Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 01/12/2024 09:01 (GMT +7)
Thuyền nan Nam Hoà - Sản phẩm OCOP độc đáo phục vụ du lịch
Chủ nhật, 11/09/2016 | 16:30:04 [GMT +7] A A
Là quê hương của nghề làm thuyền nan truyền thống, nghệ nhân ở phường Nam Hoà (TX Quảng Yên) đã dày công sáng tạo, “thổi hồn” nghệ thuật biến chiếc thuyền nan trở thành một sản phẩm mỹ nghệ độc đáo. Không chỉ là sản phẩm OCOP, những chiếc thuyền nan nhỏ trở thành một món quà lưu niệm tinh xảo, đẹp mắt phục vụ khách du lịch.
Ông Nguyễn Anh Sáu, khu 3, phường Nam Hoà (TX Quảng Yên), người đầu tiên làm ra sản phẩm này, chia sẻ: Làng nghề truyền thống Nam Hoà xưa nay nổi tiếng với nghề đan thuyền nan phục vụ ngư dân. Không chỉ mang nhiều “màu sắc” của khung cảnh làng quê Việt, Nam Hoà còn điển hình cho một làng nghề độc đáo, nơi nhà nhà, người người làm thuyền nan. Du khách đến đây đều rất thích thú… Vì thế, tôi nghĩ có lẽ nên tạo ra một sản phẩm gì đó để du khách nhớ về làng nghề, vừa là món quà nhỏ khi ra về.
Sản phẩm thuyền nan Nam Hoà trở thành đồ lưu niệm được du khách ưa chuộng. |
Ý tưởng làm ra những chiếc thuyền nan nhỏ lưu niệm ra đời từ những năm 2011, khi du lịch làng quê ở Quảng Yên bắt đầu phát triển, thu hút được nhiều du khách trong nước và quốc tế. Trên hành trình du lịch, nhiều đoàn làm phim, khách du lịch quốc tế ghé thăm làng nghề mây tre đan Nam Hoà, tham quan xưởng sản xuất thuyền nan.
Từ ý tưởng ông bắt tay vào việc chế tác những chiếc thuyền nan mỹ nghệ mang dáng dấp chiếc thuyền nan truyền thống. Tuy nhiên, để thổi “hồn”, “gói gọn” trong sản phẩm lưu niệm nhỏ cũng không hề đơn giản. Đầu tiên ông thử nghiệm từ những sản phẩm bằng mây tre đan, ông dần rút nhỏ, thay đổi, hình thành nên một “khuôn” chung. Sau nhiều lần chế tác, tính toán về kích thước, nghiên cứu nguyên liệu, mùa du lịch hè tháng 8-2011, những sản phẩm thuyền nan đầu tiên đã ra đời.
Theo đó, sản phẩm lưu niệm này mô phỏng như thật với chiếc thuyền nan truyền thống. Quy trình chế tác đều tuân thủ các nguyên tắc nhất định, giống như làm chiếc thuyền nan truyền thống. Từ khâu chọn nguyên liệu là những cây tre già, đều màu và không bị cháy cật. Các khâu chẻ, vót nan đều phải đều tay. Sau đó là dùng nan tre đan mê thuyền, rồi mang phơi khô, cạp lại. Thang thuyền được làm bằng gỗ, buộc bằng cước trắng, mái chèo bằng tre…
“Tuy công việc làm ra sản phẩm thuyền nan lưu niệm nhẹ hơn so với làm thuyền nan truyền thống, nhưng những sản phẩm này đòi hỏi sự tinh xảo, tỉ mỉ và kiên trì. Điểm khác biệt là mê thuyền được đánh kỹ bằng giấy ráp, sau đó ngâm xử lý mối mọt rồi sơn bóng hoặc để thô… thay vì đổ hắc ín như làm thuyền truyền thống. Để đảm bảo chắc chắn và mỹ quan, các mối nối hoàn toàn dùng chốt hoặc các gờ để cố định”, ông Sáu chia sẻ.
Chính vì thế, sản phẩm thuyền nan lưu niệm của ông không những đảm bảo tính mỹ quan, tinh xảo mà còn đảm bảo độ bền chắc. Mỗi sản phẩm thuyền nan ông Sáu làm mất từ 1-1,5 ngày. Trung bình gia đình ông làm được khoảng 20-30 chiếc/tháng. Kích cỡ thuyền nan cũng đa dạng hơn, từ thuyền nhỏ 35cm-80cm-90cm tới loại to: 1m-1,1m-1,2m. Giá bán sản phẩm cũng dao động từ 400.000 tới 2 triệu đồng. Thuyền nan của gia đình ông được du khách đánh giá cao và bán rất chạy vào mùa du lịch tháng Giêng và dịp hè.
Năm 2012, sản phẩm trên đã được công nhận là sản phẩm OCOP. Hiện nay, cơ sở sản xuất của ông Sáu đã được hỗ trợ nhãn hiệu, bao bì, túi xách, tờ rơi, logo sản phẩm… TX Quảng Yên đang đẩy mạnh phát triển các tuyến du lịch làng quê, tham quan làng nghề truyền thống. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để phát huy nghề đan thuyền nan truyền thống, xây dựng thương hiệu sản phẩm lưu niệm địa phương.
Tạ Quân
Liên kết website
Ý kiến ()