Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 05:42 (GMT +7)
Tiếp sức cho nông dân
Thứ 7, 28/05/2022 | 13:22:00 [GMT +7] A A
Ngày 29/5, Thủ tướng Chính phủ sẽ có Hội nghị đối thoại trực tiếp và trực tuyến với nông dân toàn quốc để gỡ khó, hỗ trợ nông dân thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững. Nhân sự kiện này, hội viên, nông dân tỉnh Quảng Ninh dự kiến gửi đến Thủ tướng nhiều đề xuất, kiến nghị với mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành trung ương quan tâm giải quyết để nông dân yên tâm khôi phục SXKD, tham gia phát triển KT-XH.
Theo lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh, để chuẩn bị tham dự Hội nghị đối thoại của Thủ tướng Chính phủ với hội viên, nông dân toàn quốc, Hội Nông dân Quảng Ninh đã thông báo đến các cấp hội, tập hợp ý kiến của hội viên, nông dân toàn tỉnh. Qua tổng hợp đã chọn gần 20 kiến nghị, đề xuất tiêu biểu nhất để phát biểu tại Hội nghị. Các kiến nghị đều xuất phát từ những vấn đề đang được quan tâm hiện nay như: Tình hình giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao tác động nặng nề đến sản xuất nông nghiệp; giải pháp để kiểm soát tình trạng sốt đất xảy ra ở nhiều địa phương, khiến không ít nông dân phải bán vườn, bán tư liệu sản xuất; các chính sách hỗ trợ, phục hồi sản xuất nông nghiệp; chính sách tín dụng, ưu đãi vay vốn; vấn đề chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp; an sinh xã hội cho người nông dân…
Tiêu biểu như kiến nghị của hộ ông Lê Văn Tỉnh (phường Hải Hòa, TP Móng Cái). Ông Tỉnh hiện có hơn 10 ao nuôi tôm thẻ chân trắng, sản lượng trung bình 50 tấn/năm. Ông Tỉnh chia sẻ: Cùng thời điểm này những năm trước, giá tôm loại 40 con/kg từ 200.000-220.000 đồng/kg, hiện chỉ đạt 110.000-120.000 đồng/kg, trong khi giá vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi đều tăng vọt, khiến nhiều hộ nuôi tôm gặp khó khăn, giá bán không đủ cho chi phí đầu vào. Qua hội nghị lần này, tôi mong muốn kiến nghị của mình được Thủ tướng Chính phủ và ngành Nông nghiệp quan tâm, sớm bình ổn giá vật tư phục vụ sản xuất, có giải pháp hỗ trợ đầu ra cho nông sản, trong đó có con tôm, để nông dân yên tâm sản xuất.
Anh Nguyễn Văn Khoa (xã Tràng An, TX Đông Triều) chung kiến nghị: Cách đây 2 năm, giá 1kg phân đạm chỉ ở mức 7.000-7.500 đồng, hiện các hộ phải mua gần 20.000 đồng/kg. Kèm theo đó là giá nhiên liệu xăng dầu, nhân công đều tăng, trong khi đó giá bán của các loại nông sản không tăng, khiến nông dân gặp khó khăn. Nếu tình hình này kéo dài, chắc chắn nhiều nông hộ sẽ không còn mặn mà với hoạt động sản xuất nông nghiệp. Do vậy, Chính phủ cần kịp thời có chính sách điều chỉnh giá vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng ổn định.
Chị Nguyễn Thị Chúc (phường Xuân Sơn, TX Đông Triều) thì cho rằng: Hiện chính sách về vốn vay ưu đãi rất cần cởi mở hơn cho nông dân. Hầu hết các hộ không có tài sản đủ điều kiện thế chấp, nên khó tiếp cận nguồn vốn vay. Hiện nay mức vay tối đa để phát triển kinh tế HTX ở Ngân hàng CSXH là 1 tỷ đồng, thời gian vay tối đa 60 tháng. Mức vay này đối với những HTX có quy mô lớn hoặc có nhu cầu đầu tư về công nghệ thì chưa giải quyết được bài toán vốn. Đề nghị Chính phủ quan tâm xây dựng chính sách thuận lợi hơn cho các hộ dân, HTX khi tiếp cận nguồn vốn để phát triển kinh tế.
Nhiều kiến nghị khác liên quan đến thu hút đầu tư, tín dụng, xúc tiến thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến và xuất khẩu nông sản; thu hồi, đền bù GPMB đất nông nghiệp; môi trường nông thôn… cũng sẽ được các hội viên, nông dân Quảng Ninh đề đạt tới Thủ tướng trong Hội nghị đối thoại tới đây.
Nguyên Ngọc
Liên kết website
Ý kiến ()