Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 10:12 (GMT +7)
Tiên Yên: Trung tâm văn hóa giàu bản sắc các dân tộc vùng Đông Bắc
Thứ 4, 12/07/2023 | 07:16:19 [GMT +7] A A
Huyện Tiên Yên là nơi hội tụ nhiều nền văn hóa, di sản của cộng đồng các dân tộc vùng Đông Bắc: Kinh, Tày, Dao, Sán Chỉ, Sán Dìu… Các nhà khảo cổ học đánh giá, Tiên Yên như cái nôi của người Việt cổ sinh sống. Huyện có nhiều di tích cách mạng và hệ thống các công trình kiến trúc Pháp cổ; 16/42 di tích lịch sử, văn hóa nằm trong danh mục kiểm kê theo quyết định của UBND tỉnh, 6 di tích được xếp hạng cấp tỉnh.
Nỗ lực bảo tồn
Những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn huyện Tiên Yên có chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng. Nhận thức của cấp ủy, chính quyền và người dân về việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa được nâng lên. Đời sống văn hóa của nhân dân ngày càng phong phú. Hệ thống thiết chế văn hóa từng bước được đầu tư, phát huy hiệu quả. Công tác giới thiệu, quảng bá hình ảnh, nét đẹp văn hóa của huyện được triển khai tích cực bằng nhiều hình thức. Địa phương quan tâm đầu tư các nguồn lực và xã hội hóa để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; hằng năm tổ chức thành công Tuần Văn hóa, Thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh.
Huyện đã hoàn thành xây dựng các đề án bảo tồn văn hóa: Đề án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Sán Dìu huyện Tiên Yên, giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án xây dựng Làng văn hóa dân tộc Tày, thôn Đồng Đình, xã Phong Dụ giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030; Đề án xây dựng chợ phiên văn hóa vùng cao xã Hà Lâu. Từ đó góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, từng bước xây dựng Tiên Yên trở thành trung tâm văn hóa giàu bản sắc các dân tộc vùng Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh.
Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đó là: Trang phục, tiếng nói, chữ viết, kiến trúc nhà ở, phong tục, tập quán truyền thống... của đồng bào các dân tộc đang có nguy cơ ngày càng mai một; nguy cơ suy thoái môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên nếu không có định hướng, giải pháp phát triển phù hợp; sưu tầm, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa chưa tương xứng với tiềm năng hiện có, sưu tầm, bảo tồn, phục dựng còn mang tính dàn trải, chưa sâu, tiến độ còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Xây dựng văn hóa thời kỳ đổi mới
Từ những yêu cầu của thực tiễn, Nghị quyết số 06-NQ/HU về việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa huyện Tiên Yên giai đoạn 2022-2025 đã được ra đời. Hiện thực hóa Nghị quyết, hơn 1 năm qua, huyện chú trọng xây dựng Làng văn hóa dân tộc Tày, thôn Đồng Đình, xã Phong Dụ; quy hoạch mở rộng, đầu tư nâng cấp Đền thờ Đức ông Hoàng Cần, gắn với xây dựng Làng văn hóa dân tộc Sán Dìu, xã Hải Lạng; duy trì Chợ phiên văn hóa vùng cao Hà Lâu. Huyện tích cực phối hợp với Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 327 (Quân khu 3) đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết vướng mắc về đất đai, gắn với phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị Di tích lịch sử Khe Tù thành nơi tham quan, giáo dục truyền thống; nâng tầm Phố đi bộ Tiên Yên; duy trì, mở mới các lớp nghệ thuật hát then đàn tính dân tộc Tày, hát đối dân tộc Dao, hát soóng cọ dân tộc Sán Chỉ, hát soọng cô dân tộc Sán Dìu…
Ông Tạ Vĩnh Thắng, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tiên Yên cho biết: Từ nay đến năm 2025, Tiên Yên phấn đấu mỗi xã, thị trấn xây dựng và duy trì tối thiểu 1 mô hình tiêu biểu về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa địa phương; bảo tồn và phát huy giá trị 6 di tích cấp tỉnh đã được xếp hạng, 15 di tích đã được tỉnh kiểm kê phân loại. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục nâng tầm quy mô, chất lượng các lễ hội dân tộc Dao, Tày, Sán Chỉ, Sán Dìu, đua thuyền truyền thống và nghệ thuật các lễ đặc trưng như lẩu then, cầu mùa, cấp sắc, đại phan, gắn với phát triển du lịch. Đồng thời, rà soát lập hồ sơ đề nghị công nhận Nghệ nhân dân gian đối với người có đóng góp tích cực bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa; lập hồ sơ khoa học đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Lễ cầu mùa của dân tộc Sán Chỉ, xã Đại Dực.
Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phải có sự đổi mới, phát triển, đồng thời đảm bảo gìn giữ được những đặc điểm cơ bản trong cốt cách truyền thống, lấy người dân làm trung tâm, động lực phát triển với các trụ cột là thiên nhiên, con người, văn hóa. Với quan điểm xuyên suốt như vậy, Tiên Yên đã và đang trở thành trung tâm văn hóa giàu bản sắc các dân tộc vùng Đông Bắc.
Lan Anh
Liên kết website
Ý kiến ()