Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 30/11/2024 12:37 (GMT +7)
Tiết kiệm nước
Thứ 7, 01/08/2020 | 05:24:55 [GMT +7] A A
Suốt nhiều tháng qua, do ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, thời tiết nắng nóng, hạn hán kéo dài đã làm nhiều hồ thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh khô hạn bất thường, xuống gần đến mực nước chết. Nhiều hồ rơi vào tình trạng báo động, cạn trơ đáy. Điều này dẫn đến nguy cơ các địa phương ở Quảng Ninh sẽ có thể thiếu nước phục vụ cho sinh hoạt cũng như sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng đến đời sống người dân, hoạt động của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Thiếu nước là tình trạng chung của các hồ chứa trên địa bàn tỉnh, như: Yên Lập, Sau Làng (TP Hạ Long); Cao Vân (TP Cẩm Phả); Khe Mai (Vân Đồn); Khe Cát, Khe Táu (Tiên Yên); Trại Lốc 1, Khe Ươn 1 (Đông Triều); Yên Dưỡng, Tân Lập (Uông Bí)… Lượng nước ở 25 hồ lớn của tỉnh giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019. Đây là mối lo về khả năng thiết hụt nguồn nước cung cấp cho sinh hoạt, sản xuất của các địa phương. Đặc biệt tại Yên Lập - hồ lớn nhất tỉnh, cung cấp nước sản xuất, sinh hoạt cho nhiều khu vực của TP Hạ Long, TX Quảng Yên, mực nước xuống mức thấp kỷ lục, tiệm cận mực nước chết, nhiều nơi cạn trơ đáy. Đây là mức nước thấp nhất sau 40 năm hồ Yên Lập đưa vào khai thác.
Việc hồ Yên Lập nước thấp kỷ lục, chỉ còn cách mực nước chết khoảng 5m (ngày 25/7) đã khiến trạm bơm về nhà máy xử lý nước của Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh phải tạm dừng hoạt động. Điều này dẫn đến việc hàng chục nghìn hộ dân, nhà hàng, khách sạn khu vực Bãi Cháy (TP Hạ Long) bị thiếu nước sinh hoạt, khiến cuộc sống bị đảo lộn.
Để giải bài toán thiếu nước trước mắt, Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh phải điều tiết nước, bố trí 7 xe téc cấp nước di động, lấy nước từ khu vực phía đông của TP Hạ Long để cấp cho những hộ dân không thể cấp được nước bằng mạng lưới cấp nước. Toàn bộ chi phí xăng dầu, nhân công do Công ty hỗ trợ, giá nước không thay đổi so với giá quy định.
Cùng với đó, Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh đầu tư gần 10 tỷ đồng, huy động hơn 100 cán bộ, công nhân làm việc 3 ca liên tục hoàn thành lắp đặt trên 3km tuyến ống HDPE D355 từ vị trí đặt trạm bơm ban đầu ra giữa lòng hồ Yên Lập để lấy nước về cho nhà máy xử lý nước sạch cấp cho người dân khu vực Bãi Cháy. Đến thời điểm này, cơ bản việc cấp nước cho người dân tại khu vực Bãi Cháy đã ổn định trở lại.
Với việc nắng nóng, hạn hán kéo dài, nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước, hiện tại Công ty TNHH MTV Thuỷ lợi Yên Lập (đơn vị quản lý hồ Yên Lập) phải điều chỉnh kế hoạch mở nước tiết kiệm, giảm số ngày mở nước từ 7 ngày/đợt xuống còn 4-5 ngày/đợt, lưu lượng mở từ 6-7m3/s, ưu tiên nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho người dân. Công ty cũng yêu cầu các đơn vị cụm, trạm tập trung điều tiết nước, đảm bảo không xảy ra tình trạng lãng phí nước.
Như vậy là tình trạng thiếu nước cục bộ đã hiện hữu trên địa bàn TP Hạ Long khi mà hồ Yên Lập đã tiệm cận mực nước chết. Chính vì vậy, một trong những giải pháp hạn chế việc thiếu nước là mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị… cần chung tay sử dụng nguồn nước sạch tiết kiệm. Có như vậy mới có thể kéo dài thời gian sử dụng lượng nước còn lại ở các hồ, qua đó vượt qua thời gian hạn hán chờ mưa tới.
Và câu chuyện về hạn hán, xâm nhập mặn gây khó khăn, ảnh hưởng xấu đến đời sống người dân khu vực miền Trung, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua hẳn mọi người chưa quên. Hàng triệu người dân nơi đây phải đi xa vài cây số để mua nước ngọt với giá cao gấp hàng chục lần. Thiếu nước ngọt làm cuộc sống người dân đảo lộn hoàn toàn, hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Đến thời điểm hiện tại, việc cấp nước sinh hoạt trên địa bàn TP Hạ Long nói riêng, toàn tỉnh nói chung cơ bản ổn định. Tuy nhiên, dự báo nắng nóng còn kéo dài, mưa ít, mực nước trong các hồ đều đang sát mực nước chết, vì vậy việc sử dụng nước tiết kiệm của mỗi người dân, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp là vô cùng quan trọng.
Nói như lãnh đạo Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh: Nếu trong thời gian tới không có mưa to liên tục, mực nước nhiều hồ, đặc biệt là hồ Yên Lập sẽ chạm mực nước chết. Do đó, bên cạnh những giải pháp của Công ty, rất cần sự vào cuộc của người dân trong việc sử dụng nguồn nước tiết kiệm, tránh lãng phí. Cùng với đó, các đơn vị quản lý hồ đập thực hiện điều phối nguồn nước thô hợp lý, tiết kiệm, ưu tiên cho cấp nước sinh hoạt để có thể vượt qua giai đoạn khô hạn kéo dài này.
Thái Bình
Liên kết website
Ý kiến ()