Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 08:14 (GMT +7)
Tiếng thơ bên sóng nước Bạch Đằng
Thứ 7, 05/11/2022 | 09:09:01 [GMT +7] A A
Nhà thơ Lê Hữu Lịch đã rời cõi tạm ngày 9/9/2022. Những ngày cuối đời, nằm trên giường bệnh, trong ông vẫn đau đáu một tình yêu, những cảm xúc về miền đất Bạch Đằng lịch sử.
Lê Hữu Lịch từng là chiến sĩ biên phòng trên tuyến đầu biên giới. Ông tự hào và mơ mộng về hình ảnh người chiến sĩ biên phòng - một vẻ đẹp khỏe khoắn và lãng mạn. Bài thơ đầu tiên của ông là bài “Màu xanh” được đăng trên báo Công an nhân dân có những câu như: “Tôi đứng trên cỏ xanh/ Giữa núi rừng xanh/ Đường tuần tra gập ghềnh sỏi đá/ Đất nước mình đẹp quá/ Biển xanh đồng xanh/ Xanh xanh ngôi sao chiến sĩ/ Trên tuyến đầu Tổ quốc/ Một màu xanh... xanh... xanh”...
Những bài thơ đầu tay đã đưa Lê Hữu Lịch đứng vào hàng ngũ Hội Văn học nghệ thuật tỉnh ngay từ ngày đầu thành lập (1969). Nhà thơ Trần Đình Nhân, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, chia sẻ: "Lê Hữu Lịch sinh năm 1938, hơn tôi 19 tuổi. Hồi tôi bước vào thi đàn, ông đã thuộc hàng có tên tuổi ở làng thơ Quảng Ninh. Ông hiền, kiệm lời, lại ra sách muộn, đến mãi năm 2000 mới ra tập sách đầu tay. Đây cũng là thiệt thòi riêng của những người cầm bút ở độ tuổi này. Năm 2017, bước vào ngưỡng bát thập, dù trọng bệnh (phải chạy thận nhân tạo) nhưng ông vẫn đau đáu với thi ca".
Ai đó nói rằng, thi sĩ là kẻ tự lưu đày trên hành trình đầy khổ ải. Và nếu nói con đường đến với thơ ca là một hành trình, thì Lê Hữu Lịch đã tìm được chặng dừng chân thứ 6 của mình với tập “Hành trình” (Nhà Xuất bản Văn học, 2012). Tôi vốn cứ nghĩ như vậy khi mới đọc thơ Lê Hữu Lịch, nhưng càng đọc tôi mới vỡ lẽ ra, còn cái điều quan trọng hơn thế nữa, đi giữa cuộc đời mới là một cuộc hành trình lớn, thơ chỉ là những "bông - hoa - đời" mà nhà thơ nhặt được lúc nghỉ chân.
Buổi sớm mùa xuân, thi sĩ thường hay khai bút, hái đóa hoa thơ đầu tiên trong năm mới. Lê Hữu Lịch cũng vậy và đằng sau những câu thơ đầu xuân, có một chút sắc hương quá vãng, một chút gì đó tự hào về mạch nguồn gốc gác ông cha: “Cỏ hoa tinh khí đất trời/ Nắng xuân ấm áp tình người trinh nguyên/ Lương y diệu dược chân truyền/ Sách cha nét chữ bừng lên trong lòng” (Lương y khai bút). Vác ba lô lên đường đi hết miền Nam lại ra miền Bắc, hết làm cán bộ Trường Đảng Nguyễn Văn Cừ, Lê Hữu Lịch lại về làm Trưởng đài Truyền thanh huyện Yên Hưng. Lúc nghỉ hưu, ông chọn định cư ở Quảng Yên, lòng đau đáu với quê hương, với nghề tổ nên quay lại làm lương y bốc thuốc kế tục cụ tổ Lê Hữu Trác của mình.
Có lần ông chia sẻ với tôi: "Tôi nghĩ, làm thơ cũng là một công việc khắt khe và nghiêm túc. Làm thuốc cũng thế thôi, nghiêm túc, trách nhiệm và nhân đạo. Có lẽ thơ là sự linh diệu của tâm hồn, chắp cánh cho tâm hồn và trí tuệ. Cái đạo của việc làm thuốc cũng vì con người thôi. Do đó, cả hai hoạt động này đều cùng chung một tiêu chí là vì cái đẹp của cuộc sống trên cơ sở một trái tim biết yêu thương và một nền tảng trí tuệ. Với tôi, làm thơ và làm thuốc tuy khác xa nhau nhưng lại có tác động qua lại và có hiệu quả". Thơ Lê Hữu Lịch vừa có chất lãng mạn lại rất hào sảng: "Mùa về anh tới, em sang/ Giang tay buộc dải yếm vàng lên mây".
Đã nếm đủ mùi cuộc đời, Lê Hữu Lịch đưa vào thơ mình cả những buồn - vui, tỉnh - say, đắng cay - ngọt ngào: “Niềm vui đỏng đảnh đa đoan/ Nỗi buồn rượu đắng uống tràn cung mây/ Đường đời lúc tỉnh lúc say/ Câu thơ mượn chén gió bay về trời” (Mượn chén). Rượu luôn trợ hứng cho ông khi sáng tác thơ. Cũng có lẽ vì vậy mà thơ Lê Hữu Lịch có cái hào khí riêng: “Nâng chén rượu lên để tẩy trần/ Cùng trang lịch mới lúc nghinh tân/ Mỏng manh phận giấy mà trong sáng/ Tri kỷ tri âm thảo mấy vần” (Tờ lịch đầu năm).
Tôi rất thích cái cảm giác được ngồi xếp bằng trên manh chiếu mà nâng chén cùng ông, nghe ông đọc thơ, rồi cười thật sảng khoái. Nhưng hào hùng đấy rồi cũng trầm lắng, nghĩ suy ngay đấy, thơ Lê Hữu Lịch như một bản giao hưởng nhiều cung bậc, dìu người nghe đắm chìm vào dòng chảy âm thanh. Ở đó, những hình tượng thơ từ vạn vật từ cây cối, sông núi, sóng nước đến nhân vật trữ tình đều thực hiện một cuộc hành trình. Chỉ có điều cuộc hành trình của tự nhiên thì tuần hoàn còn cuộc hành trình của con người thì vô định: “Dòng sông hơi bể dâng đầy/ Sóng băng vó ngựa mây bay non ngàn/ Đường đời muôn nẻo gian nan/ Chuông chùa nện giọt thời gian bóng tà” (Hành trình).
Hành trình cuộc đời con người thật ngắn ngủi; chẳng là gì so với hành trình vô tận, vô thường của tự nhiên. Cho nên từ xưa đến nay, con người ám ảnh rất nhiều về sự hữu hạn này. Lê Hữu Lịch cũng không đi ra ngoài quy luật ấy. Dường như, vẫn còn đây, trong thơ Lê Hữu Lịch, cái lẻ loi của cánh cò trong thơ Vương Bột hay sự phân vân của cánh cò của Xuân Diệu trước buổi hoàng hôn: “Lời buồn chảy xuống câu thơ/ Thì thầm gió kể bên bờ cỏ non/ Nỗi niềm trắng xóa chân cồn/ Cánh cò đốt cháy hoàng hôn cuối ngày” (Thăm núi ông Sư).
Có thể nói rằng, hành trình thơ của Lê Hữu Lịch gắn bó chặt chẽ với Quảng Yên, với dòng sông Bạch Đằng lịch sử. Có thể coi Lê Hữu Lịch là nhà thơ của Bạch Đằng. Trong tập thơ “Sóng trắng nắng hanh” và "Bạch Đằng giang thương nhớ", ông có các bài thơ về Bạch Đằng như: "Cám ơn", "Ngày giỗ trận", "Thành cổ Quảng Yên", "Người thủ nhang đền Trần", "Trước sóng Đằng giang"; "Bạch Đằng giang thương nhớ", "Cầu Chanh", "Quảng Yên", "Bên cây quếch sông Rừng", "Trận địa cọc lim ở xã Yên Giang", "Cụ lim giếng Rừng", "Uống trà dưới trăng ở đền Trần", "Trăng miếu Vua Bà"...
Lê Hữu Lịch nhìn dòng Bạch Đằng giang ở nhiều góc độ, trạng huống khác nhau: "Ngọn gió thời gian như vẫn xanh/ Thành cổ thâm trầm đứng đó/ Sóng Bạch Đằng muôn năm còn vỗ/ Trắng trắng nước đỏ phù sa (Thành cổ Quảng Yên). Có thể là cái nhìn xuất phát từ mạch cảm lịch sử: "Sương mờ trên Bạch Đằng giang/ Giăng giang ngọn sóng vàng vàng sớm mai/ Sương bay bóng ngọn giáo dài/ Tiếng hô Sát Thát vọng ngoài sông sâu”. Hay như: "Bạch Đằng giang ăm ắp yêu thương/ Câu hát cũ bản hùng ca lịch sử/ Mây trắng bay tha thiết một câu hò". Bạch Đằng còn được nhìn ở khát vọng đổi mới và dựng xây: "Em ơi về với quê anh/ Cầu cao nối nhịp sông Chanh hiền hòa/ Nắng vàng bến Ngự ngàn xưa/ Bạch Đằng điệp khúc hùng ca sớm chiều".
Bài thơ tiêu biểu nhất của ông viết về miền đất này có lẽ là "Bạch Đằng giang thương nhớ". Tên bài thơ cũng là tên tập thơ cuối cùng của ông: "Bạch Đằng Giang ăm ắp yêu thương/ Con sóng vỗ tâm tình người viễn xứ/ Câu hát cũ, bản hùng ca lịch sử/ Mây trắng bay thao thiết một câu hò.../ Ơi Bạch Đằng Giang tình yêu ta đó!/ Ngọt ngào xứ sở nắng phù sa/ Ngọt ngào xứ sở đẹp hồn hoa...".
Trong nghĩa vợ chồng, với Lê Hữu Lịch, không có một cái tình cái nghĩa nặng sâu thì khó mà có được những câu thơ đầy ám ảnh với nỗi ngậm ngùi “mạng gầy” của người vợ nương tựa vào thìa thuốc, thìa cháo: “Đêm qua bà bệnh bất thường/ Tám lần bò dậy tay nương vai giường/ Sức tàn hơi tán như sương/ Biết đâu sống chết mà lường được đây?/ Lưng cơm bát thuốc vơi đầy/ Thìa con chống cái mạng gầy... biết sao!/ Bà lực kiệt tôi sức hao/ Chỉ còn tình nghĩa núi cao biển dài” (Bất thường). Khi viết về vợ, người bạn đồng hành mấy chục năm với mình, sự trống vắng của một nửa cuộc đời ở tuổi cuối chiều của ông khiến người đọc phải ngậm ngùi: “Trời sương khuyết nửa vầng trăng/ Gối chăn khuyết một chỗ nằm từ đây”... (Hẹn ước).
Cũng vì tìm được tình yêu, tìm thấy sự tiếp nối thế hệ nên Lê Hữu Lịch không bi quan yếm thế, không sợ hãi khi dần đi về chặng cuối cuộc hành trình. Ông biết cuộc hành trình mà ông đã đi không hề vô nghĩa: “Mùa đông cháy đỏ/ Giục trời xuân sang/ Cành cây mơ màng/ Nghén mùa lộc mới/ Chồi non bối rối/ Nẩy trên đầu cành/ Lá già bổi hổi/ Tan vào trời xanh” (Cây bàng mùa đông).
Trong hình ảnh của thế hệ tiếp nối, ông vẫn tìm thấy hình bóng của chính mình: “Đầu ông ngày một trắng/ Tóc cháu ngày một xanh/ Tiếng ông đà nhỏ lại/ Cháu hát lời ngân vang/ Bước chân ông dần chậm/ Cháu chạy ngày thêm nhanh/ Ông cười nheo con mắt/ Cháu hét toang căn nhà/ Cháu sắp làm người lớn/ Ông chuẩn bị đi xa...” (Tất yếu). Người đọc dễ dàng tìm thấy điều đó trong những lời tâm sự của Lê Hữu Lịch với những đứa cháu của ông. Thơ Lê Hữu Lịch hiện lên hình ảnh một ông lão ung dung như nắm được quy luật cuộc đời: “Ông ngồi như núi bên sông/ Lắng nghe bước gió chuyển dòng đang đi/ Lắng nghe con nước nghĩ suy/ Cỏ non kể chuyện thầm thì phù sa” (Ông ngồi).
Ông đã xuất bản hàng loạt tập thơ như: “Tiếng chuông chiều” (2000), “Nhớ lời mẹ ru” (2005), “Sóng trắng nắng hanh” (2008), “Hành trình” (2012), “Bóng trúc” (2017), “Bạch Đằng giang thương nhớ” (2018). Ông đã được nhận nhiều giải thưởng về thơ như: Giải A Thơ Lê Thánh Tông (2000), Giải A cuộc thi Thơ “Anh bộ đội Cụ Hồ” (2004), giải B Giải thưởng văn nghệ Bạch Đằng giang giai đoạn 2015-2020, Huy chương “Vì Sự nghiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam”. Vậy nhưng sinh thời ông vẫn rất khiêm tốn: "Cho đến nay, tôi vẫn chưa có thành tựu gì nổi bật, đã in được dăm ba tập và có vài ba câu bạn bè, người yêu thơ nhớ đến. Với tôi, đó cũng là hạnh phúc rồi...".
Thơ là người - mệnh đề ấy đúng với Lê Hữu Lịch. Thơ ông vừa có cái triết lý thâm thúy của một lương y biết nhiều về Nho học lại có cả cái hào sảng của một người trí thức mang tâm thế thời đại mới. Cuộc hành trình với thơ và với Bạch Đằng của Lê Hữu Lịch đã khép lại nhưng với thơ và cả với đời, Lê Hữu Lịch đã đi qua một cuộc hành trình không hề ngắn ngủi.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()