Tòa phúc thẩm cho rằng việc 3 tử tù thay đổi lời khai, phủ nhận mua bán ma túy với Trần Thị Hiền là không có căn cứ, nên bác kháng cáo kêu oan của mẹ "nữ sinh giao gà".
Sau một ngày xét xử và nghị án, TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên giữ nguyên tội danh và mức phạt 20 năm tù với bị cáo Trần Thị Hiền về tộiMua bán trái phép chất ma túy. Bà Hiền là mẹ của nạn nhân vụ án "nữ sinh giao gà", bị sát hạiđêm 30 Tết năm 2019.
Các tử tù liên quan vụ án giết hại nữ sinh bị triệu tập, dù không kháng cáo, gồm: Vì Văn Toán, Lường Văn Hùng và Bùi Văn Công. Liên quan vụ án mua bán ma túy, vợ Toán, bị án Vì Thị Thu (án chung thân) cũng được triệu tập để đối chất.
Theo HĐXX, hôm nay 4 người này đều thay đổi lời khai, nói bị ép cung, mớm cung, dùng nhục hình, song tại phiên sơ thẩm vụ án giết người và cả vụ án này họ đều khai về động cơ khống chế nữ sinh và "tự nguyện khai về hành vi mua bán ma túy".
Theo tòa, khi bị bắt trong vụ án giết nữ sinh, Công ban đầu làm đơn tố cáo việc mua 4 viên hồng phiến với bị cáo Thu, rồi khai ra việc mua hai bánh heroin của Thu để bán lại cho bà Hiền.
"Cũng từ lời khai ban đầu, Công và Hùng đều khai giết nữ sinh sau khi bàn bạc. Họ thống nhất bắt cóc bà Hiền để đòi nợ nhưng bà là người nắm kinh tế nên chuyển sang bắt cóc con gái", HĐXX nêu và cho rằng các lời khai này khách quan, được cấp sơ thẩm ghi nhận. Việc các bị cáo thay đổi tại phiên sơ thẩm năm 2022 và hôm nay là "không có căn cứ, không có tài liệu chứng cứ mới".
Tòa phúc thẩm do đó bác kháng cáo của bị cáo Hiền. Bản án phúc thẩm có hiệu lực ngay.
Nghe phán quyết này, bà Hiền tiếp tục khóc nấc, nói: "Tôi bị oan".
VKS: Chứng cứ buộc tội không nhất quán
Trước đó, trong phần luận tội, VKS kiến nghị tòa phúc thẩm chấp nhận kháng cáo kêu oan của bị cáo Hiền; đề nghị tòa tuyên trả hồ sơ để điều tra lại do các chứng cứ buộc tội không nhất quán, chưa rõ ràng chính xác, nhiều vấn đề mâu thuẫn không được tòa sơ thẩm giải quyết thỏa đáng.
Theo VKS, vụ án mua bán ma túy của bà Hiền là vụ án truy xét: Bằng chứng buộc tội bị cáo Hiền, chủ yếu được dựa vào lời khai của các bị cáo khác, gồm Công, Hùng, vợ chồng Toán - Thu và một số tài liệu về nhận dạng. Sơ đồ hiện trường, các tài liệu khác được dựng lại sau hai năm.
Với vợ chồng Toán, kiểm sát viên đánh giá, tại phiên sơ thẩm, họ chỉ khai có việc mua bán ma túy với Hùng và Công. Việc kết tội hai người này là có căn cứ, "nhưng việc kết tội này có được dùng làm cơ sở buộc tội gián tiếp với bà Hiền trong vụ án này không, thì lại khác", kiểm sát viên nêu.
Tại tòa, Thu khai không quen biết, trao đổi mua bán gì với bà Hiền. Điều này cũng thể hiện trên danh sách cuộc gọi điện thoại. "Không bị cáo nào nhận có quen biết với Hiền, không điện thoại nào có lịch sử liên hệ trao đổi với bà Hiền trong quãng thời gian bị cáo buộc xảy ra vụ mua bán mua túy. Điều này thể hiện rằng giữa các bị cáo không có trao đổi liên hệ gì, ít nhất là trên điện thoại", đại diện VKS nêu quan điểm.
Với khoản 30 triệu đồng bị quy kết bà Hiền nợ Công, bản án sơ thẩm cho rằng đây là căn nguyên dẫn đến vụ án bắt cóc, hiếp dâm, giết người; là động cơ, mục đích để thực hiện hành vi với con gái bà Hiền. Tuy nhiên theo VKS, không có chứng cứ vật chất nào thể hiện các bị cáo có quan hệ với nhau hay vay nợ.
Ngoài ra, bản án cấp sơ thẩm có mâu thuẫn khi con gái cả của bà Hiền khai gọi điện thoại cho em gái nhưng chỉ nghe tiếng ù ù, không có tiếng người. Nhưng tại tòa sơ thẩm, Toán lại khai chủ động lấy điện thoại của nạn nhân gọi: "Tao Toán đây, đưa máy cho con Hiền trả tiền tao đây không con này sẽ chết".
"Lời khai đôi bên mâu thuẫn nhưng cấp sơ thẩm không làm rõ", kiểm sát viên đánh giá.
Chị Loan, con gái cả của bà Hiền, cũng khai ngay sau đó đã nói với bố mẹ để đi trình báo công an. Theo VKS, với một người mẹ, nếu biết con gái đang bị Toán bắt cóc đến hơn hai tiếng mà lại không nói với cơ quan điều tra thì "hoàn toàn không có cơ sở, rất vô lý". Chính vì vậy, đáng lẽ tòa sơ thẩm phải bác ngay lời khai này của Toán do không phù hợp thực tế, không có cơ sở và bằng chứng chứng thực.
"Ở đây phải nói là rất đau xót khi có phần lỗi của cơ quan điều tra. Lúc hơn 20h, khi nhận trình báo mà vào cuộc có lẽ cột sóng điện thoại của nạn nhân được xác định vị trí và hậu quả vụ án không quá lớn như ngày hôm nay", VKS nêu.
Với hai lời chứng trực tiếp buộc tội bà Hiền của Công và Hùng, VKS cho rằng hai người đều nghiện ma túy lâu năm, tâm lý bị ảnh hưởng mà khai "không khác nhau tý nào, nhớ các sự việc cách đó hai năm mà còn nhớ giống khớp nhau đến từng câu từng chữ, từng chi tiết dấu chấm phẩy". Kiểm sát viên cho rằng "có cơ sở" xem xét lại việc hai người này nói "bị ép cung, mớm cung".
Theo VKS, những lời khai của họ để buộc tội bà Hiền không thể coi là khách quan, vì đây là thủ phạm giết con gái bà Hiền. Hơn nữa, nếu tòa sơ thẩm cho rằng họ bắt cóc nữ sinh để đòi tiền nợ "thì bao giờ cái sinh mạng con tin cũng là quan trọng nhất để lấy được tiền chứ làm gì có chuyện giết khi chưa lấy được tiền".
Từ tất cả luận điểm trên, VKS đánh giá, án sơ thẩm tuyên "chưa phù hợp".
Luật sư: Hai bị cáo khai giống nhau đến từng dấu phẩy
Đồng quan điểm với VKS, bào chữa cho bà Hiền, luật sư Giang Hồng Thanh cho rằng tòa sơ thẩm căn cứ lời khai của Công, Hùng là chưa khách quan, không thể coi là bằng chứng buộc tội bà Hiền.
"Sử dụng lời khai của hai người đang có xung đột nghiêm trọng về quyền lợi đối với bà Hiền làm chứng cứ buộc tội thì có thể được coi là đáp ứng thuộc tính khách quan hay không? Công, Hùng bị bà Hiền căm thù đến xương tủy trong vụ án hãm hại con mình nay lại được hỏi để chống lại bà thì có phù hợp hay không?", luật sư đặt vấn đề.
Ngoài ra, theo luật sư, nếu chấp nhận đây là bằng chứng thì chính nó lại liên tục mâu thuẫn nhau. Công ban đầu khai bà Hiền đến mua gà của mình rồi tiện hỏi mua ma túy; lúc lại khai bán thóc, rồi nói không buôn bán gì, chỉ làm mộc. Việc Công và Hùng nhớ được bà Hiền "mặc áo gì, đeo dây chuyên vàng hay bạc, mang làn xanh hay đỏ", trong khi vụ án đã xảy ra cách đó hai năm "là phi lý".
Luật sư cũng trích lại hàng chục bản khai, lời khai của Công và Hùng cho thấy "giống nhau không chỉ nội dung mà từng dấu phẩy".
Trong phần tranh tụng hôm nay, các luật sư còn lại cùng kiến nghị tòa tuyên hủy án, điều tra lại và cho thân chủ tại ngoại.
Vụ án này đã trải qua nhiều lần xét xử. Sau phiên sơ thẩm đầu năm 2022, TAND tỉnh Điện Biên tuyên bị cáo Hiền 20 năm tù. Trong phiên phúc thẩm tháng 5/2022, TAND Cấp cao tại Hà Nội cho rằng có nhiều tình tiết trong vụ án còn mâu thuẫn, một số tình tiết không thể làm rõ ngay tại phiên tòa. Do đó, tòa phúc thẩm hủy một phần nội dung bản án sơ thẩm liên quan bị cáo Hiền để điều tra, xét xử lại.
Đến tháng 9/2023, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao ra quyết định Giám đốc thẩm vụ án và tuyên hủy bản án phúc thẩm của TAND Cấp cao tại Hà Nội, đồng thời yêu cầu xét xử lại. Vì vậy, phiên phúc thẩm được mở hôm nay.
Ý kiến ()