Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 20:28 (GMT +7)
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số PCI
Thứ 5, 26/08/2021 | 12:30:01 [GMT +7] A A
Quảng Ninh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 10.000 doanh nghiệp thành lập mới, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt trên 5 tỷ USD. Đây là nhiệm vụ không đơn giản, nhất là ảnh hưởng của dịch Covid-19 dự báo sẽ tác động sâu rộng đến nền kinh tế. Để hoàn thành chỉ tiêu, tỉnh đã, đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trọng tâm, trong đó có việc tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cấp tỉnh (PCI).
Tháng 4/2021, VCCI công bố Chỉ số PCI 2020. Đây là lần thứ 4 liên tiếp Quảng Ninh đứng đầu và là địa phương đầu tiên trong cả nước vượt qua mốc 75 điểm trong 10 năm qua ở bảng chỉ số này. Điều này đã khẳng định rõ quyết tâm đổi mới, vượt lên chính mình của tỉnh.
Theo nhận định của các chuyên gia VCCI, các giải pháp nâng cao chỉ số PCI của Quảng Ninh những năm qua, đặc biệt là từ năm 2020 đến nay, khi “cơn bão” Covid-19 có ảnh hưởng tới nền kinh tế nói chung, hoạt động doanh nghiệp nói riêng khá rõ ràng, cụ thể. Trưởng Ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn đánh giá: Trong bối cảnh dịch bệnh, Quảng Ninh vẫn tổ chức được nhiều cuộc gặp gỡ, tiếp xúc doanh nghiệp, quy mô từ cấp huyện, sở, ngành cho tới cấp tỉnh, để nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Từ đó, đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ cộng đồng kinh doanh. Trong đó phải kể đến việc kịp thời đưa ra một số nghị quyết hỗ trợ khôi phục hoạt động của ngành dịch vụ, du lịch, với gói kích cầu hàng trăm tỷ đồng. Hay những giải pháp tháo gỡ khó khăn rất kịp thời cho các ngành trọng điểm như Than, Điện; đẩy mạnh hỗ trợ thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo… Điều này không chỉ khiến cho doanh nghiệp đang hoạt động tại tỉnh yên tâm mà còn sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư khác đến với tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được thời gian qua, tỉnh cũng nghiêm túc nhìn nhận những khó khăn, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Tháng 7/2021, Quảng Ninh tổ chức Hội nghị phân tích các chỉ số PAR Index, PCI, SIPAS, PAPI, ICT Index nhằm tiếp tục xây dựng các giải pháp nâng cao các chỉ số cải cách. Phát biểu tại hội nghị này, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Ký đã nhấn mạnh: Quan điểm của Quảng Ninh là phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy quản lý, từ mệnh lệnh sang phục vụ - kiến tạo, xóa bỏ triệt để cơ chế “xin - cho”, thái độ cửa quyền, gây phiền hà, sách nhiễu, hành vi tham nhũng vặt. Quyết tâm xây dựng nền hành chính thực sự công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả, năng động, cung cấp đầy đủ các dịch vụ với chất lượng ngày càng cao; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ.
Để nâng cao chỉ số PCI cùng một số chỉ số cải cách quan trọng khác, ngay trong đầu nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU (ngày 9/4/2021) về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trên cơ sở đó, ngày 2/7/2021, UBND tỉnh đã Ban hành Chương trình hành động số 131/CTr-UBND để triển khai thực hiện Nghị quyết. Chương trình hành động đã xây dựng nhiều nhóm giải pháp cụ thể để thực hiện việc nâng cao các chỉ số cải cách. Riêng đối với nhóm nhiệm vụ, giải pháp xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu rõ: Đối với các sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố cần thực hiện công bố công khai các quy hoạch kế hoạch sử dụng đất phát triển ngành, lĩnh vực, danh mục các dự án kêu gọi thu hút đầu tư; thường xuyên, chủ động rà soát, tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục hành chính liên quan đến quy hoạch đất đai, bảo vệ môi trường, thuế, bảo hiểm..; quy hoạch quản lý chặt chẽ nguồn vật liệu san lấp.
Tỉnh cũng chỉ đạo các đơn vị phải chủ động hỗ trợ giải quyết nhanh chóng kịp thời những kiến nghị của doanh nghiệp, nhà đầu tư; nâng cao trách nhiệm phối hợp của các sở, ngành, địa phương trong giải quyết thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình triển khai dự án của các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động đối thoại doanh nghiệp ở các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở. Chủ động tiếp thu, nắm bắt nhanh tình hình doanh nghiệp, nhà đầu tư khu vực dân doanh để có các giải pháp kịp thời hỗ trợ…
Được biết, từ đầu năm 2021 đến nay, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trong đó, đã tích cực triển khai nhanh chóng thực hiện các chính sách của Trung ương hỗ trợ doanh nghiệp về chính sách thuế, bảo hiểm, giảm các loại phí, lệ phí, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19… Tỉnh cũng thường xuyên tổ chức gặp mặt, trao đổi trực tiếp với các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn; đồng thời ban hành kịp thời nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương. Đầu tháng 7/2021, tỉnh đã thành lập Tổ Công tác hỗ trợ dự án đầu tư (Investor Care) nhằm hỗ trợ hiệu quả hơn các nhà đầu tư khi thực hiện nghiên cứu, triển khai các dự án tại tỉnh.
Với các giải pháp cụ thể, tình hình phát triển doanh nghiệp tại tỉnh đã có nhiều khởi sắc. Theo báo cáo của Sở KH&ĐT, 7 tháng năm 2021, toàn tỉnh có 1.157 đơn vị thành lập mới, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2020, tổng số vốn đăng ký 13.521 tỷ đồng, tăng 83% cùng kỳ; có 623 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 60% cùng kỳ; 230 doanh nghiệp giải thể, giảm 22% cùng kỳ. Về tình hình thu hút đầu tư, trong tháng 7, tổng vốn thu hút vốn ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt trên 2.236 tỷ đồng, lũy kế 7 tháng đạt trên 282.236 tỷ đồng. Trong đó: Cấp mới và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho 27 dự án có vốn đầu tư trong nước và nước ngoài với tổng vốn đăng ký và tăng thêm là 24.926,5 tỷ đồng; phê duyệt mới và điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 38 dự án vốn trong nước với tổng vốn đăng ký là 257.310 tỷ đồng.
Từ nay đến cuối năm 2021, tỉnh tiếp tục tập trung các giải pháp đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; nghiên cứu, ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực trọng điểm của tỉnh, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đồng thời, tiếp tục triển khai nhanh chóng, hiệu quả các chính sách của Trung ương hỗ trợ doanh nghiệp…
Hồng Nhung
Liên kết website
Ý kiến ()