Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 05/12/2024 17:00 (GMT +7)
Thuế thu nhập cá nhân, mong chờ và thất vọng!
Thứ 5, 28/11/2024 | 17:08:02 [GMT +7] A A
Chính sách thuế thu nhập cá nhân quá nhiều bất cập, tồn tại trong thời gian dài, không chỉ người dân mà cả các đại biểu Quốc hội, chuyên gia chỉ ra cần phải sửa sớm nhất có thể.
Như Tuổi Trẻ Online thông tin, dự thảo tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) vừa được Bộ Tài chính gửi các bộ ngành, UBND địa phương để lấy ý kiến góp ý sửa đổi toàn diện những bất cập chính sách thuế thu nhập cá nhân, trình Chính phủ đề xuất Quốc hội ban hành Luật Thuế thu nhập cá nhân thay thế.
Bài viết sau của bạn đọc Trung Hiếu góp thêm ý kiến về vấn đề này.
Nên trình Quốc hội trong năm 2025 để sớm áp dụng
Thông tin Bộ Tài chính lấy ý kiến góp ý và đề xuất sửa toàn diện Luật Thuế thu nhập cá nhân phần nào giải tỏa mong chờ của dư luận.
Tuy nhiên thời điểm thông qua tận giữa năm 2026 (và vì thế hiệu lực chắc chắn không sớm hơn cuối năm 2026) lại làm người nộp thuế thất vọng hơn.
Một chính sách thuế quá nhiều bất cập, tồn tại trong thời gian dài, không chỉ người dân mà cả các đại biểu Quốc hội, chuyên gia chỉ ra cần phải sửa sớm nhất có thể.
Nhưng rồi vẫn phải ngóng trông chờ đợi.
Ai cũng biết rõ ràng mức khởi điểm chịu thuế, mức giảm trừ gia cảnh và biểu thuế hiện nay đang quá nhiều bất cập, không phù hợp với điều kiện, tình hình kinh tế - xã hội nước ta.
Đặc biệt là vênh khá xa so với nhu cầu đời sống của người dân.
Không thể chi tiêu nổi với mức thu nhập được xác định là giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc như hiện nay.
Cũng không thể để tồn tại mãi những quan điểm không còn phù hợp với thực tế mà tính chất trong cơ cấu thuế thu nhập cá nhân đã thay đổi nhiều, cơ chế điều chỉnh còn cứng nhắc, chưa linh hoạt, kịp thời.
Tôi cho rằng không thể để người dân, người nộp thuế phải chờ đợi lâu hơn nữa.
Mấy năm qua đã thấy những bất cập nhưng cơ quan soạn thảo, đề xuất chính sách vẫn cứ "chần chừ", chưa đề xuất sửa đổi.
Tại sao lại phải chờ đến giữa năm 2026 mới trình Quốc hội thông qua việc sửa đổi luật? Rồi khi phát sinh hiệu lực thì tính ra cũng khoảng 2 năm nữa.
Hơn bao giờ hết, đây là thời điểm không thể muộn hơn, cần sửa toàn diện Luật Thuế thu nhập cá nhân ngay trong năm nay, trình Quốc hội theo thủ tục nhanh nhất có thể trong đầu năm 2025 để luật sớm đi vào thực tiễn.
Điều chỉnh theo mức lương, tăng trưởng GDP
Việc sửa đổi luật này cần phải có quan điểm toàn diện, bao quát và tư duy linh hoạt trong quá trình thực hiện.
Thứ nhất, phải đưa vào luật việc sử dụng quy trình điều chỉnh mức thuế với cơ chế đơn giản, nhanh nhất. Bởi đây là một trong số những luật phản ánh sát nhất đời sống kinh tế - xã hội và cuộc sống của người dân vốn biến động hằng năm.
Thứ hai, nếu coi thu nhập của người dân là nguồn nộp thuế thì nên áp dụng như cách điều chỉnh đối với thuế thu nhập doanh nghiệp (về tỉ lệ thuế suất, những khoản nào có thể được khấu trừ trong thu nhập, ngoài khoản giảm trừ gia cảnh…).
Thứ ba, phải nâng mạnh mức giảm trừ gia cảnh lên ít nhất 20 triệu đồng đối với người nộp thuế và 10 triệu đồng đối với người phụ thuộc.
Đồng thời áp dụng cơ chế điều chỉnh các mức này căn cứ vào mức tăng lương tối thiểu (có thể là lương cơ sở hoặc lương tối thiểu vùng) và mức tăng trưởng GDP bình quân đầu người, không thể căn cứ vào chỉ số giá tiêu dùng (CPI) như hiện nay.
Thứ tư, cần quy định tỉ lệ huy động trong thuế thu nhập cá nhân thấp hơn, tối đa chỉ bằng mức thuế thu nhập doanh nghiệp.
Giảm bớt các bậc trong biểu thuế, tính toán sao cho các bậc thu nhập cao chịu thuế cao hơn và giảm mức thuế suất đối với các bậc thu nhập thấp hơn để thể hiện tối đa tính điều tiết thu nhập của chính sách thuế này.
Đồng thời phân biệt các mức thuế đối với khu vực đô thị và nông thôn khác nhau, đảm bảo sự phù hợp với đời sống và thu nhập của từng vùng dân cư.
Việc huy động một phần thu nhập của người nộp thuế vào ngân sách nhà nước và điều tiết thu nhập của người dân là cần thiết.
Tuy nhiên phải đảm bảo cho đời sống tối thiểu của người dân, đảm bảo khả năng tích lũy từ thu nhập và đáp ứng các nhu cầu lớn hơn của cuộc sống.
Nhất là trong bối cảnh hiện nay, giá cả hàng hóa, dịch vụ biến động liên tục với những thứ liên quan sát sườn đến sinh kế của người dân như: nhà ở, chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh, dự phòng và cả chuyện đầu tư cho con cái ăn học…
Theo tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()