Thị trường giữ nhịp giằng co trong phiên đầu tuần này, khi VN-Index giao dịch trong vùng kháng cự quanh 1.260-1.265 điểm. Áp lực bán ra tăng lên, nhưng lực cầu đỡ lại cũng không kém đẩy thanh khoản lên cao.
Nhóm bluechip phân hóa, với một số mã trụ chịu áp lực sau nhiều phiên tích cực, như VCB. Tuy vậy, dòng tiền đã chuyển hướng vào một số nhóm khác như xây dựng, năng lượng, hay bất động sản. VN-Index giằng co trên tham chiếu, chốt phiên hôm nay tại 1261,41 điểm, tăng 3,13 điểm (0,25%) so với phiên trước. Chỉ số của sàn HoSE đang ở vùng giá cao nhất kể từ ngày 6/9/2022.
VN30-Index cũng ở trạng thái tương tự khi đóng cửa tăng chỉ hơn 1 điểm, lên 1.268,53 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index chốt phiên trong sắc xanh, còn UPCOM-Index lùi về dưới tham chiếu.
Thanh khoản toàn thị trường đạt hơn 31.500 tỷ đồng. Trong đó, thanh khoản trên sàn HoSE chiếm hơn 28.600 tỷ, tăng hơn 5.000 tỷ đồng so với phiên cuối tuần trước. Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay mua ròng hơn 100 tỷ đồng.
Sàn HoSE có 276 cổ phiếu tăng giá và 190 cổ phiếu giảm giá.
Dòng tiền của nhà đầu tư tập trung vào ba nhóm ngành bất động sản, ngân hàng và dịch vụ tài chính.
GVR là cổ phiếu đóng góp nhiều nhất cho VN-Index với 0,6 điểm khi mã này tăng hơn 2%. Ngược lại, VCB là cổ phiếu ảnh hưởng tiêu cực nhất, làm VN-Index giảm 1,8 điểm do mã này đóng cửa giảm 1,3%.
Ngoài VCB, một số mã ngân hàng, chứng khoán cũng chịu áp lực bán ra mạnh, sau nhiều phiên giao dịch tích cực trước đó. TPB cũng đóng cửa giảm 1,3%, STB, SSI, SSB, SHB khép phiên dưới tham chiếu.
Trong nhóm vốn hóa trung bình, lực mua của nhà đầu tư tập trung vào nhóm xây dựng, bất động sản, hay năng lượng. Cổ phiếu CTD của Coteccons tăng hơn 4%, HBC có thêm 3%. Trong nhóm bất động sản, KBC, NLG tăng trần, nhiều mã khác tăng 2-3%.
Ý kiến ()