Tất cả chuyên mục

Từ năm 2014, tỉnh Quảng Ninh thực hiện thí điểm dự án “Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai TP Uông Bí và TP Cẩm Phả”. Qua đó đã tăng cường ứng dụng CNTT nhằm hỗ trợ tích cực quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nâng cao hiệu quả công tác quản lý và tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đất đai.
Cán bộ Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất TP Uông Bí sử dụng phần mềm ELIS trong công việc. |
Thông qua dự án “Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai”, TP Uông Bí và Cẩm Phả đã được trang bị máy chủ đặt tại Trung tâm Tích hợp dữ liệu của tỉnh, máy tính xách tay phục vụ quản trị hệ thống, máy tính để bàn, phần mềm ELIS. Đặc biệt là bộ phần mềm ELIS với rất nhiều phân hệ có những chức năng, mục tiêu hoạt động riêng, nhưng đều chạy trên một nền tảng công nghệ và sử dụng một cơ sở dữ liệu tập trung, thống nhất. Nhờ đó, tất cả thông tin về quy hoạch, tình trạng pháp lý, diện tích của thửa đất sẽ được kiểm tra lập tức, đầy đủ, hệ thống chỉ với một yêu cầu. Thời gian dành cho việc kiểm tra, thẩm định nhanh hơn hẳn. Đồng thời, việc sử dụng hệ phần mềm ELIS sẽ cho phép người dân có thể truy xuất dữ liệu trực tuyến về thửa đất, lô đất, dự án, công trình đang thi công, quy hoạch mà họ quan tâm. Với công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường trên địa bàn, việc sử dụng hệ phần mềm ELIS đã thay đổi triệt để phương thức giao tiếp, làm việc giữa cơ quan chính quyền với người dân, tổ chức, thay cho kiểm tra thủ công qua tra cứu giấy tờ, hồ sơ lưu trữ vốn mất nhiều thời gian và không chính xác như trước đây.
Hiện nay, các địa phương đã đưa vào vận hành khai thác, sử dụng hữu ích phần mềm. Hầu hết các nội dung quản lý nhà nước về đất đai đã được tác nghiệp trực tiếp trên cơ sở dữ liệu trong môi trường hiện đại, giảm thiểu thời gian thực hiện thủ tục hành chính. Việc ứng dụng CNTT trong quản lý đất đai không chỉ giúp giảm những hạn chế, tiêu cực phát sinh, từng bước nâng cao hiệu quả công tác quản lý đất đai mà còn giúp xây dựng một môi trường làm việc chuyên nghiệp với đội ngũ cán bộ năng động có trình độ CNTT, góp phần hiện đại hóa ngành tài nguyên và môi trường (TN&MT) Quảng Ninh.
![]() |
Các tổ chức, cá nhân thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai tại Trung tâm Hành chính công TP Uông Bí. |
Chia sẻ với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Thủy, chuyên viên Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất, Phòng TN&MT TP Uông Bí, cho biết: Trước kia dữ liệu đất đai được lưu giữ và sử dụng dưới dạng thủ công, truyền thống, hệ thống sổ sách không đáp ứng được nhu cầu tra cứu nhanh chóng, mất nhiều thời gian và công sức. Nhưng từ khi ứng dụng phần mềm ELIS trong công tác quản lý đất đai đã góp phần nâng cao hiệu quả công việc, nhất là thống kê, kiểm kê đất đai và thành lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất, đo đạc, lập bản đồ địa chính. Khi có số liệu đo đạc ngoài thực địa, cán bộ đo đạc sử dụng các phần mềm ứng dụng để xây dựng bản đồ theo hệ tọa độ chuẩn. Do đó, số liệu đo đạc có độ chính xác cao hơn so với cách làm thủ công trước đây. Đồng thời, cán bộ quản lý đất đai có thể dễ dàng cập nhật thông tin, điều chỉnh những biến động về đất đai khi làm kê khai đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Việc áp dụng bộ phần mềm ELIS còn rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân. Chị Vũ Thị Phấn, khu 4, phường Quang Trung, TP Uông Bí, cho biết: Trước kia phải mất hơn 1 tháng, tôi mới nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nhưng mới đây khi đến Trung tâm Hành chính công TP Uông Bí để đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì tôi chỉ mất 20 ngày. Đặc biệt là có giấy hẹn rõ ngày, giờ nên tôi không phải thấp thỏm chờ đợi”.
Trong năm 2018, ngành TN&MT Quảng Ninh tiếp tục chủ động phối hợp cùng các cấp, ngành khẩn trương xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai cho 12 địa phương còn lại; tích hợp cơ sở dữ liệu đất đai cấp xã vào cơ sở dữ liệu đất đai cấp huyện và tích hợp cấp huyện vào với cấp tỉnh. Qua đó, khai thác có hiệu quả cơ sở dữ liệu đất đai phục vụ công tác quản lý và giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai của tỉnh. Ngành TN&MT cũng phấn đấu đến năm 2020 sẽ hoàn thành việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin đất đai hoàn chỉnh, đồng bộ trên nền tảng công nghệ thống nhất trong toàn tỉnh theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quy định của Bộ TN&MT.
Nguyễn Hoa
Ý kiến (0)