Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 19:20 (GMT +7)
Tìm hướng xây dựng một nền công nghiệp văn hóa có lợi nhuận
Thứ 7, 25/06/2022 | 07:39:30 [GMT +7] A A
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ VHTTDL đã tổng kết và hiện đang trình Chính phủ ban hành một chiến lược mới về công nghiệp văn hóa theo hướng có trọng tâm trọng điểm, trong đó phát huy tối đa những lợi thế của các ngành có tiềm năng đóng góp cho công nghiệp văn hóa chứ không phải khu trú lại.
Kinh nghiệm Hàn Quốc: Nền công nghiệp văn hóa có tiềm lực kinh tế
Trên thế giới, nhiều nền công nghiệp văn hóa đã trở thành nguồn thu lớn cho GDP, đơn cử như Hàn Quốc. Nền công nghiệp điện ảnh và công nghiệp âm nhạc giúp kinh tế Hàn Quốc tiến xa, và tạo sức hút lớn trên trường quốc tế.
Một nhóm nhạc Hàn Quốc có thể nộp thuế tương đương với một hãng sản xuất ôtô. Nhóm nhạc số 1 Hàn Quốc hiện là BTS. Theo kết quả của Viện nghiên cứu Hyundai (HRI), đóng góp của BTS vào GDP Hàn Quốc tương đương với hãng hàng không quốc gia Korean Air.
HRI từng dự đoán BTS mang lại giá trị 56.200 tỉ won trong 10 năm tới. Nhưng thực tế nhóm nhạc đã đạt mốc trên vào năm 2022. Con số này vượt qua giá trị kinh tế 41.600 tỉ won mà Thế vận hội mùa đông PyeongChang 2018 mang lại.
Nếu so sánh với các tập đoàn lớn, giá trị kinh tế mà BTS mang lại đang từng bước sánh ngang với Samsung, Hyundai, SK và LG - 4 tập đoàn hàng đầu chiếm một nửa doanh số bán hàng của 71 tập đoàn kinh doanh lớn tại Hàn Quốc.
Hay với những tác phẩm có sức vươn xa, lan tỏa khắp thế giới như “Gangnam Style”, PSY từng mang lại giá trị kinh tế 1.000 tỉ won, diễn viên Bae Yong Joon mang về 3.000 tỉ won (2,44 tỉ USD) với bộ phim gây bão khắp Châu Á - “Bản tình ca mùa đông”.
Khi nhiều nền công nghiệp văn hóa thế giới đã kiếm bộn tiền, tiềm lực kinh tế vững mạnh, nền văn hóa của chúng ta mới đang ở mức sơ khai.
Mới đây, trong cuộc trao đổi với truyền thông xung quanh chuyện có thể xây dựng một nền công nghiệp văn hóa có lợi nhuận, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng chia sẻ: “Khi bàn đến công nghiệp văn hóa, có thể nói rằng chúng ta tiếp cận không phải là muộn. Nhưng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, hiện tại công nghiệp văn hóa Việt Nam đang ở mức sơ khai. Mặc dù đã có chiến lược sớm, xác định được 12 ngành thuộc về công nghiệp văn hóa nhưng do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau, chúng ta vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn ở lĩnh sự này. Sự đóng góp của ngành công nghiệp văn hóa vào GDP cả nước chưa cao, chưa đạt được như chiến lược trước đề ra”.
Chiến lược để Văn hóa xứng tầm
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết: “Chúng ta phải học tập kinh nghiệm của các quốc gia đã thành công trên quan điểm những gì phù hợp thì cố gắng nghiên cứu để vận dụng vào Việt Nam, tất nhiên là không rập khuôn, máy móc. Ví dụ như Hàn Quốc, họ lấy công nghiệp điện ảnh làm mấu chốt trong phát triển kinh tế xã hội, hoặc một số quốc gia lại chọn nhạc cổ điển làm điểm nhấn của công nghiệp văn hóa.
Còn ở Việt Nam, chúng ta phải lựa chọn một số ngành tiềm năng và cố gắng để thúc đẩy, muốn như thế thì chúng ta phải luật hóa. Đó cũng là lý do mà tại Kỳ họp thứ 3 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Điện ảnh (sửa đổi). Bộ luật này không chỉ là công cụ để chúng ta quản lý nhà nước tốt hơn về điện ảnh mà tạo ra một không gian phát triển để công nghiệp văn hóa có điều kiện phát triển hơn.
Tới đây, chúng tôi cũng đề xuất để sửa đổi Nghị định về nghệ thuật biểu diễn. Ngoài ra, Bộ cũng sẽ phát huy yếu tố sáng tạo, vai trò của văn nghệ sỹ để chúng ta từng bước xây dựng nền công nghiệp điện ảnh hiện đại.
Hy vọng trong thời gian tới với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự hỗ trợ của các ngành, các cấp và sự đồng lòng của những người làm văn hóa, chắc chắn công nghiệp văn hóa sẽ đạt được những mục tiêu mà chúng tôi đang dự kiến trình cấp có thẩm quyền phê chuẩn”.
Theo đó, Bộ VHTTDL đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với 5 quan điểm lớn, 4 mục tiêu và 11 nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, những người làm văn hóa là những người tham mưu, điều phối giúp Đảng và Nhà nước kiểm soát, tổ chức thực hiện chiến lược này. Trong chiến lược đó Bộ VHTTDL cũng đề cập và phân kỳ đầu tư, lựa chọn những đề án có tính chất quan trọng, căn cơ để làm.
Những nguồn lực đầu tư khá cơ bản và giao cho nhiều bộ ngành tổ chức thực hiện. Như đề án về đào tạo đội ngũ trí thức hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, đào tạo đội ngũ trí thức trong lĩnh vực thể thao và nguồn nhân lực có chất lượng cao ngành du lịch; Đề án đầu tư tôn tạo các di tích, di sản văn hóa theo hướng có trọng tâm trọng điểm; Đề án về vấn đề hoàn thiện thiết chế văn hóa theo các cấp độ, thiết chế văn hóa cấp quốc gia, thiết chế văn hóa cấp tỉnh.
“Tôi rất mừng là sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước đã đồng ý giao cho Bộ VHTTDL xây dựng một chương trình tổng thể về chấn hưng phát triển văn hóa Việt Nam. Đây là sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước ta, khắc phục sự hụt hẫng sau khi chúng ta kết thúc chương trình mục tiêu của nhiệm kỳ trước. Đó là cơ sở để chúng ta có điều kiện đầu tư có tính chất lâu dài cho văn hóa” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()