Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 11:37 (GMT +7)
Tiện ích từ bệnh án điện tử
Thứ 3, 12/10/2021 | 07:30:34 [GMT +7] A A
Cuối năm 2017, một số bệnh viện trên địa bàn Quảng Ninh đã triển khai Đề án xây dựng Bệnh viện thông minh, trong đó có việc thực hiện bệnh án điện tử. Bệnh án điện tử không chỉ số hóa hồ sơ, mà còn tích hợp tiện ích cho bác sĩ, điều dưỡng, nhà quản lý, nhằm tăng hiệu quả điều trị và an toàn cho bệnh nhân; thuận tiện cho các cơ sở khám, chữa bệnh, cũng như ngành BHXH trong thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT.
Mỗi ngày Bệnh viện Đa khoa tỉnh có khoảng 1.200 người đến khám bệnh, đồng thời điều trị nội trú cho khoảng 1.100 bệnh nhân. Tuy nhiên, nhờ việc thực hiện quy trình bệnh án điện tử, đã giúp người đến khám, chữa bệnh nơi đây được nhập dữ liệu một cách nhanh chóng, chính xác.
Bác sĩ Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết: Từ cuối năm 2018, Bệnh viện đã được Bộ Y tế thẩm định và trở thành một trong 10 bệnh viện đầu tiên của cả nước áp dụng bệnh án điện tử. Hệ thống phần mềm bệnh án điện tử được sử dụng thống nhất, liên kết với tất cả khoa, phòng trong bệnh viện, bệnh nhân được quản lý bằng mã số. Thông tin về tất cả các lần khám chữa bệnh, chụp, chiếu, mổ... của bệnh nhân đều được số hóa, lưu trữ một cách khoa học và sử dụng đơn thuốc điện tử... Điều này góp phần giảm thiểu sai sót y khoa (do nhập lại, do chữ viết tay); đồng thời rất thuận tiện cho bệnh nhân và kể cả bên BHYT trong thanh, quyết toán chi phí khám, chữa bệnh. Thay vì phải cầm hồ sơ giấy sang BHXH như trước đây, bệnh viện chỉ cần chuyển hồ sơ điện tử cho bên BHXH qua phần mềm.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn bệnh viện. Các thiết bị, máy sinh ảnh y khoa, máy xét nghiệm... các dịch vụ của bệnh viện đều được kết nối trên hệ thống có áp giá cụ thể theo quy định. Các phiếu chỉ định xét nghiệm, chỉ định chiếu chụp, mẫu xét nghiệm, trả kết quả... đều được dán mã code (mã phản hồi nhanh). Qua đó, bác sĩ chỉ cần quét mã là đọc kết quả xét nghiệm, nhìn phim chiếu chụp của bệnh nhân trên hệ thống máy tính. Điều này giúp bệnh nhân đến khám bệnh không phải ngồi chờ kết quả xét nghiệm để cầm về phòng khám như trước. Chi phí khám, chữa bệnh cùng được hệ thống tự động tính, đảm bảo độ chính xác cao. Người bệnh hay người nhà bệnh nhân có thể thanh toán bằng thẻ ngân hàng thay vì phải dùng tiền mặt như trước đây.
Được biết, hiện nay, trên địa bàn Quảng Ninh có Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Bãi Cháy và Bệnh viện Sản Nhi tỉnh thực hiện bệnh án điện tử. Đây là mô hình có nhiều ưu điểm vượt trội: Không cần dùng giấy tờ, sổ sách; mọi quy trình được số hóa toàn bộ, đảm an toàn, bảo mật; người bệnh giảm thời gian xếp hàng, chờ đợi (khi đến khám, chữa bệnh thực hiện mọi thủ tục đăng ký khám bằng cách quẹt thẻ).
Bà Hoàng Thị Ngọc (khu 2, phường Hà Trung, TP Hạ Long) điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh vừa xuất viện, cho biết: Các thủ tục xuất nhập viện tại Bệnh viện thực hiện nhanh hơn trước rất nhiều. Khi nhập viện, tôi chỉ cần quét phần mềm VssID chứ không cần cầm theo thẻ BHYT. Thay vì cầm tiền mặt thanh toán khi ra viện, tôi chỉ cần quét thẻ ngân hàng nên cũng đỡ lo bị rơi, hay bị trộm cắp khi cầm tiền mặt.
Bệnh án điện tử giúp cho các bác sĩ có thể truy cập bệnh án của người bệnh một cách nhanh nhất, đầy đủ nhất và đưa ra hướng điều trị phù hợp. Mô hình này còn giúp việc thống kê, báo cáo được thuận lợi, chính xác; giúp nội bộ bệnh viện cũng như giúp cơ quan quản lý cấp trên nhanh chóng nắm bắt tình hình khám, chữa bệnh tại bệnh viện. Theo Sở Y tế, việc triển khai bệnh án điện tử cùng với triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, giúp cho ngành có được dữ liệu về sức khỏe của người dân đầy đủ, chính xác.
Đây là cơ sở dữ liệu về sức khỏe giúp ngành nắm bắt thông tin tình hình dịch bệnh trên địa bàn, từ đó có các chỉ đạo rất kịp thời về phòng chống dịch bệnh nói riêng và có được các dự báo, hoạch định chính sách về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân tốt hơn.
Còn đối với ngành BHXH tỉnh, việc thực hiện thanh toán BHYT bằng bệnh án điện tử cũng giúp quản lý thông tin về khám, chữa bệnh của người bệnh thông suốt, minh bạch; giúp cho việc quản lý chi phí khám, chữa bệnh BHYT dễ dàng hơn, góp phần hạn chế việc lạm dụng thuốc và xét nghiệm tại các cơ sở y tế.
Hiện các bệnh viện, trung tâm y tế khác trên địa bàn tỉnh cũng đang tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị thông minh, phần mềm, đường truyền, nhân lực công nghệ thông tin, tổ chức hướng dẫn nhân viên y tế sử dụng hiệu quả phần mềm quản lý bệnh viện... tiến tới thực hiện bệnh án điện tử, từ đó tạo thuận lợi tốt nhất cho người dân khi đến khám, chữa bệnh, nhất là khám, chữa bệnh BHYT.
Cầm Khuê
Liên kết website
Ý kiến ()