Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 26/11/2024 09:44 (GMT +7)
Tiến trình dân chủ hóa xã hội
Chủ nhật, 11/02/2007 | 07:27:00 [GMT +7] A A
Đất nước đang khởi sắc trong buổi Xuân về, Tết đến. Một trong những cánh én báo hiệu mùa Xuân của đất nước là cuộc đối thoại trực tiếp của người đứng đầu Chính phủ, ghi nhận một nét đẹp trong đời sống chính trị của đất nước.
Hàng vạn câu hỏi với nội dung thể hiện đầy đủ ý thức công dân trước vận nước, mối băn khoăn về những yếu kém trên nhiều lĩnh vực kinh tế xã hội và bộ máy quản lý nhà nước, hàng loạt những vấn đề bức xúc, kể cả những câu hỏi đề cập đến những vấn đề tế nhị và nhạy cảm. Đương nhiên không ai nghĩ rằng cả hàng vạn câu hỏi đều được trả lời khúc chiết chỉ trong một buổi giao lưu.
Vấn đề là khát vọng dân chủ và đòi hỏi sự công khai minh bạch trong quản lý và điều hành đất nước đã được đặt ra một cách đàng hoàng, thẳng thắn. Thủ tướng đã cố gắng đáp ứng điều đó một cách cởi mở và chân thành trong buổi đối thoại.
Đây là một biểu hiện nổi bật của tiến trình dân chủ hóa xã hội đang được triển khai từ cả hai phía: lãnh đạo và dân chúng. Lãnh đạo gần gũi với dân, biết và dám lắng nghe ý kiến và nguyện vọng của dân, kể cả những ý kiến trái tai. Dân biết và dám sử dụng quyền làm chủ của mình, phát huy ý thức về quyền hạn và nghĩa vụ công dân để góp phần xây dựng bộ máy Nhà nước của dân, do dân và vì dân.
Hiểu sâu sắc điều này, chỉ một ngày sau Tuyên ngôn Độc lập 2/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ "nhiệm vụ cấp bách là phải giáo dục lại nhân dân ta". Từ thân phận người nô lệ, bước lên vị thế người dân độc lập, người làm chủ đất nước của mình, rõ ràng có rất nhiều điều cần phải được giáo dục lại. Để khởi đầu cho sự "giáo dục lại" đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định "cán bộ là công bộc của dân, là người đầy tớ trung thành, tận tụy của dân". Nếu người cầm quyền tự nhận thức được điều ấy, thì đó là tiền đề quyết định để người dân thực hành ý thức công dân trong đời sống hằng ngày.
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, trình độ dân trí đã có những bước phát triển lớn, tuy nhiên, trong không ít người vẫn còn bị chi phối bởi cái quán tính trong cung cách ứng xử giữa các "phụ mẫu chi dân" với các "thần dân", một bên thì chỉ quen ban phát mệnh lệnh từ trên xuống, một bên thì chỉ biết và chỉ được tuân phục. Để dứt bỏ được quán tính đó, cần làm cho tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước thể hiện tập trung trong nguyên tắc "quyền hành và lực lượng đều nơi dân" được quán triệt trong tư duy của người cầm quyền, cũng như trong ý thức của người dân về vai trò làm chủ của mình. Nghị quyết của Đại hội X cũng đã chỉ rõ: "Cần xây dựng cơ chế vận hành của Nhà nước, bảo đảm nguyên tắc tất cả quyền lực Nhà nước đều thuộc về nhân dân". Cuộc đối thoại trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ là một biểu hiện sinh động của cơ chế đó, nhằm đáp ứng đòi hỏi bức xúc của người dân, đòi hỏi dân chủ, công khai và minh bạch trong quản lý Nhà nước, trong sự vận hành guồng máy xã hội.
Tính công khai và minh bạch đó càng có điều kiện thực hiện, khi mà chúng ta đang sống trong một thế giới của những thành tựu kỳ diệu của cách mạng khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, một thế giới của internet nối mạng toàn cầu. Ở mọi nơi, các hệ thống thứ bậc đang bị thách thức từ bên dưới, vì vậy, hệ thống cấu trúc theo chiều dọc và phải tự biến đổi thành cấu trúc theo chiều ngang và có tính cộng tác hơn để tạo ra nhiều giá trị hơn. Đặc điểm cấu trúc này bắt gặp với tư tưởng Hồ Chí Minh về một cấu trúc xã hội và thể chế chính trị trong đó "quyền hành và lực lượng đều nơi dân" vừa nói ở trên. Nói "cấu trúc theo chiều ngang" còn có ý nghĩa tạo điều kiện để làm bừng nở những tiềm năng cực lớn trong dân, một nguồn lực vô tận mà nếu người lãnh đạo biết phát huy sẽ làm nên những đột biến trong phát triển không sao hình dung trước được. Năm 2006 bước sang 2007 ghi nhận nét đột biến đó.
Trên ý nghĩa đó, càng ngày người ta càng nhận ra được rằng đồng thuận chính là động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển trong một xã hội mà nhân dân là người chủ xã hội. Trong xã hội đó, văn hóa lãnh đạo đòi hỏi sự đối thoại, mở rộng tương tác theo cấu trúc chiều ngang, thay vì chỉ độc thoại một chiều từ trên xuống theo cấu trúc chiều dọc.
Thủ tướng đang thực thi văn hóa đối thoại, đó là một đáp ứng nhạy bén với đòi hỏi của sự nghiệp đất nước đang đi vào chiều sâu của quá trình hội nhập, đẩy mạnh tiến trình dân chủ hóa xã hội nhằm tạo ra động lực mạnh mẽ cho sự nghiệp phát triển đất nước. Chúng ta hy vọng đây là sự mở đầu tốt đẹp, tạo dựng một thói quen mới giữa những "công bộc" của dân với nhân dân, người trao quyền quản lý đất nước cho họ.
Liên kết website
Ý kiến ()