Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 23:26 (GMT +7)
Tiếng hát đến từ trái tim
Thứ 3, 05/10/2021 | 09:45:08 [GMT +7] A A
Không chỉ cất lên từ những ca từ và giai điệu, tiếng hát của những người khiếm thị Quảng Ninh còn cất lên từ con tim yêu thương và giàu nghị lực sống. Đó là những cảm nhận của công chúng khi thưởng thức hội diễn nghệ thuật quần chúng “Tiếng hát từ trái tim” lần thứ VI, năm 2021 do Hội Người mù tỉnh Quảng Ninh vừa tổ chức tại thành phố Hạ Long.
Hội diễn nghệ thuật quần chúng “Tiếng hát từ trái tim” được tổ chức 5 năm một lần nhằm đẩy mạnh phong trào văn hóa văn nghệ của mỗi cấp hội và hội viên, tạo không khí phấn khởi chào đón các sự kiện chính trị, các ngày lễ lớn của đất nước; là dịp để giao lưu chia sẻ kinh nghiệm tổ chức văn hóa văn nghệ, nâng cao mức thụ hưởng văn hóa, xóa đi mặc cảm tự ti của hội viên; phát hiện nhân tài năng khiếu văn nghệ để bồi dưỡng đào tạo xây dựng đời sống văn hóa tại địa phương.
Anh Hoàng Quang Hòa, Đoàn Nghệ thuật quần chúng Hội Người mù thành phố Cẩm Phả, cho biết: Chúng tôi rất xúc động, phấn khởi được sự quan tâm của các cấp, các ngành tạo ra sân chơi cho anh chị em khiếm thị chúng tôi. Đây cũng là cơ hội để chúng tôi tìm hiểu nghệ thuật dân tộc của cha ông, những lời ca tiếng hát để vượt qua những cảm xúc tiêu cực của chính mình. Hội diễn này có ý nghĩa rất lớn đối với chúng tôi.
Hội diễn năm nay có 11 đoàn nghệ thuật quần chúng tham gia với tổng số 32 tiết mục hát, độc tấu nhạc cụ có nội dung ca ngợi quê hương, đất nước, ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu, ca ngợi tình yêu cuộc sống, tinh thần lạc quan của người mù. Hội diễn đã chứng kiến những phần dự thi của những nghệ sĩ đặc biệt đem đến cho người xem những cảm xúc và ấn tượng đẹp. Có thể có người không nhìn thấy ánh sáng, nhưng ánh sáng lại phát ra từ tâm hồn và con tim nghệ sĩ.
Chị Cao Thị Hường, diễn viên không chuyên đến từ Đoàn Nghệ thuật quần chúng Hội Người mù huyện Đầm Hà, chia sẻ: Biểu diễn xong rồi nhưng tôi vẫn còn nguyên cái cảm giác xúc động hồi hộp như thể đang ở trên sân khấu. Chúng tôi rất tự hào vì mình được đại diện cho những người đồng tật của huyện đem lại lời ca tiếng hát của mình để biểu diễn cho nhau nghe. Tôi mong những người đồng tật với mình tự tin hơn, yêu đời hơn trong cuộc sống.
Ông Nguyễn Hồng Vĩnh, Giám đốc Trung tâm Văn hóa- Điện ảnh Quảng Ninh (Sở Văn hoá - Thể thao) nhận xét: Hội diễn có sự phối hợp hiệu quả về chuyên môn của Trung tâm Văn hóa- Điện ảnh Quảng Ninh nên quy trình tổ chức đã diễn ra khá bài bản. Cơ sở vật chất và trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho Hội diễn được chuẩn bị đầy đủ chu đáo. Các hội địa phương đã tổ chức tốt công tác dàn dựng, tập luyện và cử hội viên tham gia hội diễn theo đúng yêu cầu của Ban tổ chức.
Theo đánh giá, các tiết mục dự thi của các đoàn đều bám sát chủ đề của Ban Tổ chức đã đề ra. Trong số 32 tiết mục, có 7 tiết mục tốp ca, 4 tiết mục song ca, 1 tam ca và 19 tiết mục đơn ca, chỉ có 1 tiết mục độc tấu nhạc cụ của Đoàn Nghệ thuật quần chúng đến từ Hội Người mù TX Quảng Yên. Đặc biệt, có 1 tiết mục tự biên tự diễn mang tên "Nhìn trăng thu nhớ Bác" của tác giả Phạm Ngọc Tiếp đến từ Đoàn Nghệ thuật quần chúng của Hội Người mù TX Đông Triều.
Các diễn viên đã thể hiện tốt nội dung biểu diễn của mình. So với hội diễn 5 năm trước, hội diễn lần này có những tiến bộ rõ rệt. Ở thể loại tốp ca, nhiều đoàn đã thể hiện sự tập luyện kỹ lưỡng, biểu diễn khá tốt. Tiêu biểu là tiết mục "Mùa xuân Bình Liêu" của Đoàn Nghệ thuật quần chúng Hội Người mù huyện Bình Liêu. Thể loại song ca tuy chỉ có 4 tiết mục dự thi nhưng các diễn viên đã gây được chú ý cho người xem ở sự giao lưu, tương tác duyên dáng giữa hai người biểu diễn.
Thể loại đơn ca là thế mạnh của hội diễn. Các diễn viên đã chọn được những bài hát phù hợp với khả năng của mình. Trang phục cũng được chuẩn bị kỹ lưỡng, chỉn chu. Nhiều tiết mục đã có kỹ thuật trình diễn tốt như: Tiết mục "Nơi đảo xa" của Đoàn Nghệ thuật quần chúng Hội Người mù huyện Bình Liêu, "Nhìn trăng thu nhớ Bác" của Đoàn Nghệ thuật quần chúng Hội Người mù TX Đông Triều, "Quảng Ninh quê mình" của Đoàn Nghệ thuật quần chúng Hội Người mù thành phố Hạ Long, "Con đò Tiên Yên" của Đoàn Nghệ thuật quần chúng Hội Người mù huyện Tiên Yên v.v.
Ông Vũ Quang Trực, Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, thành viên Ban Giám khảo nhận định: Hội diễn có sức lan tỏa xã hội khá lớn đối với những người yếu thế trong xã hội. Những lời ca tiếng hát không những làm phong phú đời sống tinh thần xoa dịu nỗi đau mà còn góp phần xóa bỏ mặc cảm tự ti cho họ, tạo điều kiện giúp những người khuyết tật hòa nhập xã hội.
Kết thúc hội diễn, Ban Tổ chức đã trao 5 giải A, 15 giải B và 12 giải khuyến khích cho các tiết mục; 2 giải nhất, 3 giải nhì, 5 giải ba cho các đoàn. Giải Nhất toàn đoàn đã thuộc về Đoàn nghệ thuật quần chúng của Hội Người mù huyện Bình Liêu và Đoàn nghệ thuật quần chúng của Hội Người mù TX Đông Triều. Ban giám khảo cũng chọn ra 3 tiết mục xuất sắc nhất để tham gia hội diễn nghệ thuật quần chúng của Hội Người mù Việt Nam.
Diễn ra với quy mô không lớn nhưng Hội diễn "Tiếng hát từ trái tim" lần thứ VI của Hội Người mù tỉnh Quảng Ninh đã thành công tốt đẹp. Dù các tiết mục có thể dành các giải thưởng cao thấp khác nhau nhưng điều quan trọng mà các diễn viên đạt được đó là sự vượt lên số phận, xóa đi mặc cảm tự ti để lời ca tiếng hát hòa nhập với cộng đồng xã hội.
"Sau hội diễn chúng tôi mong muốn những bài ca tiếng hát bản nhạc của các hội viên sẽ được tiếp tục vang lên tại các địa phương, cơ sở để góp phần đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa nghệ thuật của các hội viên nói riêng và xã hội nói chung"- ông Nguyễn Hồng Vĩnh, Giám đốc Trung tâm Văn hóa- Điện ảnh tỉnh Quảng Ninh, mong muốn.
Huỳnh Đăng
Liên kết website
Ý kiến ()