Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 16/01/2025 13:58 (GMT +7)
Tình tứ những câu hát giao duyên...
Thứ 6, 02/09/2011 | 06:31:02 [GMT +7] A A
Hát giao duyên là nét đẹp văn hoá truyền thống có những nét riêng độc đáo của người dân chài vùng biển Quảng Ninh, chứa đựng một kho tàng khổng lồ về ca dao, dân ca, phong tục tập quán và lễ hội. Nét đặc sắc nhất của hát giao duyên là ý nghĩa lời ca, phản ánh tâm tư, tình cảm, đời sống người dân làng chài xưa trên Vịnh Hạ Long...
Mỗi gia đình ngư dân xưa thường sống trên một con thuyền nan lênh đênh chồng mũi, vợ lái. Họ hát để giao lưu, để giải toả, để kết bạn, để nên vợ, nên chồng. Đây là cái gốc để nảy sinh nhu cầu hát giao duyên của ngư dân dưới các hình thức như hát đúm, hò biển, hát đám cưới. Hát đúm xưa kia nổi tiếng nhất ở vùng đảo Hà Nam (Yên Hưng). Vào dịp đầu xuân nhất là dịp lễ hội miếu Tiên Công, hội bơi chải đình Phong Cốc, trai gái bên Thuỷ Nguyên (Hải Phòng) thường chèo thuyền sang Hà Nam hát đúm và ngược lại trai, gái Hà Nam cũng qua sông đua tài. Nam và nữ hoặc tốp nam và tốp nữ thường hát đối đáp với nhau ở trên bờ trong các dịp hội hè, song đôi khi cũng diễn ra trên biển giữa các thuyền bên nam và bên nữ khi họ đi hái củi hoặc đánh hà, bắt ngán với các trình tự như hát chào, hát tìm, hát hỏi, hát gặp. Các trình tự này thể hiện văn hoá riêng của ngư dân sống trên biển. Người con trai muốn hát với người con gái thì không đường đột hát ngay mà có câu hát chào với chủ thuyền, cha mẹ hoặc người lớn tuổi. Điệu hát đi tìm thường nói lên tình cảm thiết tha muốn gặp người con gái, đồng thời khoe mình biết rất nhiều tên làng xóm, quê hương. Hát hỏi vẫn là cách thử tài, thử sức. Trong hát hỏi có nhiều bài hát đố, hát giảng, thường bên nữ hỏi bên nam trả lời mà đôi khi người con gái hỏi những câu khá hóc búa, người con trai phải rất linh hoạt để trả lời. Sau khi thử tài thử sức, ướm hỏi bên trai bên gái đã quen nhau, gần nhau hơn, có những đôi nam nữ sau nhiều đêm hát đã trở thành đôi bạn tình. Và hát gặp thường là những lời hát giao duyên đằm thắm, riêng tư.
Hát giao duyên - nét văn hóa đặc sắc của người dân chài trên Vịnh Hạ Long. Ảnh: Nguyễn Trung Hà (CTV) |
Thường cuối các hội hát giao duyên, bên nam và bên nữ thi nhau các bài hát họa, nội dung các bài kể về một chủ đề là hiện tượng tự nhiên như họa sao, họa mưa, họa nắng hay chủ đề về rừng, cây, hoa, lá, chim, cá hoặc kể tên các địa danh... Người hát phải kể được càng nhiều càng hay và phải gieo vần theo thể thơ lục bát cho đúng luật và hợp lý. Ngoài yếu tố trên, mỗi bài người hát thường gửi gắm ý tứ tình cảm nam nữ. Trong đó, có rất nhiều bài họa hoa, họa cá, chim, nhất là những bài họa cá cho ta thấy người dân chài thông hiểu về cá thế nào, ngoài ra còn phản ánh rằng những người dân chài sống ở khu vực Hạ Long, Vân Đồn có nguồn gốc từ đồng bằng châu thổ sông Hồng. Bởi lẽ, mở đầu những bài họa về cá bao giờ cũng là những giống cá nước ngọt như cá mè, cá trê, cá ngạnh, cá gáy, cá diếc... rồi mới đến các loại cá nước mặn như cá thiều, cá đé, cá chim, cá bống, cá ngừ, cá song, cá thu v.v... Các địa danh của vùng biển Quảng Ninh thường được nhắc đến cùng với các loại cá như sông Rừng, Cửa Lục, đảo Vân, Vạn Hoa... Trong các bài hoạ về cá, giống cá không chỉ kể tên và ghép vần mà được mô tả với những nét rất đặc trưng và sinh động.
Cái hay của hát đúm chủ yếu được thể hiện trong ý tứ của lời ca, đó chính là những bài ca dao thể thơ sáu tám, chủ đề về tình yêu nam nữ, sự ứng biến nhanh nhạy để có thể đối đáp, để họa. Tuy nhiên, người hát cũng phải thuộc không nhiều thì ít các bài bản có sẵn và luật chơi. Trong khi hát có thể sáng tạo thêm những ca khúc mới. Nếu bên nào hát thua sẽ bị bên thắng lột khăn hoặc giữ chặt lấy tay không cho đi, đến khi hát giảng được thì thôi.
Ngược lại, hò biển không phải là điệu hò trong lao động mà là điệu hò khi nghỉ ngơi, chờ đợi. Những đêm thanh vắng, chèo thuyền một mình trên vịnh, quãng đường dài... người dân chài buông những lời hò tự sự, vừa là đánh tiếng vừa cho đỡ buồn, đỡ đơn độc. Rồi khi đợi nước lên, khi chờ trăng lặn, khi thả lưới, buông câu... thuyền này hát gọi, thuyền kia đáp lời. Tiếng hò vang vọng, ngân dài ẩn dấu lời tỏ tình bóng bẩy. Dẫu chẳng nên duyên vợ chồng cũng giãi bày cho khỏi phụ lòng nhau. Nhiều đôi hát hết đêm này sang đêm khác suốt một tuần trăng mới thật ngã lòng. Chính vì vậy, hát giao duyên trên biển là những khúc hát say đắm nhất.
Xưa kia, dân chài không có làng xóm trên bờ, các con thuyền nhỏ bé lênh đênh chỉ quen nhau, thân thiết với nhau qua giọng hò, câu hát. Phần lớn trai gái dân chài nên vợ, nên chồng từ tiếng hát. Hò biển trở thành phương tiện giao lưu, thành nhu cầu tình cảm nên có lời ca hết sức phong phú, đủ các cung bậc của tình yêu, có kín đáo duyên dáng lại có mê đắm suồng sã, có chân tình thuỷ chung lại có cả ghen tuông, giận hờn, có khép nép nhún nhường lại có cả sự chua ngoa...
Hát đám cưới tập trung hầu hết các điệu hát giao duyên vùng biển, có hát dạo và hát mở ngõ (ngõ khách, ngõ treo, ngõ hoa). Trong các khúc hát mở ngõ có rất nhiều bài đối đáp. Sau khi hát đối đáp, nếu nhà trai thắng sẽ được mở từng ngõ, nếu không thắng được nhà gái thì nhà gái cũng sẽ tự mở ngõ nhưng nhà trai phải đưa tiền phong bao. Trong hát ngõ hoa thường có hát đố giảng hỏi về các loài hoa, hỏi về cá, hỏi nhà cửa, họ hàng... Có rất nhiều câu đố và bài giảng hay cũng như các bài họa về chim, cá, mây, sao. Cuộc hát trước khi mở ngõ hoa, ngõ cuối cùng để vào đón dâu diễn ra rất lâu. Đây là cái cớ để mọi người có thể vui chơi hò hát, thi thố tài năng. Cuộc hát có thể kéo dài thâu đêm suốt sáng, thậm chí kéo dài mấy ngày...
Ngọc Mai
Liên kết website
Ý kiến ()