Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 08:37 (GMT +7)
Khắc phục tình trạng ùn ứ nông sản tại cửa khẩu
Thứ 5, 06/01/2022 | 08:13:38 [GMT +7] A A
Hàng nghìn xe chở nông sản dễ hư hỏng đang bị ùn ứ ở Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, gây thiệt hại không nhỏ cho các doanh nghiệp và nông dân. Trước thực trạng đó, TP Móng Cái và các cơ quan chức năng liên quan đang thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, đồng thời thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại đây.
Theo báo cáo của UBND TP Móng Cái, từ ngày 25/11/2021, Trung Quốc giảm dần lượng hàng xuất, nhập khẩu tại cửa khẩu trên địa bàn 2 tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn (Việt Nam), dẫn đến lượng phương tiện chở hàng hóa đưa về các cửa khẩu, lối mở cầu phao của TP Móng Cái tăng đột biến. Trong khi TP Ðông Hưng (Trung Quốc) tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 ở mức cao nhất, dẫn đến hàng hóa thông quan qua địa bàn Móng Cái bị chậm lại.
Đặc biệt ngày 21/12/2021, phía TP Đông Hưng tạm dừng hoạt động thông quan hàng hóa với Cửa khẩu Bắc Luân II, Lối mở Km3+4 (TP Móng Cái) để giải quyết, tăng cường công tác phòng, chống dịch.
Việc ngừng thông quan, dẫn đến việc có trên 1.500 xe container hàng hóa ùn ứ tại các bãi tập kết khu vực cửa khẩu, lối mở trên địa bàn TP Móng Cái. Trong đó có 500 xe là hoa quả của Việt Nam và Thái Lan; trên 700 xe là hàng thủy sản, hàng cấp đông. Việc ùn ứ hàng hóa không chỉ gây thiệt hại trực tiếp đối với các doanh nghiệp và nông dân, mà còn gây áp lực đến các vấn đề liên quan đến vệ sinh môi trường, phòng chống dịch tại các bãi tập kết hàng hóa ở Móng Cái..
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp, đảm bảo ANTT cũng như công tác phòng, chống dịch, TP Móng Cái thường xuyên trao đổi với TP Đông Hưng nhằm đẩy nhanh giải quyết thủ tục thông quan hàng hóa cho doanh nghiệp, gắn với công tác phối hợp phòng, chống dịch. Đồng thời triển khai phương án đưa các xe chở hoa quả đến tập kết tại các bãi kiểm hóa của một số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, nhằm giảm tải cho khu vực cửa khẩu. Móng Cái đã bố trí 3 khu tập kết có thể chứa 6.000 phương tiện; 6 kho lạnh có thể chứa khoảng 770 xe container hàng hóa. Đặc biệt, thành phố vận động doanh nghiệp kinh doanh bãi kiểm hóa ủng hộ, đồng thuận giảm chi phí lưu bãi, lưu xe cho các chủ hàng.
Ông Lương Xuân Đào, Phó Giám đốc Công ty CP Thành Đạt (TP Móng Cái), cho biết: Còn rất nhiều xe container chở hàng hóa đang bị ùn tắc tại Cảng ICD Móng Cái. Vì vậy chúng tôi tăng cường nhân lực để đảm bảo công tác ANTT, vệ sinh môi trường. Để đảm bảo các quy định phòng, chống dịch Covid-19, Công ty đã thực hiện phân vùng các lái xe theo các tỉnh, thành phố để thuận tiện cho công tác quản lý, cũng như truy vết nếu có dịch xảy ra; yêu cầu các lái xe thực hiện nghiêm 5K, không tụ tập đông người.
Theo UBND TP Móng Cái, tình trạng hàng hóa ùn ứ ở khu vực biên giới phía Bắc đã không còn là vấn đề xa lạ; tuy nhiên như đợt này là chưa từng xảy ra. Ngoài nguyên nhân hạn chế thông quan để duy trì các biện pháp phòng, chống dịch ở mức cao nhất, thì thời gian qua phía Trung Quốc áp dụng các quy chuẩn mới đối với hàng hóa nhập khẩu. Điển hình là từ ngày 1/1/2022, Lệnh 248 và 249 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc chính thức được thực thi, các mặt hàng như thực phẩm, nông sản sẽ phải đáp ứng quy định mới về đăng ký, kiểm tra và dán nhãn. Vì vậy, thông quan hàng hóa dự báo là sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong những ngày tới đây nếu các doanh nghiệp chưa kịp thời thích ứng.
UBND TP Móng Cái đã có Thông báo số 622 ngày 22/12/2021 về việc chủ động thực hiện các biện pháp bảo quản, tiêu thụ, điều tiết hàng hóa xuất, nhập khẩu. Trong đó đề nghị các doanh nghiệp tạm dừng vận chuyển hàng hóa ra cửa khẩu, lối mở trên địa bàn thành phố. Đối với hàng hoa quả, thủy sản cấp đông, nên chủ động có phương án di chuyển tìm các thị trường khác để xuất khẩu và tiêu thụ nội địa; hoặc hạ tải để đưa vào các kho đông lạnh, nhằm giảm chi phí.
Về phương án lâu dài để đáp ứng tốt yêu cầu hoạt động xuất, nhập khẩu, tỉnh Quảng Ninh cũng như TP Móng Cái sẽ tiếp tục thu hút đầu tư, mở rộng hệ thống hạ tầng logistics nhằm cung cấp dịch vụ kho bãi và lưu trữ, bảo quản hàng hóa với số lượng lớn hơn. Trong đó phương án xây dựng trung tâm giao dịch nông, lâm, thủy sản đã được tính đến để chủ động việc xuất khẩu và đảm bảo giá cả nông sản cho nông dân.
Quảng Ninh có các cửa khẩu trên bộ sát với thị trường rộng lớn Trung Quốc. Để chủ động trong giao thương, xuất nhập khẩu hàng hóa, bên cạnh mở rộng, đồng bộ hạ tầng về giao thông, logistics của địa phương, các doanh nghiệp, người nông dân cũng cần có các biện pháp căn cơ hơn. Trong đó cần chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc theo hình thức chính ngạch, như mua bán theo hợp đồng, với các điều kiện giao dịch, giao nhận rõ ràng; giao hàng tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính... Tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định về truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, ghi nhãn... cũng như các yêu cầu khác có liên quan để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng quy định, tiêu chuẩn đã thỏa thuận với bạn hàng nước ngoài, để tình trạng ùn ứ nông sản không còn tái diễn.
Lê Nam
Liên kết website
Ý kiến ()