Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 09:22 (GMT +7)
Toàn văn bài phát biểu của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đọc tại kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh khóa XII
Thứ 6, 13/12/2013 | 19:50:17 [GMT +7] A A
Tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh khóa XII, đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Chủ tịch UBND tỉnh đã có bài phát biểu quan trọng. Báo Quảng Ninh đăng tải toàn văn bài phát biểu này.
I/ ĐÁNH GIÁ CHUNG
Năm 2013 là một năm hết sức khó khăn:
- Tồn kho ngành Than, vật liệu xây dựng, thương mại nội địa suy giảm do chính sách tiết kiệm chi tiêu, thương mại biện giới, thị trường bất động sản trầm lắng, mưa bão nhiều…
- Yêu cầu đầu tư để thực hiện 3 khâu đột phá, đổi mới mô hình tăng trưởng, đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện các chương trình động lực… là rất lớn trong điều kiện ngân sách hạn hẹp.
- Đội ngũ doanh nghiệp Quảng Ninh ngoài một số doanh nghiệp lớn như doanh nghiệp ngành than, điện, xi măng… còn lại đa số là doanh nghiệp nhỏ và vừa những năm qua chưa đủ mạnh nên khi gặp suy thoái kinh tế thế giới, trong nước kéo dài, nhiều doanh nghiệp không trụ nổi (Ví dụ: Quý I năm 2013, GDP chỉ tăng trưởng 5,5% là mức thấp nhất trong nhiều năm qua; thu NS đạt 50% dự toán năm).
Tuy nhiên, với sự giúp đỡ của Trung ương, chỉ đạo của Tỉnh ủy, sự đoàn kết, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ của Tòa án, Viện kiểm sát, sự giám sát có hiệu quả của các vị đại biểu HĐND tỉnh, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã chỉ đạo, điều hành linh hoạt, sáng tạo, quyết liệt trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 đảm bảo các mục tiêu kinh tế - xã hội đã được HĐND tỉnh quyết nghị cũng như các nghị quyết chuyên đề khác của HĐND tỉnh đảm bảo quy định của pháp luật. Kết quả phát triển kinh tế - xã hội đạt nhiều kết quả tích cực:
- Bám sát 3 đột phá chiến lược, đổi mới mô hình tăng trưởng, vừa chèo chống với những khó khăn trước mắt, vừa chuẩn bị tiền đề để phát triển bền vững những năm tiếp theo.
- Kinh tế đã vượt qua thời kỳ khó khăn nhất đang trong quá trình phục hồi, song tốc độ còn chậm (tăng trưởng tăng dần quý sau cao hơn quý trước: quý I tăng 5,5%, quý II tăng 7,4%, quý III tăng 8,2%, quý IV tăng 8,5%, cả năm ước đạt 7,5%).
- Thu ngân sách có sự cố gắng to lớn trong điều kiện vô cùng khó khăn. Đến hôm nay, tỉnh ta là một trong số ít các tỉnh, thành phố trong cả nước hoàn thành dự toán thu NSNN, đảm bảo cân đối thu - chi NS trên địa bàn (tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 31.240 tỷ đồng, đạt 92% dự toán, tăng 4% so với cùng kỳ). Đã tiết kiệm chi thường xuyên để dành cho đầu tư phát triển (chiếm 41% tổng chi ngân sách trong khi kế hoạch là 33%).
- Đầu tư xã hội tăng, nhiều dự án động lực nhất là dự án đưa điện lưới ra đảo Cô Tô đã hoàn thành, Dự án nâng cấp cải tạo quốc lộ 18A đoạn Uông Bí - Hạ Long được khẩn trương hoàn thành; Dự án đường nối thành phố Hạ Long với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được chuẩn bị khởi công…
- Thu hút đầu tư nước ngoài là một năm thành công, đổi mới cách làm, hiện diện một số nhà đầu tư chiến lược, một số dự án đi vào hoạt động đóng góp quan trọng góp phần vào tăng trưởng kinh tế, kim ngạch xuất khẩu, giải quyết việc làm (Dự án Nhà máy sản xuất sợi của Tập đoàn Texhong tại KCN Hải Yên, Móng Cái đưa vào sản xuất 6 tháng cuối năm đã đóng góp khoảng 1% tăng trưởng kinh tế cả năm, 5% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh).
Công tác an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống của người dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh đã giảm còn 2,52%; công tác giáo dục, y tế, văn hóa xã hội được nâng lên về cả lượng và chất, các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư từ tỉnh đến cơ sở; công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đấu tranh phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tiếp tục được đẩy mạnh. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác đối ngoại, xúc tiến đầu tư tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh toàn diện.
II/ CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH CỦA UBND TỈNH TRÊN MỘT SỐ LĨNH VỰC TRỌNG TÂM, NỔI BẬT
1/ Tổ chức thành công lễ kỷ niệm 50 năm thành lập tỉnh, được các đồng chí lãnh đạo Trung ương, các thế hệ cán bộ lãnh đạo Tỉnh qua các thời kỳ và nhân dân trong tỉnh đồng tình đánh giá cao.
2/ Triển khai xây dựng Đề án Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn và báo cáo các bộ, ngành, Chính phủ liên quan đến 7 nhóm cơ chế chính sách.
3/ Tập trung đầu tư hạ tầng:
- Hoàn thành các dự án quan trọng: Đường 329, đường 18C, đường 340, đường tránh Hạ Long, đang triển khai nâng cấp đường 18A (Uông Bí – Hạ Long); hoàn thành dự án lưới điện nông thôn, điện ra Cô Tô, đang chuẩn bị đầu tư điện ra các đảo còn lại; hoàn thành Bảo tàng - Thư viện, Bệnh viện sản nhi... triển khai các thiết chế văn hóa từ tỉnh xuống địa phương.
- Khẩn trương hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư cho các dự án: cơ sở hạ tầng các khu di tích trọng điểm quốc gia (Yên Tử, quần thể di tích nhà Trần - Đông Triều, Bạch Đằng – Quảng Yên); chuẩn bị khởi công đường cao tốc Hải Phòng – Quảng Ninh, chuẩn bị đầu tư đường cao tốc Hạ Long – Móng Cái, Sân bay Vân Đồn, khu vui chơi phức hợp có Casino Vân Đồn, các khách sạn cao cấp, khu dịch vụ thương mại vui chơi giải trí chất lượng cao tại thành phố Hạ Long, khu triển lãm quy hoạch…
Nhân đây, tôi xin báo cáo với hội đồng, tỉnh ta là địa phương được Trung ương phân bổ chi đầu tư xây dựng cơ bản và chi thường xuyên hàng năm lớn hơn so với nhiều địa phương khác trong cả nước. Tuy nhiên, trong điều kiện khó khăn mà nhu cầu đầu tư lớn, nhưng tỉnh đã cố gắng, điều tiết linh hoạt trong sử dụng nguồn ngân sách tỉnh cũng như huy động tối đa các nguồn lực hỗ trợ của Trung ương, đóng góp của doanh nghiệp, nhân dân và các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng, các hoạt động, sự kiện chính trị, kinh tế văn hóa của tỉnh đều thành công. Điển hình trong năm qua như:
+ Báo cáo Trung ương cho tỉnh phát hành trái phiếu chính quyền địa phương.
+ Đấu giá đất tạo nguồn thu.
+ Thực hiện cơ chế đầu tư các dự án bằng các hình thức: BOT, BT, PPP, lần đầu tiên Chính phủ giao dự án quốc lộ, đường cao tốc (đường Hải Phòng – Quảng Ninh) tỉnh làm chủ đầu tư.
+ Vận động đóng góp của doanh nghiệp, nhân dân trong và ngoài tỉnh cho Dự án đưa điện lưới ra đảo Cô Tô, lập các quy hoạch quan trọng của tỉnh, xây dựng trường, trạm y tế, xe cứu thương, thiết bị y tế… (Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam tài trợ 150 tỷ điện ra Cô Tô, Techcombank tài trợ toàn bộ tiền về lập quy hoạch du lịch và nguồn nhân lực 70 tỷ, ngân hàng Vietinbank tài trợ xe cứu thương và thiết bị y tế bệnh viện, Tập đoàn Himlam tài trợ xây dựng Trường phổ thông dân tộc nội trú Tiên Yên…).
+ Hoàn thành dự án QL 18C (756 tỷ), Bảo tàng - Thư viện (khoảng 930 tỷ).
+ Bệnh viện sản nhi (nguồn hỗ trợ từ trái phiếu chính phủ nhưng không có, tỉnh phát hành trái phiếu địa phương).
+ Dự án quốc lộ 18A Uông Bí – Hạ Long (ứng cho Bộ GTVT vay trên 1020 tỷ). Những nội dung này trong kế hoạch không có nhưng thời gian chúng ta bằng mọi cách vay vốn, huy động mọi nguồn lực để triển khai kể cả dự án đường 340, đường tránh Hạ Long, đường 329…
4/ Tập trung đẩy mạnh tiến độ quy hoạch đây là một trong bước đột phá trong thời gian tới. Có quy hoạch tốt mới có nhà đầu tư tốt, dự án tốt.
5/ Tập trung cải cách hành chính: Đây là một trong mấu chốt tháo gỡ khó khăn, giải phóng tiềm năng, nguồn lực. Hiện nay, chúng ta đang tập trung xây dựng chính quyền điện tử, trung tâm hành chính công. Đã tổ chức nhiều đoàn công tác đi học tập tại Singgapore, Trung Quốc, Nhật Bản…. Đang triển khai Trung tâm hành chính công tỉnh và 5 địa phương với quyết tâm đột phá: “Một hướng dẫn, thẩm định, một phê duyệt, không có khâu trung gian”.
6/ Tập trung đầu tư cho nguồn nhân lực: Đào tạo, đào tạo lại bồi dưỡng cán bộ theo đề án 165. Tổ chức nhiều khóa đi học tập ở các nước.
7/ Đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào sản xuất: Ngoài ngân sách tỉnh bố trí cho các dự án ưu tiên, đã thu hút nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp tham gia đầu tư đổi mới công nghệ, sản xuất sản phẩm mới.
8/ Sắp xếp lại bộ máy tổ chức trên địa bàn của tỉnh; tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo, được Trung ương và các tỉnh bạn ghi nhận, học tập.
9/ Xây dựng Nông thôn mới: Tập trung cho các mô hình sản xuất, vận động nhân dân tham gia.
10/ Tăng cường bảo đảm an ninh trật tự xã hội, không để xảy ra các tụ điểm nóng về tội phạm, đặc biệt kiểm soát các đối tượng tội phạm là thanh thiếu niên, tội phạm biên giới. Tập trung giải quyết, kiểm soát tình trạng khai thác than trái phép; giải quyết các điểm nóng liên quan đến giải quyết khiếu nại tố cáo.
11/ Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Năm qua, tỉnh tổ chức 9 lần gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp với nhiều chuyên đề sâu trên nhiều lĩnh vực, trong đó có chuyên đề riêng cho ngành than về giá thành bán than, thuế suất, các thủ tục liên quan đến các cơ quan chuyên môn của tỉnh. Báo cáo Trung ương cơ chế tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của Chỉ thị 23 về tạm nhập tái xuất.
12/ Tăng cường thu hút, xúc tiến đầu tư. Đến nay chúng ta đã có một số nhà đầu tư chiến lược như: Texhong, Vingroup (đầu tư trung tâm thương mại mang tầm cỡ quốc tế Royal City), đang tập trung giải phóng mặt bằng; trung tâm nghỉ dưỡng cao cấp tại đảo Rều…
13/ Tập trung chỉ đạo thu chi ngân sách: Chưa năm nào khó khăn như năm nay nhưng một số địa phương thu ngân sách lại về đích sớm, đó là sự quyết liệt trong chỉ đạo của tỉnh cũng như quyết tâm của các địa phương. Thành lập ban chỉ đạo của toàn tỉnh, các đồng chí phó chủ tịch HĐND và UBND phụ trách tiểu ban thu, chi ngân sách của tỉnh.
Đến ngày 12/12, tổng thu ngân sách đạt 29.745 tỷ, đạt 88%, trong đó thu hải quan đạt 16.796 tỷ, đạt 89%, nội địa đạt 12.712 tỷ, đạt 87%. Đây là sự cố gắng của chúng ta, ngoài sự cố gắng các cấp ngành, địa phương, cấp, các ngành... Tuy nhiên, một số nguyên nhân làm hạn chế thu nội địa:
+ Trong 6.800 doanh nghiệp nhỏ và vừa đến nay chỉ có 35% doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có lợi nhuận, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, 65% không có lợi nhuận;
+ Thực hiện các chính sách điều chỉnh, miễn, giảm, giãn thuế suất và mức thu nhập tính thuế của Nhà nước;
+ Phía Trung Quốc thắt chặt quản lý hàng hóa nhập khẩu; đồng thời với việc thực hiện Chỉ thị 23 của Thủ tướng Chính phủ, lượng hàng tạm nhập tái xuất qua cửa khẩu giảm trên 70%;
+ Phương pháp giao dự toán của Bộ Tài chính trên cơ sở dựa vào số ước thực hiện để nhân với tỷ lệ tăng trưởng dự báo hàng năm từ 17% - 20% trở lên trong bối cảnh kinh tế suy thoái.
Mặc dù cắt giảm chi tiêu công, nhưng công tác đảm bảo an sinh xã hội vẫn được tỉnh đặc biệt quan tâm, đã ban hành một số chính sách mới của tỉnh (hỗ trợ học phí cho học sinh là con của người có công với đất nước, đối tượng chính sách đang học phổ thông ngoài công lập trên địa bàn tỉnh; chính sách khuyến khích đối với các hộ dân ra sinh sống lâu dài tại đảo Trần, huyện Cô Tô; hỗ trợ bảo hiểm xã hội...). Tổng chi cho đảm bảo an sinh xã hội đạt 920,76 tỷ đồng cho 1.130.463 lượt đối tượng. Trích ngân sách 30 tỷ đồng để kịp thời hỗ trợ cho những gia đình, đơn vị bị thiệt hại do cơn bão số 14 gây ra.
14/ Việc chấn chỉnh dạy thêm, học thêm, vận động nâng cao y đức trong ngành y tế được triển khai có hiệu quả. Đây là việc cần làm thường xuyên, liên tục, tác động sâu sắc vào tư tưởng của cán bộ trong ngành cũng như toàn thể nhân dân để cùng triển khai và giám sát lẫn nhau.
Tỷ lệ học sinh thi đỗ cao đẳng, đại học năm 2013 cao, trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2013, tỉnh Quảng Ninh đứng thứ 17/63 tỉnh, thành cả nước (tăng 4 bậc so với năm 2012) và có 4 trường (THPT: Hoàng Quốc Việt, Cẩm Phả, Uông Bí và Chuyên Hạ Long) nằm trong số 200 trường THPT có điểm thi bình quân đại học cao nhất.
Đã nỗ lực trong việc lập dự án thành lập Trường Đại học Hạ Long và được Chính phủ chấp thuận về chủ trương, hiện đang tích cực hoàn thiện hồ sơ để trước ngày 20/12/2013 báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo để tổ chức thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định thành lập trường.
Có được kết quả như trên, đánh giá cao vai trò lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự giám sát có hiệu quả của HĐND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể, viện kiểm sát, tòa án; ghi nhận, biểu dương nỗ lực cố gắng của các sở, ngành, địa phương.
III. PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ 2014
Tỉnh đã thống nhất triển khai 9 nhóm giải pháp chủ yếu, hiện nay các cơ quan, ban ngành, tổ chức chính trị xã hội của tỉnh đang tập trung quyết liệt triển khai.
Hôm nay, tôi đi sâu phân tích một số nhóm giải pháp:
Một là, Tiếp tục thực hiện hiệu quả 3 đột phá chiến lược, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh. Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, các dự án trọng điểm, có sức lan tỏa lớn, huy động các nguồn lực xã hội, nguồn lực đầu tư nước ngoài để triển khai, không chờ đợi nguồn vốn ngân sách:
- Linh hoạt trong cơ chế đầu tư (BOT, BT, PPP).
- Phát hành trái phiếu chính quyền địa phương.
- Vay vốn nhàn rỗi kho bạc nhà nước.
- Tăng cường đấu giá đấu thầu tạo nguồn thu từ đất.
- Tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách, giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính để thu hút nhà đầu tư thực hiện dự án, sớm phát huy hiệu quả (Texhong, Yazaki khu công nghiệp Đông Mai, Vingroup…).
- Các ngành, địa phương điều chỉnh cơ cấu chi để tiết kiệm tối đa, nhưng vẫn phải đảm bảo các mục tiêu an sinh xã hội.
Hai là, đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu: Đây là 1 trong những nội dung chủ yếu trong chủ đề năm 2014.Tập trung thực hiện kết luận 64 về đổi mới căn bản tinh giảm biên chế của hệ thống chính trị. tỉnh Quảng Ninh đã chủ trương ngay từ đầu năm nay là không tăng biên chế, và trung ương chỉ đạo từ nay đến 2016 cũng sẽ không tăng biên chế do đó tỉnh sẽ tự điều tiết. Tỉnh quảng Ninh tăng hơn 300 biên chế so với số biên chế Bộ Nội vụ duyệt.
Thực trạng tổ chức bộ máy và biên chế tại các cơ quan từ tỉnh đến các địa phương:
Về tổ chức bộ máy:
a) Các cơ quan, đơn vị thuộc UBND tỉnh:
- Có 23 cơ quan chuyên môn và tương đương, bao gồm: Các cơ quan chuyên môn theo Nghị định số 13/2008/NĐ-CP, Ban Quản lý khu kinh tế, Ban Xây dựng nông thôn mới, Ban An toàn giao thông và Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh).
Tổng số 169 phòng, 02 ban, 17 chi cục và 162 đơn vị sự nghiệp; ngoài ra, có 07 Trường chuyên biệt và 33 trường THPT thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo.
Đối với các đơn vị sự nghiệp trực thuộc các Sở ngành: có 10/162 đơn vị tự chủ hoàn toàn về kinh phí (Các BQL dự án thuộc các Sở: Y tế, GTVT, NNPTNT, Giáo dục- Đào tạo; một số đơn vị thuộc Sở GT-VT, VP. UBND tỉnh), còn lại là các đơn vị do ngân sách cấp một phần hoặc cấp hoàn toàn về kinh phí, trong đó cấp hoàn toàn về kinh phí là chủ yếu.
- Có 11 đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh. Trong đó có 03/11 đơn vị tự trang trải toàn bộ kinh phí, chiếm 27,3% (BQL Vịnh Hạ Long, BQL đầu tư và xây dựng các công trình trọng điểm, BQL đầu tư các công trình VHTT); 05 đơn vị tự trang trang trải một phần kinh phí, chiếm 45,5% và 03 đơn vị hoạt động do ngân sách cấp toàn bộ (Ban XTHTĐT, BQL di tích trọng điểm, BQL Vườn quốc gia Bái Tử Long).
b) Các cơ quan, đơn vị thuộc UBND các huyện, thị xã, thành phố:
- Có 174 phòng chuyên môn (trong đó: 8 địa phương có 13 Phòng chuyên môn, 5 địa phương có 12 Phòng và huyện đảo Cô Tô có 10 Phòng).
- Có 98 đơn vị sự nghiệp thuộc UBND cấp huyện, 26 đơn vị sự nghiệp thuộc phòng chuyên môn. Ngoài ra, có 561 trường Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở thuộc Phòng Giáo dục và Đào tạo cấp huyện.
Cấp huyện có 36/98 đơn vị tự chủ hoàn toàn, chiếm 36,73%; 24 đơn vị tự chủ một phần về kinh phí hoạt động, chiếm 36,73% và 38 đơn vị cơ bản do ngân sách nhà nước cấp kinh phí, chiếm 38,77% (gồm Đài Truyền thanh, truyền hình; Trung tâm VH-TT, BQL rừng). Ngoài ra, hầu hết các đơn vị sự nghiệp thuộc Phòng chuyên môn cấp huyện do ngân sách nhà nước cấp.
Về số lượng người hưởng lương, trợ cấp từ ngân sách nhà nước: Tổng số có 68.049 người, trong đó:
- Công chức: 3.233.
- Viên chức: 26.297.
- Hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP: 665.
- CBCC cấp xã: 4.299 người.
- Tổng số cán bộ không chuyên trách cấp xã, thôn bản, khu phố hiện nay bố trí là 33.555 người, gồm:
+ CB không chuyên trách cấp xã hiện đã bố trí 2.616 người (xã loại I: 19 người; loại II: 17 người; loại III: 16 người).
+ CB không chuyên trách ở thôn, bản, khu phố đã bố trí 12.328 người.
+ Số Chi hội trưởng, chi hội phó đã bố trí 15.099 người
+ Số tổ trưởng, tổ phó tổ nhân dân là 3.512.
Tổng số kinh phí ngân sách chi trả cho toàn bộ đội ngũ CCVC và cán bộ không chuyên trách toàn tỉnh là 4.123 tỷ đồng/năm, trong đó chi trả cho CCVC là 3.757 tỷ/năm.
Từ năm 2014 trở đi, sẽ rà soát, cắt giảm biên chế và kinh phí hoạt động theo lộ trình, hướng tới các đơn vị phải tự chủ cân đối trong thu chi (Đã Quyết định cắt giảm 100% kinh phí 18 đơn vị sự nghiệp công lập). Đồng thời, tăng cương tự chủ cho doanh nghiệp, hướng tập trung điều chỉnh cấp ngân sách theo biên chế đơn vị sang cấp ngân sách theo đơn đặt hàng.
Nâng cao vai trò của người đứng đầu: tăng cường phân cấp; đảm bảo đủ quyền lực cho người đứng đầu. Trong công tác quản lý phải giao rõ trách nhiệm và người đứng đầu đơn vị phải chịu trách nhiệm (Đổi mới trong giao kế hoạch ngân sách trong năm 2014 cho ngành Y tế và giáo dục, thay vì trước đây các đơn vị làm kế hoạch trực tiếp với Sở Tài chính, nay thông qua đầu mối là Sở Y tế, Giáo dục để thống nhất quản lý trong toàn ngành, việc triển khai cụ thể không có thay đổi).
Tiếp tục cải cách hành chính: Triển khai tốt mô hình trung tâm hành chính công, là đầu mối tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, công dân. Đột phá trong quy trình giải quyết thủ tục hành chính với quan điểm: Một thẩm định, một phê duyệt.
Ba là, tập trung kiên quyết thu ngay từ đầu năm, rà soát các khoản nợ đọng; bám sát các doanh nghiệp để truy thu các khoản nợ đọng, phát huy vai trò của Ban điều hành thu chi ngân sách, tiết kiệm tối đa chi tiết nhưng phải đảm bảo an sinh xã hội. Trong xây dựng cơ bản, yêu cầu các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND Tỉnh về khởi công công trình mới phải cấp thiết và được sự đồng ý của UBND Tỉnh và chỉ thị 1792 của Thủ tướng. Phải tập trung trả nợ đọng , trong bối cảnh gói ngân sách hạn hẹp.
Bốn là, Tập trung rà soát tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, gắn với làm tốt công tác rà soát thu hồi đất để giao cho các doanh nghiệp có năng lực, sớm triển khai phát huy tối đa hiệu quả sử dụng đất; hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư ứng dụng công nghệ mới; Tạo môi trường thông thoáng cho các doanh nghiệp kinh doanh, nhất là lĩnh vực xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất.
Năm là, phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội gắn với bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội.
- Thực hiện lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo với Chương trình xây dựng nông thôn mới, đào tạo nghề cho lao động. Triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện giảm nghèo, hỗ trợ người nghèo, nâng cao đời sống nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người, biên giới, hải đảo.
- Nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục; thường xuyên liên tục chấn chỉnh hoạt động dạy thêm, học thêm; Trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập trường Đại học Hạ Long và chuẩn bị các điều kiện để tuyển sinh trong năm 2014.
- Thường xuyên, liên tục thực hiện vận động nâng cao y đức trong ngành y tế nâng cao chất lượng khám chữ bệnh; tập trung các điều kiện để đưa bệnh viện Sản-Nhi vào hoạt động.
Tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra việc hoạt động của các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm (Vụ thẩm mỹ viện Cát Tường); củng cố và nâng cao hiệu quả mạng lưới y tế dự phòng và y tế cơ sở để chủ động phòng, chống dịch bệnh, không để các dịch bệnh lớn xảy ra; tăng cường công tác an toàn vệ sinh thực phẩm (Rượu 29 Hà Nội).
- Chỉ đạo lập hồ sơ trình UNESCO công nhận khu di tích Yên tử là di sản thế giới.
Sáu là, tiếp tục hoàn thành nội dung công việc đang tiếp tục triển khai của năm 2013 và các năm trước như: công tác quy hoạch, công tác cải cách hành chính, các công trình trọng điểm, Đề án Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn và 7 nhóm cơ chế chính sách theo Thông báo 108 của Bộ Chính trị…
Ghi nhận nỗ lực của các cấp, các ngành trong năm qua, khẳng định sự đoàn kết, nhất trí của hệ thống chính trị, có chủ trương đúng, đoàn kết, tập trung làm quyết liệt chắc chắn sẽ vượt qua mọi khó khăn và thành công, chúc các vị đại biểu hạnh phúc, thành công, tiếp tục phát huy vai trò giám sát để giúp UBND tỉnh hoàn thành nhiệm vụ.
Liên kết website
Ý kiến ()