Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 06/11/2024 01:24 (GMT +7)
Tổ công nghệ số cộng đồng: Đóng góp tích cực vào công tác chuyển đổi số
Thứ 2, 20/02/2023 | 10:52:34 [GMT +7] A A
Nhằm góp phần triển khai hiệu quả thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, Quảng Ninh đã thành lập mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng. Sau một thời gian đi vào hoạt động, mô hình đã mang lại kết quả tích cực, góp phần vào công tác chuyển đổi số diễn ra sâu rộng và hiệu quả trên địa bàn tỉnh.
Xác định để hình thành xã hội số, công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức chính là “chìa khóa” cho việc đưa dịch vụ công trực tuyến và kỹ năng số đến với người dân, Quảng Ninh đã sáng tạo, đột phá và đi trước một bước trong việc thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng. Sau gần 1 năm triển khai mô hình, đến nay toàn tỉnh đã có 1.473 tổ công nghệ số cộng đồng tại 177/177 xã, phường, thị trấn, 1.452/1.452 thôn, bản, khu phố, với sự tham gia của 11.255 thành viên, trong đó nòng cốt chính là các CBCC cơ sở, lực lượng ĐVTN có kỹ năng số cơ bản.
Trước đây, công việc thường ngày của ông Lưu Xuân Thủy, Tổ trưởng Tổ công nghệ số khu phố 3 (phường Ka Long, TP Móng Cái) là phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh tới người dân trong khu phố, tiếp nhận phản ánh và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho bà con, thì nay ông có thêm một nhiệm vụ nữa là tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong công tác chuyển đổi số.
Ông Thủy cho biết: Bằng cách "đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người dân", sau một thời gian tuyên truyền, các hộ dân đã hiểu được ý nghĩa và tầm quan trọng của việc chuyển đổi số. Đến nay, hơn 70% người dân trong khu đã đăng ký tài khoản định danh điện tử và giao dịch trực tuyến qua điện thoại thông minh.
“Trước đây tôi chỉ dùng điện thoại để nghe, gọi, nhắn tin và truy cập mạng xã hội, vừa qua được các thành viên tổ công nghệ số cộng đồng hướng dẫn về các tiện ích từ công tác chuyển đổi số, tôi có thể dùng điện thoại để nộp hồ sơ trực tuyến mà không phải lên trung tâm hành chính công” - chị Nguyễn Thị Cúc (khu phố 1A, phường Cao Thắng, TP Hạ Long) chia sẻ.
Để công tác chuyển đổi số đạt hiệu quả, thời gian qua Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức nhiều buổi tập huấn bồi dưỡng cho 11.255 thành viên tổ công nghệ số cộng đồng về các chủ trương, chính sách, pháp luật đối với chuyển đổi số; giới thiệu ngắn gọn về Cổng dịch vụ công tỉnh và Cổng dịch vụ công quốc gia, hướng dẫn người dân truy cập, thực hiện giao dịch thủ tục hành chính trực tuyến mức độ 4; hướng dẫn sử dụng trang zalo Chuyển đổi số tỉnh Quảng Ninh, cài đặt, sử dụng nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số để kịp thời tiếp nhận, nắm bắt, cập nhật các chủ trương, thông tin về hoạt động chuyển đổi số của địa phương, của tỉnh và quốc gia.
Cùng với đó, tỉnh đã xây dựng tài liệu với 65/65 video và infographic đăng tải trên các nền tảng truyền thông của tỉnh và các cơ quan, đơn vị để thành viên tổ công nghệ số cộng đồng và người dân có thể tiếp cận, nghiên cứu, tìm hiểu nhanh chóng, thuận tiện, mọi lúc, mọi nơi.
Nhờ nắm vững kiến thức, kỹ năng, các thành viên tổ công nghệ số cộng đồng đã trực tiếp tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân, do đó công tác chuyển đổi số của tỉnh năm 2022 đạt được những kết quả đáng ghi nhận: Cổng dịch vụ công của tỉnh có tổng số 459.326 hồ sơ tiếp nhận và giải quyết trực tuyến, đạt tỷ lệ 75,4%. Đã cấp CCCD gắn chip cho hơn 95% người dân trên địa bàn, thu nhận hơn 330.000 tài khoản định danh điện tử mức độ 2 để tích hợp các giấy tờ cá nhân của công dân vào ứng dụng VNeID. Tỷ lệ dân số trưởng thành sử dụng thiết bị di động thông minh là 88%. Trên 86% doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình thanh toán tiền điện và nước không dùng tiền mặt...
Phải khẳng định việc thành lập và đưa vào hoạt động các tổ công nghệ số cộng đồng bước đầu đã mang lại những tín hiệu tích cực, góp phần đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Đây chính là cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số từ tỉnh đến cơ sở, là cầu nối giữa chính quyền với người dân, giúp việc thông tin, tuyên truyền về công tác chuyển đổi số đến với nhân dân nhanh chóng, hiệu quả.
Ngọc Trâm
Liên kết website
Ý kiến ()