Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 05:03 (GMT +7)
Tìm giải pháp thoát nghèo hiệu quả
Thứ 5, 16/06/2022 | 09:12:01 [GMT +7] A A
Năm 2022, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu giảm 411 hộ nghèo và 1.200 hộ cận nghèo. Hiện thực hóa mục tiêu trên, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã và đang nỗ lực thực hiện công tác giảm nghèo và tổ chức nhiều hoạt động hướng về người nghèo với tinh thần trách nhiệm cao. Đến nay, nhiều mô hình giảm nghèo đã tạo điều kiện tốt nhất nhằm giúp người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn có thêm cơ hội vươn lên thoát nghèo bền vững.
Tạo động lực để vươn lên
Gia đình chị Nguyễn Thị Nụ là một trong số các hộ nghèo thiếu hụt về tiêu chí nhà ở trên địa bàn xã Liên Vị (TX Quảng Yên). Nhiều năm qua, cả gia đình có 3 nhân khẩu thì có đến 2 con nhỏ vẫn trong độ tuổi đến trường, phải ở trong ngôi nhà ẩm thấp, cũ hỏng do được xây dựng từ lâu. Cuộc sống khó khăn, cái nghèo đeo bám nên chị không dám nghĩ tới việc sẽ có một căn nhà khang trang để ở.
Nhằm chia sẻ với khó khăn của gia đình chị Nụ, đầu năm 2022, MTTQ TX Quảng Yên đã đứng ra vận động, quyên góp kinh phí hỗ trợ gia đình chị xây dựng căn nhà mới kiên cố. Với số tiền hơn 80 triệu đồng quyên góp từ nhà hảo tâm và đóng góp của cán bộ, nhân dân trong xã, gia đình chị Nụ cũng đã mạnh dạn vay mượn thêm của người thân trong gia đình để có vốn đối ứng xây nhà. Sau 3 tháng thi công, đến nay ngôi nhà mái bằng kiên cố rộng trên 40m2 với đầy đủ công trình phụ đã hoàn thành, góp phần giúp gia đình chị Nụ vơi bớt những khó khăn trong cuộc sống.
Chị Nguyễn Thị Nụ phấn khởi cho biết: Ngôi nhà được khởi công xây dựng từ tháng 3, đến nay đã hoàn thành rồi. Có ngôi nhà mới, tôi và 2 con không lo dột lúc mưa gió, con cái có không gian rộng thoáng sinh hoạt, học tập. Gia đình tôi càng có thêm động lực phát triển kinh tế, trang trải các khoản vay, ổn định đời sống và thoát nghèo.
Gia đình chị Nụ chỉ là một trong nhiều hộ nghèo trên địa bàn thị xã được cấp ủy, chính quyền các cấp ở Quảng Yên hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở, hỗ trợ phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống thời gian qua. Ông Vũ Đức Hào, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TX Quảng Yên cho biết: Theo kết quả rà soát, trên địa bàn thị xã còn 178 hộ nghèo, trong đó có tới 32 hộ thiếu hụt về nhà ở; 24 hộ thiếu hụt dịch vụ việc làm; 207 người thiếu hụt dịch vụ y tế; 31 hộ thiếu hụt về dịch vụ nước sinh hoạt và vệ sinh; 37 hộ thiếu hụt dịch vụ thông tin. Với mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau, căn cứ trên việc đánh giá thực trạng thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo, như thiếu hụt dịch vụ nhà ở, việc làm, dịch vụ y tế, nước sinh hoạt và nhà tiêu hợp vệ sinh, dịch vụ thông tin, TX Quảng Yên đã huy động tối đa các nguồn lực xã hội hóa hỗ trợ hộ giảm nghèo, tạo cơ hội cho hộ nghèo ổn định, đa dạng hóa việc làm, tăng thu nhập, tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.
Với truyền thống đoàn kết, tinh thần “tương thân, tương ái”, mỗi địa phương, đơn vị trên địa bàn thị xã đã xây dựng kế hoạch giảm nghèo để thực hiện quyết tâm xóa hết hộ nghèo trong năm nay. Trong đó Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã đã phát động trong cán bộ, giáo viên toàn ngành đóng góp kinh phí hỗ trợ mua thẻ BHYT cho 207 người nghèo. Đoàn Thanh niên thị xã phối hợp với Công đoàn Khối cơ quan chính quyền thị xã huy động đoàn viên thanh niên, viên chức lao động góp kinh phí mua tivi, radio hỗ trợ hộ nghèo về dịch vụ thông tin. Với những hộ nghèo thiếu hụt tiêu chí nhà ở, thị xã tiếp tục huy động nguồn lực xã hội hóa xây dựng, sửa chữa nhà ở. Trong lễ phát động chương trình ủng hộ 178 hộ thoát nghèo trên địa bàn thị xã mới diễn ra trong đầu tháng 6 vừa qua, thị xã đã tiếp nhận trên 2 tỷ đồng ủng hộ của các nhà hảo tâm, doanh nghiệp để hỗ trợ các hộ nghèo cải thiện về nhà ở.
Tính từ đầu năm đến nay, từ nguồn lực xã hội hóa này, thị xã đã hỗ trợ xây mới 15 nhà ở, sửa chữa 2 nhà ở tổng kinh phí hỗ trợ 840 triệu đồng; hỗ trợ được hơn 1.000 lượt hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn vay vốn phát triển sản xuất. Nhiều hộ đã sử dụng vốn vay hiệu quả, cải tiến cách thức làm ăn, mở rộng các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả kinh tế cao và thoát nghèo bền vững.
Không để ai bị bỏ lại phía sau
Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, thời gian qua tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp để cải thiện tiêu chí thu nhập và cải thiện các chỉ số thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020. Nhờ đó, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. Tính đến hết năm 2021, số hộ nghèo của Quảng Ninh giảm hơn 380 hộ nghèo (giảm 0,1% so với năm 2020), giảm 0,13% so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 0,14%; tỷ lệ hộ cận nghèo là 0,67% (2.504 hộ), giảm 0,39% so với năm 2020.
Tuy nhiên, hiện nay theo chuẩn nghèo đa chiều mới giai đoạn 2021-2025 theo quy định của Trung ương, bước vào năm 2022, toàn tỉnh vẫn còn 1.526 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 0,41% tổng số hộ dân toàn tỉnh; 5.553 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,41% tổng số hộ dân toàn tỉnh. Theo kết quả rà soát, hầu hết các hộ nghèo này tập trung tại các khu vực miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh.
Với mục tiêu giảm nghèo bền vững để hộ nghèo, người dân vùng khó khăn được hưởng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, không ai bị bỏ lại phía sau, tỉnh đã và đang nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp. Tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch giảm nghèo như Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về phê duyệt chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn năm 2022. Trong đó, phấn đấu 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo được ưu tiên vay vốn tín dụng ưu đãi, được cấp thẻ BHYT, được miễn giảm và hỗ trợ chi phí học tập; giảm 411 hộ nghèo và 1.200 hộ cận nghèo; 12/12 thôn, bản đặc biệt khó khăn theo tiêu chí mới hoàn thành Chương trình 135.
Tỉnh đã phân công cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan, các địa phương trong việc hỗ trợ, giúp đỡ các hộ thoát nghèo bền vững. Trong đó, tập trung phải rà soát, điều tra điều kiện, hoàn cảnh, xác định nguyên nhân nghèo để xây dựng kế hoạch chi tiết, đề ra giải pháp thực hiện quyết liệt phù hợp với từng hộ gia đình. Các địa phương cũng phân công cán bộ trực tiếp khảo sát đặc điểm, các điều kiện sống của hộ gia đình, tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của chủ hộ và các thành viên có khả năng lao động về nhu cầu cần hỗ trợ để thực hiện kế hoạch thoát nghèo; đồng thời, lập hồ sơ quản lý cho từng hộ, làm sơ sở xây dựng kế hoạch hỗ trợ của địa phương.
Qua khảo sát cho thấy phần lớn hộ nghèo này thiếu hụt các chỉ số của dịch vụ xã hội cơ bản về nhà ở, việc làm, nước sinh hoạt, nhà tiêu hợp vệ sinh, viễn thông, tiếp cận thông tin. Cụ thể, toàn tỉnh có 442 hộ nghèo thiếu hụt về dịch vụ việc làm; 571 hộ nghèo thiếu hụt về chất lượng nhà ở; 706 hộ nghèo thiếu hụt nhà tiêu hợp vệ sinh; 679 hộ thiếu hụt dịch vụ viễn thông và 459 hộ thiếu phương tiện tiếp cận thông tin...
Nhằm cải thiện các tiêu chí giảm nghèo và các chỉ số thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản chủ yếu, tỉnh tập trung ưu tiên nguồn ngân sách nhà nước từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án khác trên địa bàn có nội dung thực hiện phù hợp để hỗ trợ cho hộ nghèo cải thiện tiêu chí thu nhập và các dịch vụ xã hội cơ bản. Đối với dịch vụ xã hội về nhà ở, nước sạch - vệ sinh và thông tin, tổ chức vận động người dân liên hệ với Ngân hàng Chính sách xã hội để được vay vốn xây dựng, sửa chữa nhà ở, làm công trình vệ sinh, công trình nước sạch theo các chương trình cho vay hiện nay của Nhà nước. Cùng với đó, thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo, đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động và giải quyết nhu cầu vay vốn của hộ nghèo chính sách người có công để tạo việc làm và thu nhập.
Để đảm bảo nguồn kinh phí thực hiện các mục tiêu, các địa phương đã có nhiều giải pháp để tăng cường huy động xã hội hóa, lồng ghép các nguồn lực; phát huy phong trào “Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; thực hiện xã hội hóa các hoạt động hỗ trợ xóa nghèo thông qua cuộc vận động gây Quỹ vì người nghèo, các phong trào hỗ trợ hộ nghèo của hội, đoàn thể; khuyến khích và tạo điều kiện cho các hoạt động thiện nguyện, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh; chủ động tiếp cận các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp để vận động hỗ trợ cho các hộ nghèo...
Với những việc làm cụ thể, thiết thực, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã giảm được 205 hộ nghèo (đạt tỷ lệ 0,05%). Nhiều mô hình hiệu quả đã giúp đỡ các hộ nghèo phát triển kinh tế gia đình, từng bước vươn lên trong cuộc sống, thoát nghèo bền vững, quyết không để tái nghèo.
Ngọc Huyền - Đặng Dung
Liên kết website
Ý kiến ()