Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 20:36 (GMT +7)
Tôn vinh gia đình văn hoá
Thứ 6, 18/09/2009 | 06:00:43 [GMT +7] A A
Gia đình là tế bào xã hội. Một cơ thể xã hội lành mạnh phải dựa trên những tế bào xã hội lành mạnh; điều đó hẳn ai cũng biết. Thế nhưng, đôi khi trong công tác quản lý xã hội, vì quá chú trọng tới những vấn đề vĩ mô, chúng ta lại quên mất vấn đề vi mô, đó là việc xây dựng gia đình sao cho tương xứng, phù hợp với sự phát triển của xã hội.
Và trong nhiều vấn đề được đề cập, Nghị quyết T.Ư 5 (khoá VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã một lần nữa khẳng định quan điểm của Đảng ta trong việc nhìn nhận vai trò, ý nghĩa của việc xây dựng gia đình văn hoá đối với sự phát triển của đất nước trong thời kỳ đổi mới.
Ở Quảng Ninh, kể từ sau khi có Nghị quyết T.Ư 5, và nhất là từ năm 2000, khi cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” được phát động, phong trào xây dựng làng, bản, khu phố văn hoá đã đi vào cuộc sống, làm thay đổi nhiều về mặt nhận thức cũng như hành động của các cấp, ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân trong công tác quản lý xã hội. Và cùng với đó, các gia đình văn hoá thực sự đã được tôn vinh...
Theo số liệu thống kê, đến năm 2008, tỉnh ta đã có 219347/250848 gia đình (bằng 87,4%) được công nhận Gia đình văn hoá. Đây là con số đáng mừng; nó cho thấy phong trào đã được đông đảo nhân dân đồng tình hưởng ứng. Tuy nhiên, việc tôn vinh các gia đình văn hoá, bên cạnh mặt số lượng, cũng cần phải chú trọng về mặt chất lượng. Một gia đình, dù có làm ăn, sản xuất kinh doanh giỏi, cuộc sống sự nghiệp của các thành viên trong gia đình nhìn bề ngoài có vẻ phát đạt, nhưng nếu mọi người không đoàn kết, chồng dối vợ, vợ dối chồng, con cháu không biết yêu kính bố mẹ v.v. thì không thể gọi là Gia đình Văn hoá được. Hay nói cách khác, Gia đình văn hoá trước hết phải là gia đình mà ở đó các thành viên, ngoài việc biết tôn trọng pháp luật, gương mẫu chấp hành pháp luật, còn phải biết tôn trọng những chuẩn mực đạo đức của xã hội, thể hiện nét đẹp văn hoá truyền thống lành mạnh... Đây là điều rất quan trọng (nhưng lại rất khó) khi xem xét, đánh giá một gia đình có thực sự là Gia đình Văn hoá hay không! Và vì vậy, rất cần có sự sâu sát, cân nhắc thật kỹ lưỡng, tránh tình trạng chạy theo số lượng mà coi nhẹ chất lượng. Có như thế việc tôn vinh các Gia đình Văn hoá mới thực sự phát huy tác dụng, góp phần làm cho phong trào ngày càng được quần chúng nhân dân đồng tình hưởng ứng!
Liên kết website
Ý kiến ()