Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 16/12/2024 15:49 (GMT +7)
Tiếp sức cho thanh niên khởi nghiệp
Thứ 7, 16/11/2024 | 07:56:00 [GMT +7] A A
Xác định hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình công tác đoàn, các cấp bộ đoàn trong tỉnh không ngừng đổi mới, triển khai nhiều chương trình, hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp cho thanh niên.
Nhân rộng các mô hình hiệu quả
Năm 2022, ứng dụng FarmGo được sáng lập bởi Startup Vũ Đức Tuấn, Giám đốc Công ty THNH Công nghệ HIPOTECH (TX Quảng Yên). Chỉ sau 2 năm ứng dụng đã có khoảng 1.000 bạn hàng là các chủ trang trại, HTX trong nước. Với ứng dụng này, anh Tuấn kỳ vọng hỗ trợ nông dân đẩy nhanh chuyển đổi số trong quản lý trang trại, tối ưu hóa quy trình sản xuất.
Anh Tuấn cho biết FarmGo là ứng dụng chạy trên thiết bị smartphone, máy tính được thiết kế và xây dựng theo format của những doanh nghiệp đã hoạt động nhiều năm trong lĩnh vực chăn nuôi và các biểu mẫu của các tiêu chuẩn thực sản xuất nông nghiệp, như VietGAP, LifSap, GlobalGAP… Những tác động tới vật nuôi từ nhập con giống cho đến thu hoạch sẽ được FarmGo cung cấp tới các nền tảng truy xuất nguồn gốc ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Mục tiêu của FarmGo là giúp các trang trại có thể tham gia trực tiếp vào mạng lưới nông nghiệp số, hướng đến xây dựng “Nông nghiệp thông minh”.
Anh Tuấn chia sẻ về lý do sáng lập FarmGo: “Gia đình tôi có gần 3ha nuôi tôm công nghiệp tại xã Hoàng Tân (TX Quảng Yên). Khi cùng gia đình phát triển trang trại, tôi thấy còn khá nhiều bất cập từ quy mô đến nhân công, nguyên liệu, bán hàng, bảng lương, hóa đơn, môi trường chăm sóc… Các dữ liệu này đều thực hiện thủ công, thiếu chặt chẽ, gây quá tải và khó khăn cho chủ trang trại. Từ thực tế đó tôi đã nghiên cứu, xây dựng FarmGo - ứng dụng quản lý trang trại”.
Với ưu điểm như quản trị dễ dàng, minh bạch, giải phóng thời gian, giảm thiểu rủi ro trong chăn nuôi, chi phí rẻ, dễ tiếp cận, có thể quản lý từ xa thông qua điện thoại, máy tính…, FarmGo đang thu hút hàng nghìn tài khoản của các trang trại chăn nuôi, với mức phí chỉ 30.000 đồng/tháng.
Tận dụng lợi thế từ cây trà hoa vàng, anh Nguyễn Văn Cường (khu 3A, thị trấn Ba Chẽ, huyện Ba Chẽ) xây dựng thí điểm mô hình “Chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học dưới tán rừng”. Mô hình thực hiện trên 4ha rừng đồi, số lượng trên 1.000 con. Trên khu đồi, anh Cường trồng các loại cây dược liệu như trà hoa vàng, tía tô, sả, kim ngân, sâm cau, đinh lăng để trộn lẫn thức ăn cho gà ăn.
Anh Cường cho biết quy trình chăn nuôi gà dược liệu được thực hiện theo tiêu chí thả rông trên sườn đồi, dưới tán cây. Bên cạnh để gà tự ăn các cây dược liệu trồng tự nhiên, anh còn nấu lá trà hoa vàng và dược liệu khác, trộn vào thức ăn cho gà ăn; định kỳ mỗi tháng xông lá dược liệu vào chuồng để phòng chống bệnh về hô hấp và tăng cường sức đề kháng cho gà. Gà ăn thức ăn có trộn lẫn các cây dược liệu sẽ khỏe, ít bệnh tật, chất lượng thịt thơm ngon, da vàng đẹp.
Nhờ hiệu quả từ mô hình, anh Cường đã hỗ trợ nhiều hộ trên địa bàn huyện chuyển đổi phương thức chăn nuôi gà theo hướng thả rông dưới tán rừng kết hợp với bổ sung nguồn dược liệu để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Hiện thực hóa ý tưởng, dự án
Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tổ chức đoàn. Thời gian qua, các cấp bộ đoàn trong tỉnh ngày càng nâng cao chất lượng tư vấn về nghề nghiệp, việc làm. Từ đó đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế, khởi nghiệp hiệu quả, tạo điều kiện cho thanh niên vươn lên làm giàu.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, hơn 27.800 lượt ĐVTN được tư vấn giới thiệu nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp và tuyển sinh của trường nghề, các hoạt động của Trung tâm Dịch vụ việc làm, được giải đáp thắc mắc về việc làm. Tỉnh Đoàn phối hợp với Sở GD&ĐT, Sở LĐ-TB&XH tổ chức chương trình tư vấn mùa thi, định hướng nghề nghiệp năm 2024 thu hút gần 2.000 học sinh, sinh viên, ĐVTN trong tỉnh tham gia.
Tỉnh Đoàn chỉ đạo Hội Doanh nhân trẻ tỉnh tổ chức hội nghị chiến lược phát triển kinh tế tư nhân năm 2024, triển lãm xúc tiến thương mại và đầu tư doanh nhân trẻ Việt Nam tại tỉnh, thu hút trên 130 gian hàng, đại diện cho các tổ chức, doanh nghiệp, doanh nhân trẻ trong cả nước. Các sản phẩm được giới thiệu tập trung ở các lĩnh vực công nghệ số, chuyển đổi số, tự động hóa, robot thông minh, trí tuệ và các đặc sản vùng miền, OCOP… Điểm mới của triển lãm lần này là các phiên livestream bán hàng trực tuyến qua các nền tảng số.
Hội Sinh viên tỉnh tổ chức nhiều hoạt động, cuộc thi tạo môi trường phát huy kiến thức, kỹ năng trong học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học; thành lập và phát triển nhiều mô hình CLB học tập trong học sinh, sinh viên, như: CLB học tập, nhóm học sinh tự học, mô hình “Bạn giúp bạn”, “Đôi bạn cùng tiến"; triển khai các cuộc thi “Tinh hoa Việt Nam” dành cho học sinh, sinh viên; sân chơi “Thiếu nhi Việt Nam - Vươn ra thế giới”; chương trình “Tuổi trẻ Việt Nam - Rèn đức luyện tài, dẫn dắt tương lai” dành cho học sinh THCS…
Thông qua các chương trình, hoạt động nâng cao năng lực số do đoàn các cấp tổ chức đã khuyến khích ĐVTN đề xuất các sáng kiến, hình thành và hiện thực hóa ý tưởng, dự án khởi nghiệp; đồng thời giúp thanh niên phát triển bản thân, nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất, góp phần giải quyết việc làm, hỗ trợ thanh niên chuyển đổi số trong hành trình lập thân, lập nghiệp.
Vân Anh
Liên kết website
Ý kiến ()