Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 14:21 (GMT +7)
Quan tâm chăm lo người có công và gia đình chính sách
Thứ 7, 03/07/2021 | 08:44:20 [GMT +7] A A
Phát huy truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, góp phần chăm lo ngày càng tốt hơn cho các đối tượng chính sách và người có công với cách mạng trên địa bàn.
Nhiều việc làm thiết thực, nghĩa tình
Mới đây, chúng tôi có dịp đi cùng cán bộ Phòng LĐ-TB&XH TX Đông Triều đến thăm mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Loan (khu Yên Lâm 4, phường Đức Chính, TX Đông Triều). Mẹ Loan năm nay 100 tuổi. Trong 2 cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, mẹ đã lần lượt tiễn chồng và 2 con trai lên đường nhập ngũ và đã hy sinh. Chiến tranh qua đi, dù nỗi đau không thể nào nguôi, nhưng mẹ Loan luôn tự hào về chồng và con của mình đã cống hiến cả cuộc đời, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Những năm qua, bên cạnh hưởng trợ cấp hằng tháng, mẹ luôn nhận được sự quan tâm chăm sóc cả về vật chất, tinh thần của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Chị Nguyễn Thị Ngà, con dâu của mẹ, chia sẻ: Những năm gần đây do tuổi cao, bệnh nhiều, nên sức khỏe mẹ yếu, phải nằm dưỡng bệnh. Nằm ở nhà buồn, nên mẹ mong có người đến chơi. Các cháu ở trường học, ở phường, đoàn viên, thanh niên ở thị xã thường xuyên đến thăm, tặng quà, trò chuyện cùng mẹ. Gia đình tôi và mẹ rất biết ơn và cảm động trước sự quan tâm chăm lo đó.
Ông Phạm Văn Cầu, thương binh hạng 3/4 (khu 3, phường Nam Hòa, TX Quảng Yên) là đối tượng thuộc diện được hỗ trợ theo chính sách cải thiện nhà ở cho người có công. Do xây dựng từ lâu, căn nhà của gia đình ông đã xuống cấp, ông, bà không có điều kiện xây lại. Thực hiện chỉ đạo của TX Quảng Yên, năm 2019, phường Nam Hòa đã hỗ trợ gia đình ông Cầu xây mới ngôi nhà, trên diện tích 54m2, trị giá gần 400 triệu đồng, trong đó tỉnh và thị xã hỗ trợ 60 triệu đồng.
Ông Cầu chia sẻ: "Sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước là nguồn động viên rất lớn cho gia đình tôi. Qua đó, chúng tôi càng thêm tin tưởng và động viên con cháu tích cực học tập, rèn luyện, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày một giàu đẹp, văn minh".
Không chỉ đảm bảo đầy đủ các chính sách, những năm qua, việc chăm lo cho người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh còn được cụ thể hoá bằng nhiều phong trào, phần việc thiết thực của các cấp chính quyền, hội, đoàn thể, tổ chức và cả cộng đồng.
Điển hình, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa: Khám, chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí; hỗ trợ kinh phí sửa chữa, xây mới nhà cho đối tượng chính sách có hoàn cảnh khó khăn; dọn vệ sinh, tu sửa, dâng hương, thắp nến tri ân tại các nghĩa trang, đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ; phối hợp với hội cựu chiến binh tổ chức các buổi nói chuyện ôn lại truyền thống hào hùng của quân và dân ta...
Anh Lê Tuấn Vũ, Bí thư Thành Đoàn Hạ Long, cho biết: Các hoạt động tri ân người có công với cách mạng giúp cho các ĐVTN phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Qua đó, nhận thấy rõ nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước hiện nay. Đặc biệt là tích cực hơn nữa trong việc tham gia tình nguyện, quan tâm chăm lo cuộc sống; vận động cộng đồng chung tay giúp đỡ, bù đắp phần nào những hy sinh, mất mát, thiệt thòi của các đối tượng chính sách, người có công ở địa phương mình.
Đảm bảo đầy đủ chính sách
Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, toàn tỉnh hiện có trên 14.500 người có công với cách mạng; 35.247 người được tặng thưởng Huân, Huy chương Kháng chiến; 5.519 người hưởng chế độ thờ cúng liệt sĩ. Hằng năm tỉnh luôn dành một phần kinh phí lớn để thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, trợ cấp đột xuất cho các đối tượng lúc ốm đau, hoạn nạn, khó khăn. Các chế độ chính sách đối với người có công được các cấp, ngành, địa phương thực hiện đầy đủ, kịp thời. Đến nay, 100% gia đình thương, bệnh binh có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú. 100% người có công được cấp thẻ BHYT; trên 5.000 lượt đối tượng được giải quyết chế độ điều dưỡng, phục hồi sức khỏe mỗi năm…
Các cấp chính quyền trong tỉnh đặc biệt quan tâm giải quyết triệt để chế độ chính sách, đảm bảo quyền lợi cho người có công. Năm 2020, Sở LĐ-TB&XH tỉnh đã tiếp nhận và giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách cho 14.866 người có công với cách mạng và thân nhân; trả lời kiến nghị của cử tri về giải quyết đối với 169 trường hợp liệt sĩ chưa được cấp Bằng Tổ quốc ghi công; chính sách hỗ trợ thêm tiền hương khói thờ cúng liệt sĩ, miễn giảm tiền sử dụng đất cho người có công với cách mạng. Các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh triển khai Đề án hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng; đã có 2.669 hộ người có công được hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở, góp phần ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người có công với cách mạng.
Bên cạnh thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách cho người có công, công tác chăm sóc thương binh, trợ cấp khó khăn đột xuất, hỗ trợ xây mới và sửa nhà ở cho hộ gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn... được tỉnh quan tâm thường xuyên; đặc biệt là phong trào vận động, ủng hộ xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa. Riêng năm 2020, toàn tỉnh đã vận động được hơn 700 triệu đồng ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, góp phần hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, tặng quà cho các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng, tu sửa các công trình ghi công liệt sĩ...
Ông Nguyễn Hoài Sơn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho biết: Cùng với những chính sách của Trung ương, thời gian qua Quảng Ninh đã ban hành thêm một số cơ chế, chính sách riêng, tạo điều kiện nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người có công với cách mạng.
Cụ thể: Hỗ trợ tiền ăn 1,4 triệu đồng/đợt điều dưỡng đối với những người điều dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh, 700.000 đồng/đợt đối với các trường hợp điều dưỡng tại gia đình; hỗ trợ 60.000 -100.000 đồng/tháng cho học sinh, sinh viên là con liệt sĩ, thương bệnh binh nặng có hoàn cảnh khó khăn đang học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, dạy nghề.
Hằng năm, tỉnh đều dành kinh phí để tu bổ, sửa chữa, tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ, bia, đài tưởng niệm liệt sĩ, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân, các cơ quan, đơn vị đến thăm viếng. Riêng năm 2020, Quảng Ninh đã dành 11 tỷ đồng ngân sách để tu bổ, sửa chữa nghĩa trang liệt sĩ; quản lý, chăm sóc, bảo vệ các nghĩa trang. Đồng thời, tỉnh tổ chức các đoàn đại biểu cán bộ và đối tượng chính sách tiêu biểu của tỉnh đi thăm viếng nghĩa trang liệt sĩ tại các tỉnh miền Trung, miền Nam để tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc...
Công tác chăm sóc đời sống thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng được chú trọng. Vào dịp lễ, Tết, ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7), tỉnh, các địa phương, đơn vị đều tổ chức các đoàn đại biểu đến thăm hỏi, tặng quà, động viên các gia đình chính sách tiêu biểu trên địa bàn. Dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, để bảo đảm tất cả gia đình chính sách đều được đón Tết trong không khí vui tươi, đầm ấm, bên cạnh trao quà của Chủ tịch nước, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh cho các đối tượng chính sách theo đúng quy định, tỉnh đã quyết định tặng trên 211.000 suất quà, trị giá từ 300.000 - 4 triệu đồng/trường hợp, tổng kinh phí trên 100 tỷ đồng. Các địa phương trong tỉnh cũng chủ động trích ngân sách để tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho đối tượng.
Sự quan tâm kịp thời của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh là niềm động viên, chỗ dựa tinh thần vững chắc đối với người có công và người thân của họ. Cũng từ đó, nhiều gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh đã nêu cao ý chí tự lực tự cường, khắc phục khó khăn, phát triển kinh tế gia đình, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()