Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 15/11/2024 22:19 (GMT +7)
Tích cực tham gia ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Đất đai sửa đổi
Thứ 3, 28/02/2023 | 09:44:34 [GMT +7] A A
Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi có ý nghĩa rất lớn trong quá trình phát triển KT-XH, quốc phòng an ninh, đặt biệt là đối với quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Hiện nay, dự thảo luật đang được đưa ra lấy ý kiến nhân dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cũng như trong cả nước.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 236 quy định về chế độ sở hữu đất đai, quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai, việc quản lý đất đai và chế độ sử dụng đất, quyền và nghĩa vụ của công dân, người sử dụng đất đối với đất đai thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Nội dung thu hút nhiều sự quan tâm của người dân, đó là dự thảo Luật Đất đai (tại Chương VI và Chương VII) quy định cụ thể các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng và quy định rõ nội hàm dự án phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng (điều kiện, tiêu chí). Đồng thời, dự thảo luật quy định cụ thể hơn về chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để sau khi thu hồi đất thì người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ; thực hiện có hiệu quả việc đào tạo nghề, tạo việc làm, tổ chức lại sản xuất, ổn định đời sống cho người có đất bị thu hồi. Để bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư.
Đóng góp ý kiến về nội dung này, ông Nguyễn Duy Niên (khu Rặng Thông, phường Quảng Yên, TX Quảng Yên) cho biết: Quy định người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ sẽ đảm bảo được vấn đề an sinh xã hội đồng thời tạo điều kiện cho việc giải phóng mặt bằng diễn ra thuận lợi, phục vụ phát triển KT-XH trên địa bàn. Tuy nhiên cũng cần phải cụ thể hơn và phù hợp với từng đối tượng cụ thể. Ví dụ, nếu là nông dân, thì việc tái định cư nên gắn với nơi ở tái định cư là nông thôn, hoặc phải có chính sách về chuyển đổi, đào tạo nghề để đảm bảo việc làm, thu nhập.
Dự thảo luật quy định căn cứ nguyên tắc, quy chuẩn, phương pháp định giá đất, giá đất phổ biến trên thị trường và biến động giá đất, UBND cấp tỉnh xây dựng và trình HĐND cùng cấp thông qua bảng giá đất, hệ số điều chỉnh biến động giá đất trước khi ban hành. Bảng giá đất được xây dựng định kỳ hàng năm và công bố công khai vào ngày 1/1 của năm. Trong thời gian thực hiện bảng giá đất, khi giá đất phổ biến trên thị trường có biến động thì UBND cấp tỉnh điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp.
Theo các chuyên gia, việc bỏ khung giá đất, xác định giá theo thị trường được xem là bước đột phá lớn trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, tạo nên thay đổi căn bản về các vấn đề kinh tế trong chính sách pháp luật về đất đai.
Ông Vũ Nho Nhượng (khu 5, phường Quảng Yên, TX Quảng Yên), chia sẻ: Theo bản thân tôi đối với công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng rất mong muốn khi Luật Đất đai sửa đổi, việc xác định khung giá đất theo giá thị trường sẽ đảm bảo tính công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Nhất là luật sau khi sửa đổi sẽ tạo thị trường đất đai lành mạnh, tránh sự đầu cơ, trục lợi đẩy giá thị trường bất động sản lên quá cao, khiến người dân có nhu cầu thực sự lại khó tiếp cận như thời gian qua.
Đảm bảo thực hiện đúng mục đích, yêu cầu theo Nghị quyết số 671/NQ-BTVQH15 ngày 23/12/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 31/12/2022 của Chính phủ, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch số 26/KH-UBND (ngày 10/2/202) tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Thời gian lấy ý kiến kết thúc vào ngày 15/3/2023. Hình thức lấy ý kiến đa dạng, bằng cách góp ý trực tiếp thông qua trang web: luatdatdai.monre.gov.vn; góp ý trực tiếp bằng bản giấy, thư điện tử gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường (trụ sở tầng 7, Liên cơ quan số 2, phường Hồng Hà, TP Hạ Long) hoặc hộp thư điện tử: stnvamt@quangninh.gov.vn; hoặc qua các hội nghị, hội thảo, tọa đàm và các hình thức khác phù hợp với quy định của pháp luật.
Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang tập trung lấy ý kiến với 9 nội dung trọng tâm, gồm: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phát triển quỹ đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực trong quản lý đất đai; quy định về hộ gia đình quản lý sử dụng đất.
Lê Nam
Liên kết website
Ý kiến ()