Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 22:38 (GMT +7)
Tiêm mũi 3 vaccine có miễn nhiễm COVID-19 không?
Thứ 2, 17/01/2022 | 17:30:59 [GMT +7] A A
Sau khi tiêm xong mũi 3, nhiều người dân có tâm lý chủ quan cho rằng sẽ miễn nhiễm với COVID-19, tuy nhiên các chuyên gia cho rằng không có vaccine nào có hiệu quả chống lại virus 100%.
Theo nhiều nghiên cứu, liều tăng cường vaccine COVID-19 không chỉ giúp cơ thể tạo ra kháng thể hiệu quả hơn ngăn chặn COVID-19, mà còn tăng khả năng bảo vệ khỏi các biến thể của virus.
Trong bối cảnh các ca mắc COVID-19 tiếp tục tăng cao giữa làn sóng lây lan của biến thể Omicron, người dân được khuyến khích tiêm liều vaccine bổ sung, tức là mũi 3.
Các nghiên cứu cho thấy, 2 tuần sau khi tiêm liều tăng cường, khả năng bảo vệ khỏi nhiễm bệnh ở mức rất cao.
TS.BS Phạm Quang Thái - Trưởng Văn phòng tiêm chủng miền Bắc, Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết: "2 tuần sau tiêm cho thấy sinh kháng thể rất tốt, tình trạng nặng cũng nhanh chóng giảm thiểu rõ rệt".
Tuy nhiên, trước tình hình nhiều người có tâm lý chủ quan phòng chống dịch vì cho rằng đã tiêm đủ các mũi vaccine thì sẽ không mắc COVID, BS Phạm Quang Thái khuyến cáo, vaccine COVID-19 không đem lại sự bảo vệ tức thì. Tiêm vaccine rồi vẫn có thể bị mắc bệnh. Ít nhất 12-14 ngày sau khi tiêm mũi đầu tiên, cơ thể mới bước đầu có tác dụng. Sau tiêm mũi thứ 2, vaccine COVID-19 đạt hiệu quả bảo vệ tối ưu từ một tháng trở lên. Ngoài ra, hiệu quả này cũng chỉ đạt ở mức khoảng 60-90% tùy theo từng loại vaccine.
"Vaccine COVID-19 không bảo vệ tuyệt đối, nhất là khả năng bảo vệ cơ thể không mang mầm bệnh. Điều này có nghĩa là khi đã tiêm vaccine, chúng ta có thể không mắc COVID-19, nhưng vẫn có khả năng trở thành người mang virus và lây bệnh cho người khác", vị chuyên gia này cho hay.
Cùng quan điểm, PGS.TS Hoàng Bùi Hải - Phó Giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 cho hay: "Theo thời gian, sau khi tiêm vaccine khoảng 4 - 6 tháng, kháng thể sinh ra từ hai liều vaccine cơ bản bị suy giảm dần, vì vậy, tiêm nhắc lại nhằm tăng mức độ phản ứng miễn dịch làm cho kháng thể trong cơ thể lại được tăng lên, chống lại tác nhân gây bệnh là SARS-CoV-2".
Hà Nội những ngày này vẫn đang đứng đầu cả nước về số ca mắc mới, chạm ngưỡng 3.000 ca mỗi ngày. Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, hơn 80% số ca mắc có triệu chứng nhẹ, tỷ lệ tử vong là 0,26%, tỷ lệ nặng là 1,5%. Để có thể giảm thiểu tối đa tỷ lệ tử vong như thế này, không thể không nhắc đến thành công của chiến dịch tiêm chủng bao phủ toàn thành phố.
Tuy nhiên, cần nhắc lại một điều, việc tiêm vaccine COVID-19 mũi 3 không đồng nghĩa với việc miễn nhiễm COVID-19. Nếu người dân chủ quan không tuân thủ các biện pháp 5K, nguy cơ dịch bệnh tăng cao hơn nữa vẫn còn tiềm ẩn rủi ro nhiều.
Theo BS Thái, cho đến thời điểm này, những loại vaccine mà chúng ta đang có vẫn có tác dụng phòng đối với virus, đặc biệt là phòng thể nặng. Điều này rất quan trọng cho những người có nhiều nguy cơ như mắc bệnh lý nền, người cao tuổi, người mặc bệnh đặc biệt... thì việc phòng thể nặng đã rất tốt, chưa kể đến phòng nhiễm.
"Đó là lý do tại sao, ngoài việc tiêm vaccine, người dân vẫn cần thực hiện các biện pháp phòng chống dịch 5K hết sức nghiêm ngặt. Bởi vì, tiêm vaccine cũng chỉ có thể giảm nguy cơ lây nhiễm nhưng vẫn có thể mắc bệnh và có nguy cơ lây cho người khác, dù khả năng lây nhiễm cho người khác đã giảm đi nhiều", bác sĩ Thái nói.
Theo giadinhonline.vn
Liên kết website
Ý kiến ()