Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 04:20 (GMT +7)
Tín hiệu khả quan sau thử nghiệm tiêm 3.000 liều vắc-xin tả lợn châu Phi
Thứ 7, 24/08/2024 | 09:10:41 [GMT +7] A A
Từ đầu năm đến nay, dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Tại tỉnh Quảng Ninh đã có 9/13 địa phương xảy ra bệnh dịch với hơn 3.690 con lợn buộc phải tiêu hủy. Trước tình hình trên, cùng với các giải pháp được thực hiện để kiểm soát, ngăn ngừa lây lan, Sở NN&PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai tiêm phòng thử nghiệm 3.000 liều vắc-xin dịch tả lợn châu Phi tại một số địa phương trong tỉnh để đánh giá hiệu quả bảo hộ của vắc-xin, từ đó triển khai tiêm phòng trên diện rộng.
Là địa phương đầu tiên được tỉnh lựa chọn tiêm thử nghiệm vắc-xin tả lợn châu Phi, TP Móng Cái đã lựa chọn triển khai tiêm đợt I tại 2 xã Hải Xuân và Hải Tiến. Đây cũng là 2 xã có tổng đàn lợn nhiều nhất và cũng là 1 trong 4 địa phương đã xảy ra dịch tả lợn châu Phi từ đầu năm đến nay. Tại 2 xã này, TP Móng Cái đã tiến hành triển khai đồng loạt tiêm phòng thử nghiệm tại các thôn, khu chưa xảy ra dịch bệnh.
Anh Hoàng Văn Bình, thôn 6, xã Hải Xuân (TP Móng Cái), cho biết: Gia đình tôi chăn nuôi lợn đến nay được 10 năm và tôi cũng rất chú trọng đến công tác phòng dịch. Vừa rồi, xã thông báo có đợt tiêm thử nghiệm vắc-xin tả lợn châu Phi, tôi đã đăng ký và được thú y xuống tiêm cho đàn lợn 110 con của gia đình. Bệnh tả lợn châu Phi rất phức tạp, nếu tiêm vắc-xin này hiệu quả thì những năm tới, tôi sẽ chủ động mua để tiêm phòng cho đàn lợn của gia đình.
Từ đầu năm đến nay, TP Móng Cái đã có 4 xã là Vĩnh Thực, Vĩnh Trung, Hải Tiến và Hải Xuân xảy ra dịch tả lợn châu Phi với gần 1.000 con bị bệnh buộc phải tiêu hủy theo quy định, tương đương với 65 tấn lợn thịt. Do đó, thành phố được tỉnh lựa chọn để triển khai tiêm phòng thử nghiệm, qua đó sẽ đánh giá mức độ bảo hộ của vắc-xin, hạn chế nguy cơ phát sinh, lây lan dịch bệnh. Đến nay, sau 2 đợt tổ chức tiêm phòng, trong đó đợt I từ 29 đến 31/7 và đợt II vào ngày 5/8, TP Móng Cái đã hoàn thành công tác tiêm phòng cho 2.393 con lợn của 181 hộ dân ở các xã Hải Xuân, Hải Tiến, Hải Đông và phường Hải Yên.
Bà Nguyễn Thị Hải, Phó Trưởng phòng Kinh tế TP Móng Cái, cho biết: Cùng với sự hỗ trợ của cán bộ chuyên môn Chi cục Chăn nuôi & Thú y tỉnh, thành phố cũng cử cán bộ thú y các xã, phường giám sát chặt chẽ và theo dõi đối với toàn bộ đàn lợn sau khi tổ chức tiêm phòng xong tại 4 xã, phường trên địa bàn và kịp thời triển khai ngay các biện pháp chuyên môn. Đến nay, đàn lợn sau thời gian 25 ngày tiêm phòng đợt I tại 2 xã Hải Xuân, Hải Tiến và 19 ngày tiêm phòng đợt II tại xã Hải Đông và phường Hải Yên vẫn duy trì ổn định. Duy nhất chỉ có 4 con lợn ở xã Hải Xuân sau khi tiêm 1 tuần có hiện tượng bỏ ăn và chết sau đó. Qua giám sát theo dõi sau đợt tiêm thử nghiệm này, chúng tôi thấy việc lựa chọn đàn lợn khỏe mạnh tiêm phòng là rất quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh việc tiêm phòng thì các hộ chăn nuôi phải có chuồng trại kiên cố, thực hiện quy trình chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học và khâu giám sát thường xuyên để kịp thời phát hiện những phát sinh trong quá trình tiêm và theo dõi sau tiêm để có biện pháp hỗ trợ kịp thời.
Việc triển khai tiêm thử nghiệm vắc-xin tả lợn châu Phi nhằm đánh giá hiệu quả của kháng thể đối với vật nuôi nhằm bảo vệ thành quả sản xuất. Trước đó, vào năm 2023, Bộ NN&PTNT công bố cho lưu hành thương mại 2 loại vắc-xin tả lợn châu Phi gồm AVAC ASF LIVE và NAVET – ASFVAC trong bối cảnh sau hơn 100 năm qua chưa có vắc-xin thương mại trong phòng chống dịch tả lợn châu Phi được cấp phép trên thế giới. Đây đều là sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước nghiên cứu, sản xuất.
Vắc-xin dịch tả lợn châu Phi được tỉnh Quảng Ninh sử dụng tiêm phòng thử nghiệm cho đàn lợn là AVAC ASF LIVE của Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam nghiên cứu, sản xuất. Toàn bộ 3.000 liều vắc-xin tiêm thử nghiệm được Công ty hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi không thu tiền để tiêm cho đàn lợn thịt khỏe mạnh từ 4 tuần tuổi cho đến 3 tháng tuổi. Đối với lợn nái đang mang thai, đang nuôi con, đực giống và lợn có thể trạng yếu sẽ không tiến hành tiêm. Quá trình thực hiện tiêm phòng xong 3.000 liều vắc-xin tả lợn châu Phi tại 6 xã, phường thuộc 2 địa phương là TP Móng Cái và TP Hạ Long, Sở NN& PTNT cử cán bộ kỹ thuật giám sát, hỗ trợ địa phương và hộ dân theo dõi đàn lợn để có biện pháp xử lý kịp thời những phát sinh.
Bà Chu Thị Thu Thủy, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi & Thú y Quảng Ninh, cho biết: Trên thực tế, qua kết quả giám sát của Chi cục, tỷ lệ lưu hành vi rút tả lợn châu Phi trong môi trường chiếm khoảng 3%, khi gặp điều kiện thời tiết thuận lợi sẽ bùng phát thành dịch trên đàn lợn. Đối với những đàn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi, tỷ lệ chết có thể lên tới 100%. Về góc độ chuyên môn, chúng tôi đánh giá, đây là loại bệnh dịch nguy hiểm và phức tạp. Vì vậy, sau khi tiến hành tiêm xong vắc-xin tả lợn châu Phi tại một số địa phương trong tỉnh, sau 28 ngày chúng tôi sẽ lấy mẫu để đánh giá hiệu quả bảo vệ của kháng thể vắc-xin. Kết quả này, là căn cứ rất quan trọng để đánh giá hiệu quả. Trên cơ sở đó, Chi cục sẽ tham mưu cho Sở NN&PTNT tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các bước tiếp theo để triển khai tiêm trên diện rộng trong thời gian tới, nhằm gia tăng bảo hộ cho vật nuôi, góp phần phát triển sản xuất ổn định.
Hải Hà
Liên kết website
Ý kiến ()