Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 05:28 (GMT +7)
Tiểu thuyết về tuổi thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Thứ 5, 19/05/2022 | 15:31:00 [GMT +7] A A
“Nợ nước non” cho thấy tư duy của nhân vật mỗi ngày một sâu sắc, rộng lớn. Trái tim chàng trai ấy mang nhịp đập của tình yêu thương con người, Tổ quốc, hé mở khát vọng lớn.
“Dạ thưa cha! Con sắp lên đường đây ạ. Dù chưa hình dung được phía trước rồi sẽ thế nào, là vạn dặm, muôn muôn dặm, nhưng con nhất định phải đi và sẽ tìm được điều cần tìm”.
Đấy là lời của người thanh niên Nguyễn Tất Thành trong đêm đầu tiên trên con tàu rời xa Tổ quốc. Những lời ấy thì thầm trong trái tim của người thanh niên yêu nước, nhưng tôi nghe thấy tiếng rền vang vượt trên tiếng rền rĩ biển cả. Mở đầu bộ tiểu thuyết này, cụ thể là tập 1 của bộ tiểu thuyết Nước non vạn dặm phải được bắt đầu như thế. Và tôi nghĩ, không có cách nào khác là cách mở đầu như vậy. Nó giản dị nhưng lớn lao và dội vào trái tim người đọc. Hình ảnh ấy đã dựng nên một cách kỳ vĩ cho một chuyến đi. Nó xứng đáng với cuộc ra đi của một con người vĩ đại, xứng đáng với sự khởi đầu một lịch sử của một dân tộc bị áp bức đau thương.
Một con người và một con đường
Để viết tiểu thuyết về một nhân vật lịch sử, một con người như Hồ Chí Minh quả là một thách thức quá lớn. Trước đó, có lẽ chỉ có nhà văn Sơn Tùng đã viết Búp sen xanh về thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nay là Nguyễn Thế Kỷ.
Ngay chính tình yêu quá lớn của những người Việt Nam nói chung và của tác giả nói riêng dành cho vĩ nhân Hồ Chí Minh lại chính là thách thức khó khăn nhất. Bởi người viết sẽ mang cảm giác sợ hãi khi chạm vào sự thiêng liêng ấy. Bởi bạn đọc sẽ “soi xét” nhân vật dựa trên rất nhiều cứ liệu, nhiều lý do và nhiều thái độ. Và bởi đây là tiểu thuyết, và nhà văn phải sáng tạo ra một đời sống chi tiết của nhân vật mà hầu như chúng ta, kể cả các nhà sử học, không có đủ tư liệu cần thiết để tựa vào.
Nhưng khi đọc xong tập 1 bộ tiểu thuyết này có tên Nợ nước non, tôi đã trút được nỗi sợ hãi đó. Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã vượt qua được chặng đường đầu tiên một cách xuất sắc.
Tập 1 - Nợ nước non là tập quan trọng hay có thể nói là tập quan trọng nhất của bộ tiểu thuyết này. Đây là chặng đường quan trọng nhất để hình thành một con người, đặc biệt là một vĩ nhân với những yếu tố: Gia đình, hoàn cảnh lịch sử đất nước, thế giới, điều kiện sống, giáo dục, tư chất, những vẻ đẹp tâm hồn, sự quan sát đời sống, chặng đường nhận thức của nhân vật…
Đây cũng là tập mà nếu nhà văn không thuyết phục được bạn đọc, không tạo ra sự đợi chờ của bạn đọc cho những tập tiếp theo thì nghĩa là bộ tiểu thuyết đã kết thúc với bạn đọc cho dù nhà văn đang tiếp tục viết. Và tôi, một bạn đọc đầy cảm hứng để đọc bộ tiểu thuyết này với nhiều lo lắng cho chính tác giả. Nhưng giờ đây, tôi đã đọc xong Nợ nước non và bắt đầu đợi những tập tiếp theo.
Trong cách nhìn của tôi, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ có đủ những điều quan trọng và cần thiết nhất để viết bộ tiểu thuyết này mà trước mắt là tập Nợ nước non. Đó là sự nghiên cứu một cách kỹ lưỡng về cuộc đời và tư tưởng Hồ Chí Minh, đó là sự hiểu biết sâu sắc về địa lý, lịch sử và văn hóa của vùng đất nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra và lớn lên, đó là việc chọn cách viết phù hợp nhất cho loại thể tiểu thuyết về nhân vật lịch sử, đó là một cách nhìn độc lập nhưng biện chứng về những gì liên quan đến một nhân vật lịch sử.
Và điều đặc biệt, là nền tảng quan trọng nhất để nhà văn Nguyễn Thế Kỷ dựng nên tiểu thuyết chính là tình yêu đặc biệt và thiêng liêng của ông dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với một tình yêu như thế, ông tự tin sáng tạo những chi tiết trong đời sống, những lời nói, những suy nghĩ, những hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ khi là cậu bé Cung cho đến khi là người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành mà ông không hề sợ “phạm lỗi”.
Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ không đi ngược lại những gì mà nhà văn Sơn Tùng hay những nhà văn khác đã viết về Hồ Chí Minh mà ông là người đóng góp một cách quan trọng để mở rộng chiều kích tâm hồn con người Hồ Chí Minh, mở rộng chiều kích tư tưởng Hồ Chí Minh trong cách nhìn của một nhà văn đang sống trong một thế kỷ quá nhiều biến cố lịch sử và quá nhiều thay đổi những hệ giá trị.
Những khát vọng lớn lao
Một điều quan trọng là nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã không “kỳ bí hóa” hay “thần thánh hóa” một vĩ nhân lịch sử khi viết về thời niên thiếu của vĩ nhân đó. Vấn đề này không ít nhà văn thường mắc phải, nó thường tạo ra cảm giác xa lạ với người đọc. Nguyễn Thế Kỷ đã dựng nên con người Hồ Chí Minh có một tuổi thơ như bao cậu bé khác trên cuộc đời này. Nhưng tư chất của một con người để sau này trở thành một vĩ nhân được hiện lên từng bước theo thời gian với những tác động của gia đình, của đời sống, của văn hóa và lịch sử thời cậu bé Cung sống thật thuyết phục.
Sự chuẩn bị này là cần thiết nhưng không “thần thánh hóa” mà ngược lại nhà văn đã bình dị hóa tâm hồn cậu bé Cung song đủ tinh tế làm cho bạn đọc nhận ra sự trong sáng, khả năng tư duy, khí tiết, ý chí và một điều gì đó lớn lao ẩn chứa trong tâm hồn thơ trẻ ấy.
Tôi theo dõi một cách kỹ lưỡng những câu thoại của cậu bé Cung rồi đến chàng trai Tất Thành… Đây là phần khó nhất trong một tác phẩm văn học, đặc biệt một tác phẩm văn học viết về một vĩ nhân lịch sử như Hồ Chí Minh. Diễn biến và sự phát triển cũng như lý do để sinh ra những câu thoại từ nhỏ cho đến khi lớn lên của nhân vật chính cho thấy nhận thức và tư duy của Cung - Tất Thành mỗi ngày một sâu sắc và rộng lớn, chứa đựng một cách nhìn, một tầm nhìn và đặc biệt trái tim chàng trai ấy mỗi lúc lớn lên mang những nhịp đập của tình yêu thương con người, yêu thương Tổ quốc và hé mở những khát vọng lớn lao.
Cuộc đối thoại giữa chàng trai Tất Thành với cụ Phan Bội Châu đã hiển lộ tư tưởng và ý chí của một con người có tầm nhìn khác, chính từ đấy, con đường cứu nước bắt đầu tỏ rõ trong con người chàng trai Nguyễn Tất Thành. Đó chính là cánh cửa đầu tiên của cuộc đời một con người vĩ đại đã mở để tìm con đường giải phóng dân tộc bị áp bức khổ đau của mình. Và cũng là lúc cánh cửa của độc lập, tự do đã mở ra cho một dân tộc đang phải làm nô lệ.
“Đất liền mỗi lúc một xa hơn, tha thiết, đau đáu và cũng gần gũi, máu thịt như hơi thở mặn mòi của biển cật ruột bên anh, trong anh. Những hàng cây, chiếc xuồng, dòng sông, ngọn núi, cánh chim, làng Chùa, làng Sen, Đông Ba, Dương Nỗ, Tam Tầng, Bình Khê, Dục Thanh, Sài Gòn… lần lượt hiện rõ mồn một trong tâm trí anh. Thành cho tay vào túi rút chiếc khăn nhỏ còn chan chứa những giọt nước mắt của Huệ. Anh đưa chiếc khăn lên ngang ngực, ấp vào nơi trái tim đang nóng bỏng và thổn thức.
Những con sóng lớn hung dữ chồm lên, lớp lớp hùa nhau đánh vào mạn tàu, hắt lên boong tàu, điên cuồng và dữ dội. Nhưng trong lồng ngực gầy của Tất Thành - Văn Ba, một trái tim còn đập những nhịp đập nóng bỏng, quyết liệt và dữ dội hơn thế”.
Những dòng cuối của tiểu thuyết đã đẩy cảm xúc tới đỉnh điểm. Những trang văn đẹp, xúc động, lớn lao dâng lên như từng đợt sóng. Hình ảnh người thanh niên Nguyễn Tất Thành bước lên con tàu làm người đọc chìm vào cảm xúc thiêng liêng, ngập tràn niềm kiêu hãnh và nỗi đợi chờ lớn lao của những người đứng trên bờ đợi chờ ngày trở lại của con người đó.
Cũng như phần mở đầu tiểu thuyết, tôi lại muốn nói rằng: Đoạn kết của tiểu thuyết này phải là vậy và không thể thay thế bằng một cách khác. Sự phát triển của cảm xúc, của ngôn ngữ, của hình ảnh, của tư tưởng từng lớp, từng lớp nối tiếp nhau hiện lên tạo ra chiều sâu tác phẩm và đẩy tác phẩm tới đích cuối cùng một cách hiệu quả. Và khi tôi thấy hiện lên con đường ra đi của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành như thế thì tôi có đủ lý do và lòng tin để hình dung con đường trở về của con người yêu nước Nguyễn Tất Thành. Và cùng lúc đó, số phận, tương lai của một dân tộc cũng hiện lên.
Theo Zing
Liên kết website
Ý kiến ()