Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 16:14 (GMT +7)
Tiêm chủng vắc-xin để phòng bệnh hiệu quả
Thứ 2, 22/07/2024 | 08:44:37 [GMT +7] A A
Hiện nay, một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như bạch hầu, ho gà, sởi... đang bùng phát trở lại ở nhiều địa phương trong cả nước. Đây đều là những bệnh có thể phòng ngừa bằng tiêm vắc-xin, vì vậy người dân cần tham gia tiêm chủng đầy đủ để bảo vệ sức khỏe hiệu quả nhất.
Phòng bệnh bạch hầu bằng vắc-xin
Từ đầu năm đến nay, trên cả nước ghi nhận 6 ca mắc bệnh bạch hầu tại Hà Giang (3 ca), Nghệ An (1 ca, người bệnh đã tử vong) và Bắc Giang (2 ca). Trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, bệnh bạch hầu thuộc nhóm B, là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong. Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp, hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi, họng, các giọt bắn của bệnh nhân, đặc biệt dễ lây truyền trong khu vực dân cư đông đúc, hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo.
Bệnh nhân mắc bạch hầu thường xuất hiện ban đầu điển hình là sốt nhẹ và ớn lạnh, đau họng (85-90%), mệt mỏi, suy nhược, đau đầu, viêm hạch cổ thành hình ảnh cổ bạnh to, ngoài ra bệnh nhân có chảy nước mũi một hoặc hai bên. Sau khoảng 2-3 ngày, xuất hiện giả mạc ở amidan, ở thành sau họng, hoặc mũi, với đặc điểm màu trắng ngà, hoặc xám, bóng, dai, dính chặt, khó bóc bám ở vùng amidal, thành bên và sau họng, thậm chí lan rộng xuống thanh môn và khí quản, nếu bóc ra sẽ bị chảy máu. Bệnh nhân mắc bạch hầu có nguy cơ bị biến chứng như viêm cơ tim, nhiễm độc thần kinh dẫn đến tử vong do ngoại độc tố của vi khuẩn.
Theo ghi nhận của CDC Quảng Ninh, hơn 20 năm qua toàn tỉnh chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh bạch hầu. Bác sĩ CKII Trần Thị Diệp (Phó trưởng Khoa Kiểm soát các bệnh truyền nhiễm, CDC Quảng Ninh), cho biết: Bạch hầu là bệnh có vắc-xin phòng ngừa trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Trẻ dưới 1 tuổi tiêm vắc-xin phối hợp 5 trong 1 (SII), gồm bạch hầu, ho gà, uốn ván, VGB, Hib. Trẻ được tiêm 3 mũi, bắt đầu từ 2 tháng tuổi (mũi 1), 3 tháng tuổi (mũi 2), 4 tháng tuổi (mũi 3). Trẻ từ 18-24 tháng tuổi tiêm 1 mũi nhắc lại bằng vắc-xin DPT (bạch hầu, ho gà, uốn ván). Khi trẻ 7 tuổi được tiêm 1 liều nhắc lại bằng vắc-xin Td (uốn ván, bạch hầu giảm liều). Đối với người lớn chưa được tiêm hoặc không có miễn dịch cần được tiêm vắc-xin có thành phần bạch hầu tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ.
Đến nay, tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi trên địa bàn tỉnh được tiêm chủng đầy đủ đạt 47,64% kế hoạch năm. Tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin DPT (bạch hầu, ho gà, uốn ván) đạt 49,52% kế hoạch năm. Đặc biệt từ năm 2019, Quảng Ninh đã triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc-xin Td (uốn ván, bạch hầu giảm liều) cho trẻ 7 tuổi tại cộng đồng và trẻ học lớp 2 trong toàn tỉnh, đạt 92-95%.
Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần đưa trẻ đi tiêm vắc-xin đầy đủ, đúng lịch, nhằm đảm bảo miễn dịch phòng bệnh cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng. Trong trường hợp hoãn tiêm thì cần tham gia tiêm chủng sau đó sớm nhất có thể.
Bảo vệ sức khỏe cộng đồng
Cùng với bệnh bạch hầu, các bệnh sởi, ho gà cũng đang có những diễn biến phức tạp trong cả nước. Tại Quảng Ninh, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 26 ca mắc ho gà, 3 ca sởi, 4 ca thương hàn. Với các bệnh truyền nhiễm này, người dân hoàn toàn có thể chủ động phòng bệnh bằng tiêm vắc-xin.
Hiện nay tại Quảng Ninh có 2 hình thức tiêm chủng vắc-xin, là: Chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ. Chương trình tiêm chủng mở rộng được triển khai tại tất cả 177 xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Theo đó, trẻ dưới 1 tuổi được tiêm vắc-xin miễn phí phòng 10 bệnh truyền nhiễm phổ biến và gây tử vong cao, gồm: Lao, viêm gan B, bạch hầu, ho gà, bại liệt, uốn ván, viêm màng não mủ do Hib, rubella, sởi, viêm não Nhật Bản.
Người dân có thể tiêm những loại vắc-xin dịch vụ để phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, thủy đậu, sởi, quai bị, rubella, cúm, viêm gan B, viêm màng não do não mô cầu, các bệnh lý do phế cầu gây ra, ung thư cổ tử cung, bệnh sinh dục... Toàn tỉnh hiện có 58 cơ sở tiêm chủng dịch vụ, trong đó có 18 phòng tiêm dịch vụ tại các đơn vị y tế trong tỉnh và 42 cơ sở tiêm chủng dịch vụ tư nhân.
Trong nhiều năm qua, công tác tiêm chủng trên địa bàn tỉnh luôn được đặc biệt quan tâm. Kết quả tiêm chủng đầy đủ hằng năm đạt trên 95%, tiêm vắc-xin cho trẻ sơ sinh đạt trên 85%, phụ nữ có thai đạt trên 85%. Công tác triển khai chiến dịch tiêm/uống bổ sung vắc-xin hằng năm được triển khai đồng bộ, hiệu quả, đảm bảo công tác an toàn tiêm chủng.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính, 85-95% người được tiêm chủng sẽ sinh ra miễn dịch đặc hiệu bảo vệ cơ thể không bị mắc bệnh, tránh tử vong hay mắc di chứng do bệnh dịch gây ra. Hiện đã có vắc-xin phòng đối với 30 bệnh truyền nhiễm và khoảng 190 quốc gia, vùng lãnh thổ đã đưa chương trình tiêm chủng phổ cập tới toàn người dân. Những con số này cho thấy lợi ích của việc tiêm vắc-xin đối với toàn xã hội.
Nguyễn Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()