Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 21:22 (GMT +7)
Tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU gắn với xây dựng nông thôn mới
Thứ 2, 09/05/2022 | 14:17:40 [GMT +7] A A
Ngày 9/5, Ban Dân vận Tỉnh ủy tổ chức hội nghị tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gắn với xây dựng nông thôn mới. Đồng chí Nguyễn Văn Hồi, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đồng chí Phạm Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Ngày 17/5/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết 06-NQ/TU về phát triển bền vững KT-XH gắn với đảm bảo vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Sau một năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU gắn với xây dựng nông thôn mới đã đạt được những kết quả tích cực.
Ngoài việc hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững, tỉnh đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách về y tế, giáo dục, nhất là phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trọng tâm là đào tạo nghề cho lao động trẻ để chuyển đổi cơ cấu lao động, cơ cấu nông thôn gắn với tạo việc làm, tăng thu nhập. Trong năm 2021, toàn tỉnh đã tổ chức 54 lớp đào tạo trình độ sơ cấp cho trên 1.400 lao động; mở lớp bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý nhà nước cho hơn 1.500 lượt công chức viên chức là người DTTS góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Ngoài nguồn vốn dự toán ngân sách 200 tỷ đồng cho chương trình tổng thể năm 2021, tỉnh cũng ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Quảng Ninh để cho vay vốn, tạo việc làm tại các xã, thôn mới ra khỏi diện đặc biệt khó khăn. Đến nay, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã giải ngân 100% vốn vay, giải quyết việc làm cho khoảng 586 hộ. Mỗi hộ được vay tối đa 100 triệu đồng để tạo việc làm, phát triển sản xuất, thúc đẩy kinh tế.
Tại hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ các kinh nghiệm trong việc thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU gắn với xây dựng nông thôn mới như: Việc thành lập tổ công tác tuyên truyền, vận động các hộ gia đình, cá nhân đăng ký thực hiện trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa tại Ba Chẽ; đầu tư phân bổ nguồn lực, xây dựng hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội tại các xã vùng sâu, vùng xa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, kết nối tiêu thụ nông sản trên địa bàn TP Hạ Long; thành lập các mô hình, chương trình xây dựng nông thôn mới ở các xã, bản miền núi, biên giới để người dân dễ dàng tiếp cận thực hiện tại TP Móng Cái; đôn đốc triển khai hạ tầng viễn thông tại các xã vùng sâu, vùng xa, hải đảo, biên giới do Sở Thông tin - Truyền thông chủ trì.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phạm Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU gắn với xây dựng nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của UBND tỉnh năm 2022. Trong đó đặt mục tiêu các địa phương Hạ Long, Vân Đồn, Bình Liêu, Ba Chẽ sẽ hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới trong năm. Ngoài ra các địa phương cũng cần hoàn thiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, đặc biệt lưu tâm đến các tiêu chí nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, xây dựng phong trào, làm tốt công tác dân vận, phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Hồi, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, nhấn mạnh: Để thực hiện hiệu quả, thành công Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, đề nghị cấp ủy, chính quyền các địa phương, sở, ngành phải tiếp tục phấn đấu, nỗ lực thực hiện các tiêu chí, mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong Nghị quyết gắn với các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phân công, phân cấp, xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu. Đối với những địa phương phấn đấu về đích nông thôn mới năm 2022 phải có sự tập trung, quyết liệt hơn, có lộ trình thực hiện chi tiết, phù hợp, đảm bảo hoàn thành các nội dung, giải pháp, mục tiêu và các tiêu chí. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tiếp tục tuyên truyền sâu rộng về chủ trương, chính sách, các nội dung, tiến độ triển khai thực hiện chương trình nông thôn mới.
Việt Hưng
Liên kết website
Ý kiến ()