Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 20:15 (GMT +7)
Tố quán ăn chặt chém: “Bóc phốt” sai - cần phạt nặng
Thứ 2, 02/05/2022 | 22:28:15 [GMT +7] A A
Nhiều khách du lịch khi phải nhận hoá đơn cao bất thường thường sử dụng mạng xã hội để “bóc phốt” nhà hàng để tố cáo tình trạng chặt chém. Tuy nhiên, nếu phản ánh không đúng thì người tố cáo sai sự thật có thể sẽ bị phạt rất nặng.
Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện bài đăng tố quán hải sản Cô Sương ở Khánh Hoà “chặt chém” với hóa đơn tính tiền 42,5 triệu đồng cho nhiều món hải sản tươi sống gồm 5,8kg tôm hùm thiên nhiên có giá 2,5 triệu đồng/kg; 6,2kg mực lá có giá 850.000 đồng/kg; 8,8kg cá bò da với giá 980.000 đồng/kg; 6,1kg ốc biển giá 620.000 đồng/kg; 4,8kg ốc giác với giá 1,3 triệu đồng/kg; 6kg ốc Côn Đảo với giá 480.000 đồng/kg cùng một số mặt hàng khác.
Tuy nhiên qua kiểm tra, cơ quan chức năng xác định trước khi chọn món ăn và chế biến đều được nhân viên nhà hàng tư vấn kỹ, thỏa thuận và khách đồng ý giá trước khi chế biến.
Việc chọn món ăn và thỏa thuận giá là một người khác, khi tính tiền là một người khác. Người tung tin lên mạng xã hội là em gái của người tính tiền.
Đoàn kiểm tra đối chiếu đơn giá trên hóa đơn bán lẻ phù hợp với giá niêm yết tại cơ sở. Đối chiếu giá mua vào, bán ra của các mặt hàng tại cơ sở, đoàn kiểm tra chưa phát hiện cơ sở bán hàng tăng giá bất hợp lý.
Nghĩa là phản ánh “chặt chém” trên mạng xã hội là sai sự thật. Tuy nhiên, thiệt hại thuộc về chủ nhà hàng bởi uy tín, danh tiếng bị ảnh hưởng.
Nếu quán ăn thực sự chặt chém sẽ bị xử lý. Thế nhưng, người “bóc phốt” sai thường ít khi bị phạt.
Theo quy định, việc cố tình “bóc phốt” không đúng là hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật trên mạng xã hội.
Theo Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử (được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Nghị định số 14/2022/NĐ-CP ngày 27/01/2022) quy định “phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự”.
Như vậy, không chỉ người đưa nội dung tố cáo sai lên mạng xã hội bị xử lý mà người chia sẻ thông tin này cũng sẽ bị xử lý. Ngoài ra, chủ quán ăn hoàn toàn có thể tố cáo ngược lại hành vi của khách hàng. Đây cũng là việc cần làm để tránh lợi dụng mạng xã hội để hạn chế tình trạng đưa thông tin sai sự thật ảnh hưởng đến người khác.
Theo Laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()