Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 11:52 (GMT +7)
Phát triển kinh tế biển Vân Đồn: Tiềm năng, cơ hội và thách thức
Thứ 2, 02/08/2021 | 11:05:58 [GMT +7] A A
Theo Quyết định số 266/QĐ-TTg ngày 17/2/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng KKT Vân Đồn đến năm 2040, Vân Đồn là một trong 4 KKT trọng điểm của tỉnh. Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, Vân Đồn cũng là KKT biển duy nhất, cửa ngõ giao thương quốc tế của Quảng Ninh.
Ở vị trí đặc biệt, Vân Đồn là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế cả về thiên nhiên, văn hóa và con người, tạo nên thế vững chắc, trụ cột trong phát triển kinh tế biển. Tuy nhiên, trước những thách thức không hề nhỏ, Vân Đồn đang đặt ra những định hướng để phát triển bền vững, phát huy thế mạnh sẵn có.
Tiềm năng nổi trội
Là huyện miền núi, hải đảo nằm ở phía Đông Nam tỉnh Quảng Ninh, Vân Đồn có diện tích đất tự nhiên trên 2.000km2, trong đó 551,3km2 đất nổi, với hơn 600 hòn đảo lớn nhỏ hình thành nên 2 quần đảo là: Cái Bầu và Vân Hải. Huyện hiện có 12 xã, thị trấn, trong đó có 5 xã thuộc tuyến đảo.
Vùng biển Vân Đồn nằm trong Vịnh Bái Tử Long, có nhiều tùng vụng với hàng trăm núi đá, tạo ra hệ sinh thái biển và ven bờ đa dạng, phong phú, có nhiều tiềm năng để phát triển khai thác, nuôi trồng các loài thuỷ hải sản có giá trị kinh tế cao. Sự đa dạng về hạ tầng giao thông (cả đường bộ, đường thủy, đường hàng không) cũng chính là thế mạnh của Vân Đồn so với nhiều địa phương khác trong tỉnh.
Dịch vụ du lịch biển đang dần được khai thác và phát triển, đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của Vân Đồn. Các mô hình du lịch sinh thái biển, du lịch trải nghiệm cộng đồng tại các xã đảo đã thu hút nhiều lượt khách du lịch trong và ngoài nước. Đặc biệt, bãi tắm ở các xã đảo: Minh Châu, Quan Lạn, Ngọc Vừng, với bờ biển dài, cát trắng mịn đã thu hút đông đảo du khách và được đánh giá là những bãi tắm đẹp, cùng những món ăn đặc sản biển tươi ngon, hấp dẫn du khách.
Không chỉ tiềm năng về du lịch, với diện tích vùng biển trên 1.600km2, nguồn lợi thuỷ hải sản nơi đây rất phong phú, đa dạng, có nhiều loài đặc sản có giá trị kinh tế cao, như: Sá sùng, hải sâm, tu hài, hàu, hà, ngao, ốc đá, ốc hương, ốc màu, tôm, cua, mực, cá song, cá hồng… Nghề nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy hải sản vì thế cũng trở thành một trong những nghề thế mạnh, gắn liền với thương hiệu địa phương.
Toàn huyện hiện có trên 1.000 hộ dân đầu tư nuôi trồng thuỷ sản biển; trên 80 cơ sở, doanh nghiệp hoạt động liên quan đến ngành sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm thuỷ sản; giải quyết việc làm cho hơn 7.500 lao động địa phương. Tốc độ tăng trưởng, diện tích, sản lượng nuôi trồng thủy sản ngày càng tăng. Chỉ trong 4 năm (2016-2020), sản lượng nuôi trồng toàn huyện đã tăng 6,8 lần, đạt 65.100 tấn/năm.
Đó là kết quả từ những nỗ lực của Vân Đồn trong việc tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân mở rộng diện tích nuôi trồng, thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống thuỷ sản, chuyển đổi phương thức nuôi trồng (đặc biệt đối với hàu, ngao, cá lồng bè...), kết hợp đầu tư khoa học kỹ thuật đã làm gia tăng mật độ nuôi, từ đó làm tăng năng suất và sản lượng nuôi trồng.
Những khó khăn, thách thức
Ông Đào Văn Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn, cho biết: Mặc dù đã có những kết quả tích cực, tuy nhiên, đánh giá một cách khách quan, những kết quả đạt được thời gian qua của Vân Đồn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Chúng tôi còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đó chính là hệ thống kết cấu hạ tầng các vùng biển, ven biển và hải đảo chưa đảm bảo, chưa được đầu tư đồng bộ, nên hiệu quả sử dụng thấp, kém bền vững.
Nuôi trồng thủy sản mặc dù đã bước đầu phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, nhưng còn thiếu liên kết trong sản xuất, kinh doanh. Một số tổ chức liên kết như: Hợp tác xã, tổ hợp tác, hội, hiệp hội… được hình thành, nhưng chưa thực sự phát huy hiệu quả trong hoạt động. Công nghiệp chế biến chưa phát triển, chưa tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng, thị trường cho các sản phẩm đầu ra chưa ổn định. Các cơ sở quan trắc, dự báo, cảnh báo biển, thiên tai biển, các trung tâm tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn… chưa được trang bị đáp ứng yêu cầu phát triển hiện nay.
Bên cạnh đó, tình hình khai thác, quản lý và sử dụng tài nguyên biển và hải đảo đạt hiệu quả chưa cao, thiếu bền vững do khai thác tự phát, không tuân thủ quy hoạch biển đảo, khai thác chưa thực sự gắn với bảo tồn và phát triển.
Hơn nữa, môi trường biển đảo bị ô nhiễm và biến đổi theo chiều hướng xấu, ngày càng có nhiều chất thải chưa qua xử lý từ các hoạt động khai thác, nuôi trồng và chế biến, đặc biệt là chất thải rắn như phao xốp, chất thải nhựa... đã làm suy giảm đáng kể chất lượng môi trường biển.
Đặc biệt, tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp như hiện nay đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất và tiêu thụ hàng hoá, nhất là các sản phẩm từ biển. Dịch bệnh cũng khiến hoạt động du lịch nhiều thời điểm trở nên tê liệt do thực hiện các quy định về giãn cách để phòng, chống dịch.
Định hướng phát triển
Để trở thành địa phương mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển thịnh vượng, an ninh và an toàn… Vân Đồn định hướng phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; khai thác có kế hoạch, hiệu quả, trên cơ sở bảo vệ và giữ gìn tài nguyên biển; hướng tới phát triển dịch vụ, du lịch biển đảo gắn với khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản bền vững.
Huyện sẽ sắp xếp lại vùng nuôi trồng theo hướng giảm dần nuôi ven bờ sang phát triển vùng biển; chuyển dần từ phương thức nuôi lồng bè truyền thống sang hình thức nuôi ứng dụng công nghệ cao. Phát triển mạnh các mô hình sản xuất theo chuỗi, hình thành những vùng nuôi trồng thủy sản biển tập trung, bền vững, nâng cao hiệu quả và giảm bớt rủi ro. Để giảm áp lực cho môi trường biển, huyện cũng khuyến khích chuyển dịch khai thác gần bờ không hiệu quả sang nuôi trồng thuỷ sản, dịch vụ, du lịch.
"Chúng tôi đang nghiên cứu, tìm hiểu để phát triển các cơ sở dịch vụ thương mại đặc thù gắn với các khu đô thị, khu du lịch như: Trung tâm thương mại, chợ đêm, phố đi bộ, phố ẩm thực… Phát triển các sản phẩm nghỉ dưỡng cao cấp kết hợp chăm sóc sức khoẻ, du lịch nghiên cứu, trải nghiệm, du lịch tâm linh; mở rộng phát triển loại hình du lịch cộng đồng tại các xã đảo. Bên cạnh việc mở rộng và nâng cao chất lượng các khu, điểm du lịch hiện có, huyện sẽ phát triển các điểm, loại hình du lịch mới, như: Tham quan hang động, điểm du lịch Eo Gió, điểm nghỉ đêm trên Vịnh Bái Tử Long... Đồng thời, chúng tôi cũng đưa ra nhiều biện pháp để ngăn chặn nguy cơ môi trường biển bị ô nhiễm càng gia tăng, trong đó có việc kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm những hành vi khai thác tận diệt, đẩy nhanh tiến độ thực hiện chuyển đổi phao xốp sang vật liệu nổi HDPE an toàn trong nuôi trồng thủy hải sản… Có như vậy, mới có thể phát triển kinh tế biển một cách bền vững" - Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn cho biết thêm.
Hằng Ngần
Liên kết website
Ý kiến ()