu chí quy định. Ngay sau khi Bộ Tư pháp có văn bản số 956/BTP-BTTP ngày 17/3/2020 về việc triển khai Cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp đôn đốc, hướng dẫn các sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh tổ chức quán triệt các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý triển khai việc sử dụng Cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản theo quy định của luật.
UBND tỉnh cũng giao Sở Tư pháp giám sát các địa phương, tổ chức đấu giá tài sản trong việc đăng công khai việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản và việc đấu giá tài sản trên Cổng thông tin quốc gia về đấu giá tài sản đối với một số cuộc đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án.
Quảng Ninh còn thành lập Tổ giám sát việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản; ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ngành và các địa phương giám sát chặt chẽ, hiệu quả việc bán đấu giá tài sản, nhất là các tài sản công, không để xảy ra việc thất thoát tài sản của Nhà nước; kịp thời có ý kiến, yêu cầu tổ chức đấu giá tài sản tuân thủ đúng quy định về bán, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá theo quy định; không để xảy ra tình trạng tổ chức đấu giá tài sản gây khó khăn, cản trở người có nhu cầu tham gia đấu giá trong việc mua, tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá.
Các sở, ngành, địa phương có tài sản bán đấu giá đã cơ bản phát huy tốt vai trò giám sát của người có tài sản. Một số địa phương đã chỉ đạo các đơn vị thanh tra, tư pháp, thuế, TN&MT, trung tâm phát triển quỹ đất và một số đơn vị liên quan thực hiện việc giám sát tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất.
Mặc dù đạt được kết quả tích cực, tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy, hoạt động đấu giá tài sản vẫn còn không ít vướng mắc. Năng lực hoạt động giữa các tổ chức đấu giá không đồng đều, có sự phân hóa rõ rệt. Số lượng vụ việc chủ yếu tập trung vào một số tổ chức đấu giá. Các tổ chức đấu giá còn lại nguồn việc ít, thậm chí không có, hoạt động cầm chừng, thiếu chuyên nghiệp.
Đội ngũ CCVC được giao làm công tác đấu giá tài sản tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, đấu giá viên, chuyên viên giúp việc tại các tổ chức đấu giá tài sản khi nghiên cứu và thực hiện quy định về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản còn gặp các khó khăn, vướng mắc, nhất là đối với đấu giá tài sản công và đấu giá quyền sử dụng đất.
Một số quy định liên quan đấu giá tài sản tại Luật Đấu giá tài sản, pháp luật chuyên ngành như đất đai, khoáng sản, tài chính, thi hành án dân sự... chưa được đồng bộ, thống nhất, đơn cử như thiếu căn cứ để áp dụng đấu giá tài sản thi hành án theo thủ tục rút gọn hay quy định về thời gian nộp tiền trúng đấu giá quyền sử đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất.
Nhằm khắc phục những vướng mắc, hạn chế, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động đấu giá tài sản, thời gian tới, bên cạnh việc đẩy mạnh phổ biến pháp luật về đấu giá tài sản, tăng cường tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ chuyên môn, các cấp, ngành cũng cần rà soát những chồng chéo, mâu thuẫn giữa các văn bản quy phạm pháp luật về đấu giá tài sản để tham mưu sửa đổi, bổ sung thống nhất, đồng bộ.
Thanh Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()