Kể từ khi chính thức được triển khai vào tháng 9/2024, người dùng Android đã có thể tương tác với các tin nhắn cùng người dùng iOS. Tuy nhiên việc trao đổi khi đó vẫn được đánh giá là chưa thực sự hoàn thiện. Ví dụ khi thể hiện cảm xúc cho tin nhắn, phần biểu cảm này sẽ hiển thị dưới dạng văn bản. Với một tin được "thả tim", chúng sẽ hiển thị kèm thông báo "biểu tượng trái tim" cùng nội dung tin nhắn.
Mới đây, một số người dùng cho biết việc hiển thị này đã được cải thiện. Khi nhắn tin giữa Android và iOS, ứng dụng đã hiển thị dạng biểu tượng bên cạnh tin nhắn, giống như một phản hồi của những người dùng chung nền tảng.
Theo TheVerge, tính năng này hoạt động tốt khi gửi tin nhắn giữa người dùng iPhone chạy iOS 18.1 đến các điện thoại Android khác nhau. Tuy nhiên, trang này cũng cho rằng chưa thể biết những thay đổi này đến từ phía Apple hay Google.
RCS (Rich Communication Services) là một giao thức nhắn tin cho người dùng Android, mang đến nhiều tính năng nâng cấp so với SMS truyền thống. Giao thức này cho phép người dùng có thể gửi các tin nhắn đa phương tiện khác như gửi hình ảnh chất lượng cao, gọi video, chia sẻ vị trí trực tiếp. Điều này giúp thu hẹp khoảng cách giữa những người dùng Android với nền tảng khác.
Khi RCS lần đầu tiên được tích hợp vào iOS 18 tháng 09/2024, người dùng iPhone chưa thể xem được các phản hồi tin nhắn từ điện thoại Android một cách chính xác. Ngược lại, người dùng Android có thể nhìn thấy phản hồi từ người dùng iPhone.
Apple cũng nhiều lần từ chối áp dụng tiêu chuẩn nhắn tin RCS từ phía Google trước khi phải tuân thủ theo yêu cầu từ những thị trường như Trung Quốc và châu Âu. Trong ứng dụng Messages, công ty này hiện hỗ trợ chuẩn RCS cơ bản được gọi là RCS Universal Profile. Tính năng thả biểu tượng cảm xúc là một phần của RCS phiên bản 2.7.
Theo TheVerge, phiên bản này còn bao gồm khả năng chỉnh sửa tin nhắn đã gửi. Tuy nhiên chưa thể thực hiện trên các máy iOS. "Apple có thể sẽ giữ lại nhiều tính năng độc quyền nhất có thể cho dịch vụ iMessage bong bóng xanh của mình, ít nhất là đến khi bị buộc phải thay đổi", trang này nhận xét.
Ý kiến ()