Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 16:59 (GMT +7)
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC
Thứ 6, 24/12/2021 | 09:31:42 [GMT +7] A A
Ngày 1/12, Bộ Công an tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt Kết luận số 02-KL/TW (ngày 18/5/2021) của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW của Ban Bí thư (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Tại Quảng Ninh, ngay từ khi Kết luận số 02-KL/TW được ban hành, các công tác chuẩn bị, triển khai đã được thực hiện một cách bài bản, hiệu quả.
Thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư, của tỉnh và Công an tỉnh, trên cơ sở phát huy những kết quả đạt được, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC và nâng cao hiệu quả công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ (CNCH), Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an tỉnh) đã chủ động làm tốt công tác nắm, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình, kịp thời tham mưu với cấp ủy, chính quyền, Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo triển khai có hiệu quả các mặt công tác PCCC&CNCH trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, đã tham mưu Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 70-KH/TU (ngày 18/6/2021) về triển khai thực hiện Kết luận số 02-KL/TW; tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 226/KH-UBND (ngày 23/11/2021) về việc thực hiện Kết luận số 02-KL/TW và Quyết định số 1492/QĐ-TTg (ngày 10/9/2021) của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 02-KL/TW.
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC và tăng cường lực lượng chữa cháy tại cơ sở, Công an tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 32/2021/NQ-HĐND "Quy định việc xử lý các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về PCCC trước ngày Luật PCCC năm 2001 có hiệu lực"; Nghị quyết số 52/2021/NQ-HĐND "Quy định mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng cho đội trưởng, đội phó đội dân phòng". Công an cấp huyện cũng tham mưu với cấp ủy, chính quyền cùng cấp ban hành 274 văn bản chỉ đạo về PCCC.
Nhờ đó, nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ và đoàn thể các cấp trong công tác PCCC&CNCH được nâng lên. Chính sách, pháp luật, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC&CNCH được tăng cường.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức, pháp luật về PCCC&CNCH được thực hiện với nhiều nội dung và hình thức phong phú. Toàn tỉnh đã xây dựng, kiện toàn 16 đội PCCC chuyên ngành, gần 4.900 đội PCCC cơ sở, trên 1.200 đội dân phòng, phát huy hiệu quả PCCC ngay từ cơ sở; đồng thời, nhân rộng, duy trì hoạt động 33 mô hình điểm về PCCC. Công tác tuyên truyền, tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ PCCC&CNCH cho các lực lượng PCCC tại chỗ được đẩy mạnh, với 1.096 buổi tuyên truyền, trên 93.000 lượt người tham gia. Từ đó, nhận thức, ý thức chấp hành của nhân dân về PCCC&CNCH đã có chuyển biến tích cực. Hầu hết các vụ cháy xảy ra được phát hiện sớm, thông báo kịp thời cho lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH.
Quảng Ninh hiện có gần 13.000 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, trong đó có gần 1.300 cơ sở có nguy hiểm cháy, nổ. Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác PCCC&CNCH, năm 2021 trên 18.000 lượt cơ sở, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, hộ gia đình, phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về PCCC, được kiểm tra và hướng dẫn đảm bảo an toàn PCCC theo chuyên đề, đột xuất, định kỳ. Qua kiểm tra đã phát hiện, xử lý 667 trường hợp vi phạm hành chính về PCCC, phạt trên 1,5 tỷ đồng; đình chỉ hoạt động 4 trường hợp.
Những kết quả tích cực đạt được trong thời gian qua đã góp phần quan trọng kiềm chế sự gia tăng số vụ cháy, nổ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an tỉnh), năm 2021 toàn tỉnh xảy ra 37 vụ cháy, 2 vụ nổ; làm 1 người chết, 1 người bị thương; thiệt hại trên 17 tỷ đồng và 29,5ha rừng. Quá trình tổ chức chữa cháy và CNCH, 100% vụ cháy đều được lực lượng công an ngăn chặn, không cho cháy lan sang các cơ sở, công trình, nhà dân lân cận, bảo vệ an toàn lượng tài sản trị giá hàng chục tỷ đồng, an toàn tính mạng của người dân.
Tuy nhiên, sự phát triển với nhịp độ cao, tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa nhanh, diễn ra ở hầu hết các địa phương; số lượng các cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC ngày càng tăng, nên sự cố, tai nạn cháy, nổ vẫn tiềm ẩn phức tạp. Do đó, bên cạnh sự sát sao của lực lượng công an, cần có sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương để việc triển khai Kết luận số 02-KL/TW của Ban Bí thư, Kế hoạch số 70-KH/TU của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 226/KH-UBND của UBND tỉnh thực sự đạt hiệu quả.
Hằng Ngần
Liên kết website
Ý kiến ()