Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 06/01/2025 11:40 (GMT +7)
Tỏa sáng nghị lực Việt
Thứ 2, 02/12/2024 | 11:28:34 [GMT +7] A A
Nhiều người khuyết tật (NKT) có nghị lực, bản lĩnh sống mạnh mẽ, không đầu hàng trước sự nghiệt ngã của số phận, vượt qua khó khăn, trở ngại, bỏ lại đằng sau sự mặc cảm, tự ti, mạnh mẽ vươn lên sống có ích, cống hiến cho xã hội.
Không chối bỏ chính mình!
Ở thôn Hà Dong Bắc (xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên) mọi người nhắc nhiều đến chàng trai Sán Dìu nhỏ bé Hoàng Minh Sơn (SN 1998) với khát vọng sống, nghị lực sống mãnh liệt. Sự chiến đấu của anh với những bất hạnh của cuộc đời đã trở thành câu chuyện "truyền lửa" sống đầy cảm hứng cho nhiều người, nhất là những người trẻ.
Anh Sơn vốn là một chàng trai khỏe mạnh, khôi ngô như bao bạn bè cùng trang lứa. Tốt nghiệp THPT, Sơn trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, chờ lên đường nhập ngũ theo lệnh gọi. Tuy nhiên "định mệnh" nghiệt ngã đến với anh. Trong khi đi làm thêm ở xưởng cơ khí, Sơn không may bị điện giật. May mắn giành giật lại được mạng sống, nhưng anh mất đi 2 cánh tay và 1 chân. Trở thành NKT khi cánh cửa cuộc đời đang rộng mở, Sơn rơi vào suy sụp, tuyệt vọng. Suốt thời gian đầu, Sơn thu mình, trầm mặc, phần vì tuyệt vọng về tương lai, phần vì suy nghĩ mình trở thành gánh nặng của gia đình.
Anh Sơn kể: “Cuộc sống của gia đình tôi hoàn toàn đảo lộn khi biến cố đó xảy ra. Từ một người nhanh nhẹn, hoạt bát có thể làm thêm kiếm tiền phụ giúp gia đình, tôi lại trở thành NKT. Bố mẹ tôi phải gác lại toàn bộ công việc, dành hết thời gian chăm sóc tôi từ những việc nhỏ nhất”.
Hai năm sau biến cố ấy, bố anh gặp tai biến, qua đời. Gia đình anh mất đi trụ cột. Cuộc sống gia đình vốn đã khó khăn càng thêm chồng chất khó khăn. Mẹ anh phải gồng mình chèo lái gia đình, vừa chăm sóc con trai vừa đi làm thuê nuôi con gái ăn học.
“Có lẽ càng rơi vào hoàn cảnh khó khăn, bi đát thì con người ta càng mạnh mẽ. Nỗi mất mát mất đi người thân cùng với sự lam lũ vất vả của mẹ đã biến những mặc cảm của tôi thành động lực. Tôi đã dám đối diện với nghịch cảnh của bản thân. Tôi cố gắng luyện tập làm từ những việc đơn giản như chăm sóc bản thân cho đến sinh hoạt gia đình. Tôi cũng bắt đầu suy nghĩ đến việc lập nghiệp, tìm kiếm cho mình kế sinh nhai để nuôi sống bản thân và đỡ đần cho mẹ và em”, anh Sơn bộc bạch.
Với đam mê CNTT, anh bắt tay vào mày mò, nghiên cứu học thêm các phần mềm về chỉnh sửa photoshop, thiết kế nội thất, phối màu sơn trên máy vi tính. Sau gần 1 năm miệt mài học tập, anh cơ bản thực hiện được các bản thiết kế nội thất, phối màu sơn cho các công trình xây dựng. Anh hiện làm cộng tác viên cho xưởng cơ khí, sản xuất đồ nội thất, thu nhập 3-5 triệu đồng/tháng, tuy chưa cao, song công việc đã giúp anh có thể sống với đam mê, tự tin.
Anh Sơn chia sẻ: “Tôi từng tự ti, mặc cảm về số phận của mình mà mất đi lối sống tích cực, phó mặc cho cuộc đời. Sau này tôi mới hiểu rằng nếu cứ tiếp tục như vậy tôi sẽ đánh mất cơ hội tự làm chủ bản thân, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội. Tôi muốn nhắn nhủ với các bạn trẻ, nhất là người trẻ khuyết tật như tôi, hãy tự tin chiến đấu với số phận, đón lấy cơ hội bứt phá giới hạn của bản thân. Quan trọng nhất là không được chối bỏ chính mình!”.
Vượt lên số phận
Năm 2007 anh Nguyễn Bá Tâm (SN 1976, khu Vĩnh Lập, phường Mạo Khê, TP Đông Triều) trong lúc đang làm việc tại Công ty Than Mạo Khê không may bị tai nạn xe gòong nghiền mất 2/3 chân phải. Sau đó vợ anh bỏ đi để lại cho anh con nhỏ 5 tuổi, khiến cuộc sống của anh gặp nhiều khó khăn, vất vả.
Không chịu lùi bước trước số phận, anh Tâm quyết tâm gây dựng lại sự nghiệp từ nghề chăn nuôi truyền thống lâu năm của gia đình. Ước mơ của anh là biến mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ trong gia đình thành trang trại chăn nuôi gia cầm, thủy cầm. “Năm 2008 tôi bắt đầu khởi nghiệp bằng việc nuôi 20 đôi chim bồ câu, gần 100 con gà, ngỗng. Giai đoạn đầu khởi nghiệp gặp nhiều khó khăn, song tôi vẫn kiên định với con đường của mình. Vừa làm tôi vừa rút kinh nghiệm, nhờ đó mô hình dần đi vào ổn định. Năm 2012 đến nay, tôi đã phát triển cơ sở chăn nuôi thành Trang trại gia cầm - thủy cầm Quyết Tâm”, anh Tâm nói.
Với tiêu chí an toàn, chất lượng tạo nên thương hiệu, sản phẩm của Trang trại Quyết Tâm được đưa đi tham gia các hội chợ nông sản lớn của tỉnh, được đánh giá cao về chất lượng; được kết nối đưa vào cung cấp cho các nhà hàng trên địa bàn tỉnh. Trang trại gần 3ha của anh duy trì thường xuyên trên 12.000 con gia cầm, thủy cầm các loại; trên 2.000 con cá; trên 1.300 cây ăn quả, 2.000 cây keo.
Trang trại tạo công ăn việc làm cho không ít lao động địa phương, trong đó có 7 NKT. Anh Tâm cho biết: “Không như những người bình thường, NKT muốn chứng minh được mình, làm chủ cuộc sống của mình thì cần phải nỗ lực nhiều hơn, nghị lực nhiều hơn, đặc biệt là phải tự tin hơn nhiều lần. Bởi vậy không chỉ nhận NKT vào làm, tôi luôn quan tâm khích lệ, động viên họ cố gắng vươn lên để có cuộc sống tốt hơn. Đồng thời chia sẻ kinh nghiệm phát triển sản xuất kinh doanh, giúp họ có thể tự phát triển mô hình của bản thân”.
Anh Tâm được các cấp, ngành tặng nhiều bằng khen, giấy khen về thành tích trong chăn nuôi, tự lực vượt khó vươn lên. Anh là chiến sĩ thi đua TP Đông Triều 5 năm liền (2015-2020). Năm 2013 anh được Chủ tịch nước trao tặng hộ nghèo vượt khó; năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen là nông dân tiêu biểu xuất sắc trong lao động sản xuất kinh doanh. Anh 3 lần nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh về thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong phong trào thi đua hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2011-2014, giai đoạn 2015-2017, giai đoạn 2017-2020. Nghị lực và sự nỗ lực của anh đã trở thành tấm gương sáng cho không ít NKT học tập và noi theo.
Cùng người khuyết tật vượt khó
Quảng Ninh hiện có hơn 22.000 NKT, trong đó NKT nặng và đặc biệt nặng chiếm gần 88%, gần 3.700 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, gần 8.600 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Đa số NKT có hoàn cảnh khó khăn, chủ yếu sống dựa vào người thân, gia đình và cộng đồng xã hội. Một bộ phận trong số đó còn khó khăn về nhà ở, việc làm, nuôi dưỡng, học hành, tiếp xúc xã hội và hòa nhập cộng đồng.
Nhiều chủ trương, chính sách chăm lo, đảm bảo quyền và phát huy vai trò của NKTđã được tỉnh triển khai kịp thời, có hiệu quả, góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội và phát triển bền vững. Các hoạt động xã hội hóa trợ giúp NKT được các cơ quan, tổ chức và đông đảo nhân dân tích cực hưởng ứng, tạo sự lan tỏa sâu rộng. Qua đó tạo điều kiện giúp NKT tìm kiếm việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, tự tin vươn lên hòa nhập cộng đồng để có cuộc sống tốt hơn, không ai bị bỏ lại phía sau.
Năm 2024 các cấp hội bảo trợ NKT&TMC trong tỉnh đã vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đăng ký ủng hộ và ủng hộ trị giá gần 15,5 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2023. Trong đó Tỉnh Hội vận động 192 tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đăng ký ủng hộ và ủng hộ tiền, hiện vật trị giá 10,24 tỷ đồng, tăng 7,8% so với năm 2023.
Từ các nguồn hỗ trợ, các cấp hội đã hỗ trợ, thăm hỏi động viên với tổng trị giá 14,5 tỷ đồng nhân các ngày lễ, Tết. Đặc biệt Hội đã kịp thời hỗ trợ hộ NKT có hoàn cảnh khó khăn bị thiệt hại bởi bão số 3 (Yagi). Trong đó hỗ trợ xây mới 8 nhà tình thương với số tiền 580 triệu đồng; tặng quà trên 3.000 đối tượng, trị giá trên 1,8 tỷ đồng; trao đỡ đầu mới 27 trẻ năm học 2024-2025, trị giá 168 triệu đồng… Riêng Tỉnh Hội chi các hoạt động bảo trợ trên 5,1 tỷ đồng; phối hợp với các nhà tài trợ hỗ trợ tại các địa phương 4,9 tỷ đồng với trên 5.700 đối tượng được thụ hưởng, tăng 60,3%.
Ông Lãnh Thế Vinh, Chủ tịch Hội Bảo trợ NKT&TMC, khẳng định: “Với sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể trong việc hỗ trợ việc làm, cải thiện điều kiện sống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NKT, rất nhiều NKT đã vượt qua khó khăn, vươn lên hòa nhập cộng đồng, có cuộc sống tốt đẹp hơn, trở thành những người có ích cho gia đình và xã hội”.
Ngô Dịu
Liên kết website
Ý kiến ()