Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 05/12/2024 01:50 (GMT +7)
Thương lắm Bản Sen
Thứ 5, 30/07/2015 | 09:38:49 [GMT +7] A A
Dù đã nhận được thông tin về tình hình mưa lũ tại xã Bản Sen (Vân Đồn) gây chia cắt hoàn toàn thôn Bản Sen và Nà Na nhưng tận mắt chứng kiến cảnh tượng tại thôn Bản Sen sáng 28/7 mới thấy sức tàn phá của thiên nhiên thật kinh khủng. 27 nóc nhà của thôn đã chìm nghỉm dưới dòng nước, 85 người dân của thôn mà chúng tôi gặp ở nơi tạm trú trong nhà một hộ dân của thôn Đồng Danh vẫn chưa hết bàng hoàng, họ không thể tin được ngôi làng đã có hàng trăm năm, trải qua 7- 8 thế hệ sinh sống nay chỉ còn là những mái bổi, những vật dụng nổi lềnh bềnh trên mặt nước.
Chìm trong biển nước
Do mưa lớn đất đá bị sạt lở tại khu vực cầu 2 chia cắt khiến giao thông đường bộ giữa Vân Đồn và Cẩm Phả hoàn toàn bị tê liệt, xuồng cao tốc của Công an huyện Vân Đồn đón chúng tôi tại bến phà Tài Xá cũ (phía Cửa Ông) để ra thẳng Bản Sen. Xuồng cập cầu cảng Bản Sen, chúng tôi thấy rất nhiều người dân trong xã đang vác hàng từ tàu công tác của huyện lên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bản Sen cho biết: Hàng huyện chuyển ra cứu trợ cho nhân dân của thôn Bản Sen và Nà Na, xã huy động lực lượng ra vận chuyển hàng vào cứu trợ bà con.
Thôn Bản Sen (xã Bản Sen, Vân Đồn) chìm trong nước lũ. |
Để vào được thôn Bản Sen, phải đi qua thôn Nà Sắn và Đồng Danh, nếu như ngày thường quãng đường gần 8km này chỉ cần xe máy chạy chừng 15 phút là tới nơi nhưng hôm nay do mưa lũ đã phá hỏng toàn bộ đường, đất, đá tảng to hàng khối tràn từ trên núi xuống, nước từ cánh rừng già nguyên sinh phía trên ào ào chảy xuống như những dòng thác khiến con đường bê tông vừa mới được bà con 3 thôn góp công, góp sức hoàn thành trở thành lòng suối đỏ ngàu cuồn cuộn chảy. Bám vai nhau lân qua dòng nước các thành viên trong đoàn chúng tôi đều cố gắng di chuyển thật nhanh, ai cũng mong sớm đến được với bà con của thôn Bản Sen.
Gần 3 tiếng đồng hồ lội suối trên nền đường cũ, dưới mưa rừng xối xả, trèo qua những tảng đá to, những gốc cây đổ chắn ngang chúng tôi đã đến được thôn Bản Sen nhưng cảnh tượng trước mắt thì không thể nào tưởng tượng nổi. Một thung lũng nằm giữa 2 quả đồi chỉ còn thấy mênh mông là nước, không một ngọn cây, nóc nhà nào nhô được lên khỏi mặt nước hay ít nhất còn nhìn thấy mập mờ để có thể hình dung ra phía dưới dòng nước kia là một thôn mà 27 hộ dân 4 ngày trước vẫn đang sinh sống yên ổn. Bí thư, Chủ tịch UBND xã Bản Sen Lê Hồng Phương chỉ cột điện cao thế ở đầu thôn định vị cho chúng tôi vị trí của thôn và nói: Đấy khu vực mênh mông nước kia chính là thôn Bản Sen. Những vườn cam, vườn cây ăn quả, những đàn trâu, đàn lợn của bà con giờ đều đã chìm trong biển nước. Biết bao giờ mới khôi phục lại được một thôn có truyền thống hàng trăm năm nay?
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Đọc kiểm tra việc đảm bảo điều kiện ăn ở cho 85 người dân thôn Bản Sen tại nơi tạm trú. |
Đến nơi 85 người dân của thôn đang tạm trú tại nhà của một hộ dân thôn Đồng Danh, chúng tôi thấy già, trẻ lớn bé người nào người nấy mặt mũi hốc hác, ánh mắt vẫn chưa hết bàng hoàng, người ngồi, người đứng tất cả đều ngóng về phía thôn mình, nơi dòng nước lũ đã nhấn chìm tất cả. Gặp chúng tôi, ông Phạm Văn Thành, Trưởng thôn vừa khóc vừa nói: Mất hết tất cả rồi, cả thôn trắng tay các bác ạ. Của đau con xót nhưng thà mất hết tài sản chúng tôi cũng cam lòng chứ ngôi làng mà cha ông đã gây dựng hàng trăm năm nay cũng trôi dưới dòng nước dữ làm sao không đau, không xót cho được.
Tiếp câu chuyện bị ngắt quãng bởi những giọt nước mặt nghẹn ngào của ông trưởng thôn nay đã quá tuổi lục tuần, anh Trần Văn Vỹ một hộ dân trong thôn kể: Tối 26/7 nước bắt đầu dâng, xã đã cho di dời toàn bộ những hộ ở khu vực thấp lên những nhà ở phía cao hơn nhưng đến tầm khoảng 4 giờ sáng ngày 27/7 mưa rất to, bà con nghe thấy ầm ầm nước đổ không ai bảo ai tất cả cùng chạy lên rừng chẳng kịp đem theo gì và khoảng 1 tiếng sau thì cả thôn chìm nghỉm trong nước. Lần theo đường rừng trong đêm tối chúng tôi dẫn nhau sang thôn Đồng Danh tá túc, thôn này ở phía trên cao nên không bị ảnh hưởng gì. Đến 10 giờ sáng lãnh đạo huyện vào đem theo mỳ tôm, lương khô, gạo, nước uống, quần áo, chăn màn, thuốc men vào cứu trợ. Mấy ngày nay tá túc tại đây người nào người ấy ruột nóng như lửa đốt nhưng giờ biết đi đâu, về đâu, nhà vẫn đang ngập chìm trong biển nước, mấy thanh niên khỏe mạnh đã mấy lần về lại thôn để khảo sát nhưng đành chịu, trời vẫn mưa, nước từ trên rừng vẫn ào ào đổ xuống. Chúng tôi chỉ mong tỉnh, huyện sớm có giải pháp hỗ trợ bà con tìm nơi khác để an cư lạc nghiệp.
85 người dân thôn Bản Sen hiện đang tá túc tại nhà một hộ dân thôn Đồng Danh. |
Đồng chí Hoàng Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn, người đã túc trực tại Bản Sen trong 3 ngày qua cho biết thêm: Sáng sớm 27/7 nhận được tin báo từ xã Bản Sen, huyện lập tức thành lập tổ công tác, mang theo thuốc men, lương thực, nước uống đảm bảo cung cấp cho 125 người trong thời gian 2 ngày ra ứng cứu bà con thôn Bản Sen. Do đường bị phá vỡ hoàn toàn, nước lũ cuồn cuộn chảy đoàn buộc leo đường rừng, có những đoạn phải chờ cả 4 tiếng đồng hồ để mắc dây từ bên này sang bên kia rồi mới vận chuyển được đồ ăn sang. Khi thấy đoàn công tác của huyện vào cả thôn cùng òa lên khóc, đến hôm nay tinh thần bà con đã ổn định, các điều kiện ăn ở được đảm bảo, huyện cố gắng sớm tìm biện pháp giải quyết tốt nhất để bà con ổn định cuộc sống.
Ngày mai bắt đầu từ đâu?
Trận mưa kinh khủng nhất trong lịch sử không chỉ nhấn chìm một thôn trong biển nước, chia cắt một thôn mà xã đảo Bản Sen cũng chịu những thiệt hại rất lớn, hơn 800 lồng bè nuôi trồng thủy sản của nhân dân trên địa bàn đã bị nước lũ cuốn hoặc đánh vỡ. Tuyến đường bê tông của thôn Bản Sen và Nà Na nước lũ phá hỏng hoàn toàn, hệ thống điện đến 2 thôn này bị hỏng nghiêm trọng. Kiểm tra tình hình tại đây, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã yêu cầu huyện Vân Đồn cùng với việc đảm bảo các điều kiện ăn, ở cho bà con, huyện bàn bạc với bà con về việc tìm một địa điểm mới định cư để an toàn hơn, nơi ở cũ dành làm nơi sản xuất. Đồng thời nghiên cứu, đề xuất phương án hỗ trợ với tỉnh để người dân sớm ổn định cuộc sống.
Người dân xã Bản Sen đem lương thực, thực phẩm vào tiếp tế cho nhân dân thôn Bản Sen. |
Đồng tình với gợi ý của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, bà con thôn Bản Sen đều bày tỏ, thôn cũ giờ không còn gì, không thể về dựng nhà mới trên nền đất cũ. Cơn “đại hồng thủy” vừa qua cho thấy phải tìm nơi ở mới an toàn hơn và gây dựng lại từ đầu. Nhưng ở đâu, làm gì, bắt đầu từ đâu? Những câu hỏi chưa tìm được câu trả lời làm gương mặt của người trưởng thôn và những người đàn ông trong thôn buồn lặng đi, có người quay đi lau giọt nước mắt khi chưa biết ngày mai sẽ bắt đầu từ đâu?
Đường vào thôn Bản Sen đã bị nước lũ phá vỡ hoàn toàn. |
Khi biết tôi vừa từ Bản Sen về, một người em hiện đang công tác tại Cô Tô nhắn tin bảo: Thôn Bản Sen là quê em đấy, mấy hôm rồi nghe thông tin từ quê mà đau xót quá. Bao nhiêu năm nay bà con trong thôn em không ai phá rừng, chặt gỗ, chị đến đấy thấy phía trên vẫn còn nguyên những cánh rừng nguyên sinh vậy mà nước lũ ở đâu tràn về kinh khủng vậy? Quả đúng vậy nếu như bà con Bản Sen phá hết rừng, mất hết vùng đệm, vùng dự trữ sinh thủy nên mưa lớn mới gây lũ quét, sạt lở đất đá đã đành nhưng đằng này Bản Sen vẫn còn nguyên vẹn những cánh rừng nguyên sinh, lại là xã đảo ấy vậy mà chịu cảnh ngập lụt. Thế mới biết thiên nhiên luôn luôn biến đổi khó lường, sự biến đổi khí hậu đã và đang có những tác động không thể lường. Và 85 người dân của thôn Bản Sen, cũng như những người con xa quê của họ còn đang đau đáu về nơi ăn, chốn ở cho những ngày tiếp theo, về cuộc sống mới không thể bắt đầu từ ngôi làng cũ….
Đất đá theo dòng nước lũ từ trên rừng ào xuống các tuyến đường, nhà dân của xã Bản Sen. |
Mỗi người một tấm lòng vì Quảng Ninh thân yêu, tin rằng những người dân của thôn Bản Sen bằng sự nỗ lực, cố gắng của mình, sự hỗ trợ của nhân dân cả nước sẽ sớm ổn định cuộc sống, vượt qua khó khăn.
Lan Hương
Liên kết website
Ý kiến ()