Tất cả chuyên mục

Lúc ấy là 15 giờ. Từ văn phòng Xí nghiệp Khai thác than 86 (km 6, phường Quang Hanh, thị xã Cẩm Phả) chúng tôi theo Phó Giám đốc sản xuất - Trung tá Nguyễn Văn Duẩn lên công trường. Chiều cuối năm trời se se lạnh, gió bấc hun hút thổi. Trên sân, trước cửa lò, máy sàng chạy, than rơi rào rào. Trung tá Nguyễn Văn Duẩn giới thiệu: “Đây là khu lò cơ giới của xí nghiệp !”.
12 năm Đông Bắc
Cơ giới, nghĩa là đào lò bằng máy, chống bằng cột thuỷ lực đơn. Than từ gương lò được vận chuyển ra bằng hệ thống máng cào. Rồi từ các máng cào, than cuộn lên băng chạy dọc lò xuyên vỉa ra thẳng hệ thống sàng rung. Sàng chạy chia than thành 5 loại, mỗi loại theo một đường băng, đánh thành đống riêng. Than ấy đã thành than thương phẩm. Đất đá đã được loại thải, chỉ việc xúc than chở đi bán.
![]() |
Rót than cho khách hàng tại cảng Khe Dây (Tổng Công ty Đông Bắc). |
Nhưng chỉ một năm sau, rồi một năm sau nữa thì nhiều người đã hiểu ra sức mạnh của quân đội làm than. Và từ chỗ thiếu lòng tin, nghi ngờ quân đội làm kinh tế theo kiểu ‘’nước sông, công lính’’ thì có người đã dự đoán, Đông Bắc sẽ trở thành Công ty giàu có. Giờ đây, sau 12 năm nhìn lại, Đông Bắc đã tiến rất xa. Các mỏ hầm lò, từ làm thủ công ‘’xúc bằng tay, quay bằng sườn’’, nay đã cơ giới hoá như lò ở Xí nghiệp Khai thác than 86. Mỏ lộ thiên dùng xe tải lớn, máy xúc gầu xuôi, gầu ngược dung tích 12m3/gầu. Công ty Đông Bắc trở thành Tổng Công ty Đông Bắc có tới 17 doanh nghiệp thành viên, và 2 chi nhánh lớn ở TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Bây giờ ở Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, khi so sánh, người ta thường dùng chữ nhất để nói về Tổng Công ty Đông Bắc. Sản lượng than lớn nhất. Doanh thu cao nhất. Lợi nhuận nhiều nhất. Ba nhất này đi liền với 3,6 triệu tấn than; 1.800 tỷ đồng doanh thu; 42 tỷ lợi nhuận. Năm 2006, chưa có doanh nghiệp nào trong Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đạt đến ngưỡng này.
Cần phải nói rõ rằng, Đông Bắc cũng như mọi thành viên khác, đều chịu sự quản lý, điều hành, khoán, quản của Tập đoàn. Làm bao nhiêu triệu tấn than, bán cho ai, bán giá nào, đều do Tập đoàn chỉ định. Đông Bắc không có sự ưu ái nào.
Đại tá Nguyễn Mạnh Đạt, Giám đốc Tổng Công ty cho biết “Nhờ nếp quản lý, kỷ luật của quân đội nên chúng tôi đạt được hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh”. Có lẽ đây điều khác biệt nhất giữa Đông Bắc và các công ty than khác. Họp ít hơn, bàn nhanh hơn, giám đốc nói tức là lệnh của chỉ huy, cấp dưới phải chấp hành. Lối quản quân sự đã giảm được nhiều cuộc họp vô bổ, dành được nhiều giờ cho sản xuất, rèn luyện được tác phong công nghiệp cho đội ngũ cán bộ quản lý. Bây giờ thì Đông Bắc đã có một đội ngũ cán bộ giỏi. Sĩ quan nào cũng có thêm bằng khai thác mỏ, bằng kinh tế. Bây giờ Đông Bắc không chỉ làm than, mà đã khai thác vàng ở Lào Cai, khai thác Crôm mít ở Thanh Hoá. Nhưng lớn hơn cả là chuẩn bị cho việc khai thác khoáng sản ở Tây Nguyên.
1 năm Tây Nguyên
Công ty khai thác Khoáng sản Tây Nguyên bắt đầu hoạt động từ ngày 1-1-2006. Bộ khung của Công ty và cả xe máy nữa đều do Đông Bắc điều chuyển vào. Vốn do Đông Bắc rót. Theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, cán bộ, chiến sĩ Đông Bắc phải làm nhiệm vụ đứng chân trên địa bàn Tây Nguyên; xây dựng hạ tầng các dự án khai thác mỏ; huấn luyện lực lượng dự bị động viên.Văn phòng Công ty đặt tại xã Nhân Cơ, huyện Đăk Rlấp, tỉnh Đắc Nông. Đến Tây Nguyên chưa đầy năm, làm ba dự án lớn: Xây dựng cụm công nghiệp Nhân Cơ (21 ha); xây dựng nhà máy tuyển Bau xít, sản xuất alumin (121 ha); xây dựng tổ hợp bau xít – nhôm tại Lâm Đồng (144 ha). Trên các công trường xây dựng này dù còn rất nhiều khó khăn, chúng tôi vẫn nhận thấy không khí làm việc hăng say của người lính. Chỗ này xe gạt mở đường, đất đỏ càng đỏ giữa rừng cây xanh. Chỗ kia máy xúc vun quặng thành đống cao như núi. Thấp thoáng, nhấp nhô bên xe, máy là những người lính, da đen cháy, cười rất tươi. Càng thấy nhiều khuôn mặt hớn hở của nhiều bà con người dân tộc sống trên vùng đất Tây Nguyên. Dân mừng khi bộ đội từ Đông Bắc vào làm kinh tế. Có người hỏi chúng tôi: “Con, em tao có được vào làm với bộ đội?”. Vào làm việc thì chưa biết, nhưng đến trường học thì chắc chắn rồi. Trường 3 tầng, 18 phòng học chuẩn mang tên Nguyễn Văn Linh đã được Đông Bắc bỏ tiền xây dựng tại xã Đăk wer. Con em đồng bào dân tộc đang nhảy nhót, nô đùa trên sân trường mới.
Vào Tây Nguyên, chúng tôi tận mắt thấy Tây Nguyên giàu quặng quý như thế nào! Nhiều người so sánh thế này: ở Đông Bắc - Quảng Ninh muốn lấy được một tấn than phải bóc đi bảy, tám m3 đất đá. Muốn bóc được đá phải khoan, nổ mìn. Nhưng ở Tây Nguyên, quặng nằm ngay trên mặt đất. Xúc quặng dễ như vục gầu máy xúc vào xúc cát vậy. Cứ xúc 2 tấn quặng thô đem tuyển qua nước được 1 tấn quặng tinh. 2,5 tấn quặng tinh làm ra 1 tấn alumin. 20 tấn alumin luyện được 1 tấn nhôm. Thế mà chỉ trong tháng 10-2006, Công ty khai thác Khoáng sản Tây Nguyên đã làm ra được 350 ngàn tấn quặng. Nếu đem xuất khẩu mỗi tấn quặng bán tại Cảng Sài Gòn giá 25 USD (giá tháng 6-2006). Nhưng Công ty chưa được phép bán, Nhà nước đang hạn chế việc xuất quặng thô.
Lập nghiệp ban đầu với nhiều bỡ ngỡ, khó khăn, Đông Bắc đã nhanh chóng vượt qua và làm giàu từ khai thác than. Hơn thế, Đông Bắc còn đào tạo đội ngũ cán bộ quân sự làm kinh tế giỏi. Bây giờ, đội ngũ ấy đã vươn tới Tây Nguyên, một vùng đất rất giàu về quặng quý, thì hẳn những ‘’Bộ đội Cụ Hồ” sẽ hoàn thành rất tốt cả 2 nhiệm vụ sản xuất và bảo vệ Tổ quốc.
Ý kiến (0)