Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 21/11/2024 21:51 (GMT +7)
Tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại Bình Liêu: Đi đến từng nhà, vận động từng người
Thứ 5, 12/08/2021 | 07:13:36 [GMT +7] A A
Những ngày này, huyện Bình Liêu đang triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đợt 8 (mũi thứ hai) cho người dân từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn huyện. Ghi nhận ở nhiều bàn tiêm, người dân đã chủ động, hào hứng đến tiêm phòng. Để có được kết quả này là do ngay từ khi triển khai tiêm mũi thứ nhất, cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở của Bình Liêu đã vào cuộc “đi đến từng nhà, vận động từng người” tham gia tiêm vắc-xin phòng Covid-19.
Những bước chân không mỏi
Huyện Bình Liêu triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi thứ nhất cho nhân dân từ ngày 13 đến 23/7/2021, là chiến dịch tiêm phòng toàn dân lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn huyện. Dân số toàn huyện gần 33.000 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 96%; địa bàn miền núi, địa hình chia cắt, dân cư sống không tập trung; trình độ dân trí trên địa bàn còn thấp và không đồng đều; thời gian chuẩn bị cho chiến dịch tiêm chủng gấp gáp… là những trở ngại được huyện nhận định ngay khi triển khai kế hoạch tiêm chủng.
Trong rất nhiều khó khăn từ chủ quan đến khách quan, Bình Liêu cho rằng tuyên truyền, vận động tốt sẽ là “chìa khóa” để dẫn tới thành công của chiến dịch. Từ đó, huyện thành lập các Tổ công tác mà nòng cốt là Khối MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở; cán bộ một số phòng, ban trên địa bàn phối hợp với các xã, thị trấn và các cơ quan, đơn vị liên quan; huy động sự vào cuộc của đội ngũ bí thư chi bộ, trưởng thôn, bản, người có uy tín trong cộng đồng.
Tất cả tập trung thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, thông tin đến tận các thôn, bản, khu dân cư, đến từng người dân qua các hình thức linh hoạt, sáng tạo: Tuyên truyền miệng, qua hệ thống truyền thanh cơ sở, xe tuyên truyền lưu động, qua mạng xã hội như zalo, facebook... Bản tin phát thanh còn được chuyển sang tiếng Dao, tiếng Sán Chỉ để đồng bào dân tộc dễ hiểu.
Huyện cũng chỉ đạo toàn thể đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động các cơ quan, đơn vị trên địa bàn gương mẫu, chủ động đi tiêm phòng trước rồi tuyên truyền, vận động gia đình, người thân, người dân nơi cư trú đi tiêm phòng; đồng thời, chia sẻ những hình ảnh trên mạng xã hội tạo sự yên tâm, lan tỏa đến mọi người dân.
Những ngày trước và đầu của đợt tiêm chủng mũi thứ nhất, huyện Bình Liêu đang vào vụ cấy và thu hoạch hồi. Thêm nữa, một số người dân có tâm lý e ngại về vắc-xin do Trung Quốc sản xuất; lo sợ tiêm về bị sốt, bị ốm sẽ không thể lên rừng, xuống ruộng… nên tỷ lệ người ra bàn tiêm không cao. Huyện chỉ đạo từng thôn, bản tổ chức họp, có sự tham gia của lãnh đạo từ huyện đến cơ sở, từ đó vận động, giải thích, tuyên truyền để người dân hiểu rằng tiêm vắc-xin là giải pháp hữu hiệu để phòng, chống Covid-19, hướng tới miễn dịch cho cả cộng đồng. Không chỉ giải thích, vận động, từng cán bộ, đảng viên, từng thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 các cấp bắt tay vào công việc, không kể khó khăn, quản ngại ngày đêm.
Ông Hoàng Xuân Tân, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hoành Mô, cho biết: Thời gian chuẩn bị cho mũi tiêm thứ nhất không nhiều, do đó, xã Hoành Mô đã họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 xã, phân công cụ thể đến từng thành viên. Nhận chỉ đạo, mỗi người đều chủ động, tích cực phối hợp, đến từng thôn, bản tuyên truyền, vận động; thậm chí ra tận chân ruộng, đến các bìa rừng để tìm, gọi bà con đi tiêm phòng. Đặc biệt, đội ngũ trưởng thôn, bản, bí thư chi bộ đã gương mẫu, tích cực vận động, đôn đốc bà con, “bám bàn tiêm” đến những ngày cuối cùng để hỗ trợ các lực lượng.
“Ở xã Đồng Tâm có những bản vùng cao, xa xôi như Sam Quang, Phiêng Sáp, Ngàn Vàng Trên, Kéo Chản…, bà con đi rừng từ sáng tới chiều muộn mới về; sóng điện thoại lại không có; vì vậy để gặp gỡ, vận động một người đi tiêm phòng có khi phải chờ đợi cả ngày, thậm chí là ở bản đến tối muộn. Có những người không biết đi xe máy, nhà lại cách điểm tiêm hơn 10km nên không muốn đi tiêm phòng, chúng tôi phải kiên trì đến vận động nhiều lần, rồi lái ô tô đến đón tận nơi, tiêm xong đưa về tận nhà. Cứ như vậy, kiên trì vận động, người nọ nhìn người kia, càng về sau, bà con càng đi tiêm đông hơn” - Thiếu tá La Minh Tâm, Trưởng Công an xã Đồng Tâm, chia sẻ.
Vì một Bình Liêu an toàn
Một chiến dịch tiêm vắc-xin trong thời gian ngắn, cho hàng nghìn người chưa từng có tiền lệ nhưng đã được huyện Bình Liêu triển khai khá thành công. Huyện đã triển khai tiêm được 15.196/20.260 mũi cho công dân từ 18 tuổi trở lên, đạt 75% kế hoạch và đạt 48,5% tỷ lệ bao phủ vắc-xin Covid-19 toàn dân trên địa bàn. Những người chưa tiêm mũi thứ nhất là do có bệnh nền, người đang nuôi con nhỏ, mang thai hoặc đi làm ăn xa không ở trên địa bàn. Các trường hợp tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi thứ nhất sức khỏe đều ổn định, không có trường hợp diễn biến sức khỏe xấu.
Từ ngày 9/8, huyện triển khai tiêm mũi thứ hai cho những người đã tiêm mũi thứ nhất hồi tháng 7/2021. Để đảm bảo tổ chức thành công kế hoạch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đợt 8, mũi thứ hai cho toàn dân trên địa bàn huyện, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 huyện đã tiếp tục chỉ đạo toàn huyện phát huy những kinh nghiệm, cách làm hiệu quả và khắc phục những hạn chế, tồn tại trước đó. Trong đó, chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, nhân lực, các điều kiện an toàn để tổ chức thành công đợt tiêm phòng. Những chi tiết rất nhỏ như chuẩn bị nơi đón tiếp có chỗ ngồi, quạt mát, sữa, bánh kẹo, hoa quả… nhưng tạo được sự yên tâm, phấn khởi cho người đến tiêm, cũng đều được chú ý thực hiện.
Vì người dân đã trải nghiệm tiêm mũi thứ nhất thuận lợi, an toàn nên đối với mũi thứ hai sẽ thuận lợi hơn trong tuyên truyền, vận động. Tuy nhiên, Bình Liêu không hề chủ quan mà vẫn triển khai kế hoạch tiêm phòng rất chu đáo, kỹ lưỡng. Thời điểm này, nhiều xã của Bình Liêu đang vào mùa thu hoạch hồi nên người dân đi rừng cả ngày. Nhiều hộ cả gia đình vào rừng hái hồi đến chiều muộn mới về. Vì vậy, huyện đã chỉ đạo thông báo rõ về thời gian, địa điểm, đối tượng tiêm phòng để người dân chủ động, tích cực tham gia tiêm phòng theo thời gian, địa điểm được thông báo. Đồng thời có sự sắp xếp khoa học về địa điểm tiêm chủng, nhân lực, thời gian tiêm chính thức và tiêm vét… để đạt kết quả cao nhất.
Là địa bàn biên giới, Bình Liêu được ưu tiên nguồn vắc-xin để tiêm phòng Covid-19 cho toàn dân từ đủ 18 tuổi trở lên. Đây là sự quan tâm, ưu tiên rất lớn của Trung ương, của tỉnh đối với huyện. Bằng sự vào cuộc quyết liệt, bằng những cách làm cẩn trọng, chủ động, linh hoạt, huyện Bình Liêu đã và đang tiến tới hoàn thành tiêm 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân trên địa bàn. Không để lãng phí nguồn vắc-xin, người dân đi tiêm phòng đạt cao với niềm tin tưởng và phấn khởi, đồng thời vẫn thực hiện quyết liệt các giải pháp để giữ vững địa bàn an toàn, hoàn thành “mục tiêu kép”, sự thành công này của huyện đã góp phần quan trọng vào cuộc chiến chống dịch Covid-19 của toàn tỉnh.
Ảnh trong bài: Ban Tuyên giáo Huyện ủy Bình Liêu cung cấp
Hoàng Quý
Liên kết website
Ý kiến ()