Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 17/11/2024 00:26 (GMT +7)
Giao ban Thường trực Tỉnh ủy
Thứ 2, 24/07/2023 | 14:16:19 [GMT +7] A A
Ngày 24/7, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức hội nghị giao ban, cho ý kiến về một số nội dung quan trọng. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì.
Tại cuộc họp, các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy đã nghe và cho ý kiến về tình hình, kết quả và những khó khăn trong việc thực hiện xóa nhà tạm, nhà ở dột nát trên địa bàn tỉnh.
Với phương châm mọi người dân Quảng Ninh đều được thụ hưởng thành quả phát triển, tăng trưởng bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau; gắn kết chặt chẽ phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, đảm bảo an sinh, phúc lợi... những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách riêng có về an sinh, phúc lợi xã hội. Trong đó, việc xóa nhà tạm, nhà ở dột nát trên địa bàn tỉnh là chủ trương có ý nghĩa an sinh xã hội rất lớn, góp phần nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Thực hiện chủ trương này, tỉnh đã thành lập BCĐ do trực tiếp đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng ban. Các đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm toàn diện trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Qua rà soát, toàn tỉnh xác định năm 2023 có 415 hộ trong diện hỗ trợ thuộc 10 địa phương trong tỉnh.
Đến thời điểm này, việc thực hiện xóa nhà tạm, nhà ở dột nát đang được các địa phương tập trung triển khai tích cực. Đã có 285/415 hộ tiến hành sửa chữa, xây mới; 8/10 địa phương đã huy động đủ nguồn lực cần hỗ trợ với tổng tiền hơn 20 tỷ đồng. Mục tiêu phấn đấu đến tháng 9/2023, tỉnh Quảng Ninh cơ bản hoàn thành việc xóa nhà ở tạm, nhà ở dột nát cho các đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, người neo đơn, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đối tượng yếu thế, đối tượng bảo trợ xã hội theo các tiêu chí phân loại về nhà ở do Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện. Qua đó, góp phần thực hiện thành công chủ trương có ý nghĩa an sinh xã hội rất lớn của tỉnh theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và chủ đề công tác năm 2023.
Đánh giá cao sự chủ động, tích cực từ các địa phương, Thường trực Tỉnh ủy thống nhất, việc đẩy nhanh thực hiện xóa nhà tạm, nhà ở dột nát trên địa bàn tỉnh là cần thiết và phải triển khai thường xuyên qua từng năm. Bởi đây là vấn đề nảy sinh trong quá trình phát triển. Triển khai nhiệm vụ này, các địa phương đã rất quyết tâm, có được kết quả tích cực, không chỉ rà soát đối tượng, tổ chức công việc mà còn huy động nhân lực triển khai với quyết tâm rất cao.
Với mục tiêu tất cả vì hạnh phúc của nhân dân, Quảng Ninh đã dành sự quan tâm đặc biệt, trăn trở, tìm mọi giải pháp để chăm lo và nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, nhất là các đối tượng yếu thế. Sự quan tâm đó được thể hiện qua các chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân được tỉnh ban hành. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là khâu tổ chức thực hiện của các địa phương. Mỗi địa phương cấp huyện, cấp xã cần trách nhiệm, nỗ lực hơn nữa để tổ chức triển khai thực hiện hiệu lực, hiệu quả, hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát mới phát sinh trên phạm vi toàn tỉnh.
Trong quá trình triển khai, cần có sự đồng bộ, thống nhất trong chỉ đạo, điều hành; phương pháp làm việc phải hết sức cụ thể, sâu sát, trực tiếp, thường xuyên đối với từng đối tượng cụ thể, tiến độ từng công trình của các gia đình. Bên cạnh đó, cần vận dụng hiệu quả các nguồn lực, phương pháp, cách tổ chức để đạt mục tiêu đã đề ra; huy động sức người, sức của từ chính những người dân trong cộng đồng; duy trì hiệu quả sự phối hợp trách nhiệm, tích cực hơn với các cơ quan chức năng của tỉnh.
Các địa phương cũng cần tận dụng thời gian để đẩy nhanh tiến độ triển khai, hoàn thành trong tháng 9/2023 theo đúng kế hoạch. Quá trình thực hiện đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, dân chủ và kịp thời, hiệu lực, hiệu quả với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng”. Tuyệt đối không bỏ sót đối tượng, đảm bảo đúng tiêu chuẩn, điều kiện, tuyệt đối không để lợi dụng chủ trương và không để phát sinh những vấn đề liên quan.
Cùng với đó, cần tăng cường trách nhiệm của BCĐ cấp huyện, trực tiếp Bí thư cấp ủy phải thực hiện rà soát đối tượng trong địa bàn, công bố công khai trên các hạ tầng truyền thông; huy động sự tham gia từ cộng đồng, các tổ chức chính trị - xã hội, các lực lượng vũ trang đóng chân trên địa bàn để góp sức, góp công, vừa tạo khí thế sôi nổi trong triển khai thực hiện, vừa tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân.
Đây là chủ trương lớn, có ý nghĩa với tỉnh, vì thế cần đẩy mạnh công tác truyền thông, thể hiện rõ tinh thần đoàn kết, nghĩa cử cao đẹp, truyền thống văn hóa Vùng mỏ của người Quảng Ninh.
Cũng tại cuộc họp, Thường trực Tỉnh ủy đã nghe báo cáo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Chỉ đạo nội dung này, các đồng chí trong Thường trực đánh giá cao sự quyết tâm, cố gắng của đội ngũ quản lý, giáo viên ngành GD&ĐT, nhất là trong giai đoạn ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, luôn giữ được trạng thái ổn định, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm sau luôn cao hơn năm trước.
Khẳng định quyết tâm nâng cao chất lượng GD&ĐT, theo các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy: Muốn có chất lượng giáo dục tốt thì phải có chiến lược cụ thể, bài bản. Do vậy, những năm qua, Quảng Ninh đã dành sự ưu tiên, quan tâm đầu tư rất lớn cho ngành GD&ĐT, đội ngũ giáo viên, cơ sở giáo dục ngày càng được đầu tư, nâng cao chất lượng. Có điều, điểm xếp hạng trung bình kỳ thi Tốt nghiệp THPT Quốc gia vừa qua chưa thực sự tương xứng với sự quan tâm, đầu tư của tỉnh, có sự chênh lệch vùng miền, chênh lệch giữa hệ đào tạo.
Trên cơ sở thẳng thắn nhìn lại, với mục tiêu cải cách toàn diện GD&ĐT theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025, Thường trực Tỉnh ủy đã yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh, ngành GD&ĐT cùng các địa phương thực hiện phân tích chuyên sâu kết quả đầu vào và đầu ra THPT trên địa bàn. Tỉnh sẽ mở hội nghị cấp tỉnh để thẳng thắn nhìn nhận, nói thẳng, nói thật nhằm lột tả những vướng mắc. Từ đó, quán triệt các nội dung, triển khai các giải pháp quan trọng trong nhiệm vụ nâng cao chất lượng ngành GD&ĐT.
Đặc biệt trong đó, cần làm tốt công tác dự báo, xây dựng kế hoạch, chủ động nguồn lực quản lý, giáo viên; cần có sự chuyển động từ tư duy đến hình thức. Trong triển khai, cần tập trung nâng cao giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn, cần thực hiện tại tất cả các cấp học từ tiểu học trở lên; chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ năng giảng dạy đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên các môn chủ đạo. Thực hiện rà soát, đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học, kết hợp con người trong quy trình quản lý, kiểm chuẩn, kiểm định tại tỉnh. Lưu ý quan tâm chất lượng giảng dạy và học tại mạng lưới các trường ngoài công lập, khối thường xuyên nhằm đáp ứng yêu cầu phù hợp của người dân trong xây dựng xã hội học tập.
Các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan quản lý cũng cần xác định lại trách nhiệm đối với việc chăm lo, phát triển đội ngũ nhà giáo, quản lý giáo dục; có các giải pháp khắc phục ngay tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ, có phương án chăm lo đời sống đối với đội ngũ giáo viên chất lượng cao đến địa bàn...
Đỗ Phương
Liên kết website
Ý kiến ()