Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 03/11/2024 02:23 (GMT +7)
Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo
Thứ 5, 18/01/2024 | 06:54:05 [GMT +7] A A
Trong 10 năm qua, thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của BCH Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Quảng Ninh đã có nhiều nỗ lực, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, qua đó đạt nhiều kết quả quan trọng.
Theo đó, ngay từ những năm đầu triển khai thực hiện nghị quyết, Quảng Ninh đã ban hành nhiều văn bản cụ thể hóa phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Đồng thời, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và ngành giáo dục từ tỉnh đến cơ sở tổ chức phổ biến, tuyên truyền sâu rộng nội dung nghị quyết, chương trình hành động của tỉnh, của huyện đến cán bộ, đảng viên, nhân dân. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên, giáo viên về vai trò, tầm quan trọng của việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo trong việc thúc đẩy KT-XH của tỉnh phát triển.
Cùng với công tác tuyên truyền, phổ biến nghị quyết, tỉnh đã thực hiện đồng bộ với các cơ chế, chính sách, nguồn lực ưu tiên cho phát triển giáo dục và đào tạo; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, đồng bộ, hiện đại; quy mô giáo dục không ngừng được mở rộng, phát triển mạnh hệ thống trường lớp, với chất lượng ngày càng được nâng lên, cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu học tập của nhân dân. Hiện tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia tại tỉnh đạt trên 89%; xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh, Quảng Ninh là một trong những địa phương có tỷ lệ trường ngoài công lập THPT đứng đầu cả nước.
Tỉnh đã hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết số 29 đề ra, trong đó nhiều nội dung đã thực hiện vượt như: Huy động trẻ trong độ tuổi mẫu giáo ra lớp; chăm sóc trẻ chống suy dinh dưỡng; thanh niên có trình độ THPT và tương đương; các chỉ tiêu về xóa mù chữ, học sinh đi học đúng độ tuổi ở cấp tiểu học, THCS... Đặc biệt, khoảng cách chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa nông thôn, miền núi và thành thị dần được thu hẹp. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được mở rộng đáp ứng yêu cầu của xã hội; xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh, tạo sự chuyển biến tích cực, thu hút các nguồn lực của xã hội, sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân đến sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo.
Cùng với đó, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có bước phát triển mới, cơ bản bảo đảm về số lượng, hợp lý về cơ cấu, nâng cao về chất lượng (tỷ lệ giáo viên có trình độ đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn đạt 84,2%), phân bố khá toàn diện ở các cấp học, địa bàn. Chất lượng giáo dục và đào tạo ngày càng được nâng lên; khoảng cách chênh lệch về cơ hội tiếp cận, chất lượng dịch vụ công trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo giữa các vùng miền, nhất là ở vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo, đối tượng người nghèo, người yếu thế ngày càng được thu hẹp. Tỉnh đã được công nhận đạt phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục THCS mức độ 2, đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; chất lượng giáo dục mũi nhọn có nhiều chuyển biến; tổ chức thành công kỳ thi tuyển sinh lớp 10 và kỳ thi tốt nghiệp THPT hằng năm, từng bước nâng cao về chất lượng, thứ hạng.
Nhằm tiếp tục đổi mới, tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ, toàn diện về chất lượng giáo dục trong giai đoạn tới, BTV Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 38-CT/TU ngày 5/9/2023 với các mục tiêu cụ thể trong giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, quyết tâm tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ, toàn diện về chất lượng giáo dục phổ thông, phấn đấu trở thành một trong những tỉnh, thành phố đi đầu trong phát triển giáo dục thông minh, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giáo dục, dạy học và đánh giá chất lượng; chậm nhất đến năm 2030, nằm trong nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về trình độ, chất lượng phát triển giáo dục và đào tạo, một trong những trung tâm giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của vùng.
Riêng năm 2023, tỉnh đã giao kinh phí mua sắm trang thiết bị dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là 440 tỷ đồng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các nhà trường được tăng cường, nhất là các thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin, hệ thống thông minh, thiết bị đổi mới phương pháp dạy học lấy học sinh làm trung tâm. Từ đó, các trường học mở ra nhiều phương thức giáo dục mới, thông minh và hiệu quả hơn.
Từ tỉnh đến cơ sở quán triệt thực hiện nghiêm túc các quan điểm chỉ đạo xuyên suốt: Phát triển giáo dục, đào tạo là phương diện quan trọng trong mục tiêu nâng cao mọi mặt chất lượng đời sống của nhân dân, bảo đảm hài hòa giữa đời sống vật chất và đời sống văn hóa tinh thần theo các tiêu chí của “hạnh phúc”; thực hiện khâu đột phá của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng gắn với nhanh chóng tăng quy mô và nâng cao chất lượng dân số… Tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp, coi đây là khâu then chốt có tính quyết định để thực hiện mục tiêu đổi mới, phát triển giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.
Song song với đó, trong giai đoạn này tỉnh cũng sẽ tiến hành tổng rà soát cán bộ, quản lý toàn ngành giáo dục, thực hiện phương châm “Có lên, có xuống, có vào, có ra”, kịp thời thay thế những cán bộ quản lý giáo dục, nhất là người đứng đầu các cơ sở giáo dục hạn chế về năng lực, trình độ, giảm sút uy tín, không đáp ứng được yêu cầu đổi mới.
Với mục tiêu cụ thể, cùng sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự nỗ lực của ngành giáo dục, chắc chắn Quảng Ninh sẽ tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng, khẳng định vị trí trong phong trào giáo dục của cả nước, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH trong giai đoạn mới.
Hoài Anh
Liên kết website
Ý kiến ()