Những vệ tinh Starlink đang phát sóng vô tuyến tần số thấp, có thể gây ra một số ảnh hưởng nhất định tới hoạt động khoa học.
Các vệ tinh Starlink là sản phẩm của SpaceX, công ty sản xuất tên lửa và vệ tinh Internet do tỷ phú Elon Musk sáng lập. Chúng được trang bị tia laser không gian quang học, giúp phủ sóng Internet trên toàn cầu và phục vụ người dân ở những nơi xa xôi nhất trên Trái Đất.
Tuy nhiên với số lượng lên tới cả nghìn chiếc được phóng lên quỹ đạo thấp của Trái Đất, vệ tinh Starlink đang khiến các nhà khoa học lo ngại vì có thể ảnh hưởng đến quá trình nghiên cứu thiên văn.
Cụ thể, theo ông Federico Di Vruno, kỹ sư đến từ Đài quan sát SKA và Liên minh Thiên văn Quốc tế, các vệ tinh Starlink có thể đang phát ra những sóng vô tuyến không mong muốn.
Những sóng này được cho là nằm bên ngoài dải tần 10,7 và 12,7 gigahertz - vốn dĩ được sử dụng để thông tin liên lạc giữa các vệ tinh.
Mặc dù không gây ra những tác động tiêu cực đáng kể, song sóng này có thể làm "rối loạn" hình ảnh khi quan sát thiên văn từ Trái Đất, và một số tác dụng phụ khó lường khác.
Đây là điều mà Di Vruno cùng các đồng nghiệp của ông lo ngại, và đang tìm biện pháp để hạn chế.
Để làm rõ sự việc, nhóm nghiên cứu sử dụng kính viễn vọng vô tuyến dải tần số thấp (LOFAR), một mạng bao gồm khoảng 20.000 ăng-ten vô tuyến ở châu Âu, để quan sát 68 vệ tinh Starlink đang hoạt động.
Kết quả nghiên cứu phát hiện thấy 47 trong tổng số 68 vệ tinh được quan sát có xuất hiện bức xạ "lạ", với tần số từ 110 đến 188 MHz.
Sự phát xạ này dường như nằm ngoài chủ đích của nhà sản xuất. Nó là một phần trong quá trình hoạt động đến từ các thiết bị điện tử của vệ tinh, và cũng không phá vỡ bất kỳ quy tắc nào. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng thừa nhận tác động của những rò rỉ hiện thời là tương đối nhỏ.
Tuy nhiên, với việc có ngày càng nhiều vệ tinh được phóng lên quỹ đạo Trái Đất, thì việc kiểm soát những tín hiệu vô tuyến không chủ đích sẽ càng trở nên phức tạp.
Được biết, SpaceX ước tính đã phóng khoảng 4.365 vệ tinh Starlink trên quỹ đạo Trái Đất, cùng hàng nghìn vệ tinh khác đã được lên kế hoạch.
Cùng với đó, OneWeb cũng đóng góp hơn 600 vệ tinh, và Amazon có kế hoạch phóng hàng nghìn thiết bị bay từ năm 2024.
Điều này có thể làm cho tình trạng rò rỉ bức xạ vô tuyến vệ tinh trở thành một vấn đề đáng lo ngại trong tương lai, nếu không kịp thời có những điều chỉnh từ cơ quan quản lý và nhà cung cấp.
Ý kiến ()