Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 23:28 (GMT +7)
Hội Nông dân huyện Tiên Yên: Hỗ trợ phát triển các HTX
Thứ 2, 13/09/2021 | 12:39:56 [GMT +7] A A
HND huyện Tiên Yên đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế HTX nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cho nông dân.
Trên địa bàn huyện Tiên Yên hiện có 36 HTX hoạt động ở nhiều lĩnh vực; trong đó HTX nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 88,8%, còn lại là HTX hoạt động kinh doanh tổng hợp; vốn bình quân của mỗi HTX gần 500 triệu đồng; thu nhập của lao động trong HTX từ 3,5-4 triệu đồng/người/tháng.
Sau khi hoàn thành chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012, mỗi năm huyện có từ 1-2 HTX thành lập. Một số HTX nông nghiệp đã mạnh dạn tiếp cận các nguồn vốn vay để đầu tư áp dụng các quy trình ứng dụng tiến bộ KHKT trong sản xuất, tạo bước đột phá phát triển kinh tế, góp phần tích cực trong sản xuất nông nghiệp hàng hoá, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn của huyện. HND huyện luôn đồng hành, hỗ trợ các HTX nâng cao hiệu quả hoạt động.
Điển hình HTX Sản xuất gà bản địa Tiên Yên (xã Hải Lạng) thành lập tháng 1/2020, gồm 7 thành viên, chuyên sản xuất giống gà bản địa cung cấp cho các trang trại và hộ nuôi ở trong, ngoài huyện. HTX đã đầu tư chuồng nuôi gà sinh sản, chuồng nuôi gà hậu bị, máy ấp phôi (công suất ấp 10.000 quả trứng)…, tổng trị giá đầu tư 10 tỷ đồng.
HTX mỗi tháng sản xuất từ 8.000-11.000 gà giống ra thị trường. Tuy nhiên, đầu năm 2021 HTX gặp khó khăn do gà giống sản xuất ra không tiêu thụ được, dẫn đến tạm dừng hoạt động từ tháng 4/2021. Trước tình hình trên, HND huyện đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương đánh giá để có giải pháp tháo gỡ cho HTX.
Ông Lý Văn Diểng, Chủ tịch HND huyện, cho biết: Sau khi khảo sát tình hình thực tế, cho thấy HTX thiếu kỹ thuật từ chăm sóc gà bố, mẹ đến ấp nở; quy trình vắc-xin không ổn, dẫn đến chất lượng con giống không đồng đều, tỷ lệ nuôi sống thấp. HND huyện đã tư vấn cho HTX liên kết với doanh nghiệp để nâng cao chất lượng giống gà bố mẹ; ký hợp đồng chuyên gia chăn nuôi hướng dẫn kỹ thuật ấp nở, úm; xây dựng quy trình khảo nghiệm giống tại các hộ dân ở khu vực khác nhau của huyện.
Nhờ đó HTX đã hoạt động trở lại mạnh mẽ hơn (cuối tháng 6/2021) làm chủ được công nghệ, có kỹ năng quảng bá tiêu thụ sản phẩm. HTX hiện có 1.500 gà đẻ đang đẻ rộ, góp phần đảm bảo chất lượng con giống cung cấp cho thị trường. Đây là HTX điển hình được HND huyện tham gia kết nối hỗ trợ kỹ thuật, mang lại hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Để nâng cao hiệu quả trong hỗ trợ phát triển mô hình kinh tế HTX, HND huyện sẽ tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ quản lý HTX gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Đồng thời, hỗ trợ các HTX ứng dụng KH&CN vào quy trình sản xuất, như VietGAP, GlobalGAP…, nhằm tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng phục vụ nhu cầu thị trường, từ đó nhân rộng ra các HTX khác.
HND huyện tiếp tục tạo điều kiện cho các HTX tiếp cận các nguồn vốn vay tín dụng để đầu tư trang thiết bị, ứng dụng KH&CN vào dây chuyền sản xuất; lồng ghép các chương trình dự án, huy động mọi nguồn lực phát triển HTX, liên kết các thành phần kinh tế khác nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm theo chuỗi giá trị. Đồng thời, triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm hiểu thông tin thị trường gắn với các sản phẩm chủ lực, có tiềm năng thế mạnh của huyện qua hội nghị xúc tiến đầu tư.
Dương Trường
Liên kết website
Ý kiến ()