Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 14:30 (GMT +7)
Tổng cục Du lịch: Đã tính việc xử lý sự cố khi đón khách đến Phú Quốc
Thứ 7, 18/09/2021 | 09:35:58 [GMT +7] A A
Lãnh đạo Tổng cục Du lịch cho biết có thể đồng thời đón khách nội địa và quốc tế đến Phú Quốc. Cơ quan này tính đến cả việc xử lý những sự cố có thể xảy ra khi tiếp nhận du khách.
Đón 2-3 triệu khách du lịch thí điểm đến Phú Quốc là nhiệm vụ Thủ tướng Phạm Minh Chính giao cho một số cơ quan, trong đó có ngành du lịch.
Trả lời phỏng vấn Zing, ông Nguyễn Lê Phúc - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - VHTTDL) - cho biết chỉ khi nào việc thí điểm đón khách đến Phú Quốc được thực hiện thành công thì cơ quan này mới mới nhân rộng mô hình ở các điểm đến khác.
Ông nhấn mạnh khách quốc tế nếu đến Phú Quốc chỉ được phép ở tại một số khu vực biệt lập, không tiếp xúc với người dân địa phương. Do đó, Phú Quốc cũng có thể đồng thời đón được khách nội địa. Khi mở cửa, Tổng cục Du lịch cũng sẽ tính toán cả những sự cố có thể xảy ra.
Thành công ở Phú Quốc mới dần mở cửa
- Hai vấn đề lớn nhất để thí điểm đón khách du lịch là tiêm vaccine cho người dân Phú Quốc và áp dụng hộ chiếu đã được thực hiện ra sao thưa ông?
- Cả 2 vấn đề trên đều đang từng bước được tháo gỡ.
Về vấn đề tiêm vaccine, tại Công văn số 6345 ngày 10/9 của Văn phòng Chính phủ về kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc (Kiên Giang), Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo Bộ Y tế ưu tiên phân bổ vaccine để kịp thời tổ chức tiêm cho nhân dân đang sống và lao động tại thành phố Phú Quốc, phù hợp với kế hoạch và thời điểm thực hiện.
Còn vấn đề áp dụng “hộ chiếu vaccine”, Phó thủ tướng đã giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an và Bộ Ngoại giao quy định, hướng dẫn cụ thể về việc cấp giấy chứng nhận tiêm vaccine phòng Covid-19.
- Hộ chiếu vaccine sẽ được áp dụng thế nào để tạo thuận lợi nhất cho du khách?
- Chúng tôi đánh giá “hộ chiếu vaccine” là một mắt xích quan trọng trong quy trình đón khách quốc tế đến Phú Quốc. Hiện, Bộ Y tế mới ban hành quy trình đón khách chuyên gia và người Việt Nam ở nước ngoài về nước.
Đối với khách du lịch quốc tế, cần có một quy trình riêng, được quy định cụ thể cho đối tượng này. Đây cũng là nội dung mà Bộ VHTTDL đề xuất giao Bộ Y tế trong kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc trình Thủ tướng.
- Theo ông, sau một thời gian ngưng trệ hoạt động du lịch kéo dài, nguồn khách đến Việt Nam có sẵn không? Tổng cục đang có những hoạt động xúc tiến như thế nào?
- Chúng tôi đã nghiên cứu và chuẩn bị các phương án truyền thông, xúc tiến quảng bá phục vụ thu hút khách tham gia chương trình thí điểm và giai đoạn khôi phục hoạt động du lịch trong bối cảnh mới.
Tổng cục đang báo cáo lãnh đạo Bộ xem xét quyết định để triển khai kịp thời.
- Việt Nam sẽ nhắm đến những dòng khách ở các quốc gia nào khi bắt đầu mở cửa lại du lịch?
- Bộ VHTTDL dự kiến thực hiện thí điểm đón khách quốc tế an toàn tại Phú Quốc (Kiên Giang). Trên cơ sở đó, chúng tôi chuẩn bị từng bước mở rộng ra các điểm đến trong cả nước, bao gồm Hạ Long (Quảng Ninh), Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng)…
Về đối tượng khách du lịch quốc tế, chúng tôi sẽ lựa chọn một số thị trường tiềm năng, có độ an toàn cao về phòng chống dịch Covid-19 như trong kế hoạch Bộ đã trình Chính phủ.
Đề nghị sớm có hướng dẫn đi lại trong nước
- Việc mở cửa cho cả khách quốc tế và nội địa trong cùng một điểm đến sẽ gây khó khăn và lo ngại nhất định về vấn đề dịch bệnh. Tổng cục đã tính đến việc này chưa và có giải pháp gì?
- Trong kế hoạch thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc mà Bộ VHTTDL đã trình Thủ tướng, khách sẽ chỉ hoạt động trong khu vực giới hạn, được lựa chọn trước, không tiếp xúc với cư dân địa phương, nhất là trong giai đoạn đầu nên sẽ không ảnh hưởng đến việc đón khách du lịch nội địa của Phú Quốc.
- Hiện nhiều địa phương đã kiểm soát được dịch bệnh và là “vùng xanh” như Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng… Theo ông, những vùng này có thể mở lại du lịch được chưa, và liệu có thể kết nối các “vùng xanh” với nhau?
- Tổng cục Du lịch vừa tham mưu Bộ VHTTDL ban hành Kế hoạch số 3228 ngày 7/9 triển khai các chính sách kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành, trong đó yêu cầu các sở quản lý du lịch tham mưu cho UBND cấp tỉnh chuẩn bị tốt các điều kiện mở cửa điểm đến, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh.
Trong bối cảnh hiện nay, để phát triển du lịch bền vững, ngành du lịch cần phải tăng cường liên kết phát triển vì đây là xu hướng tất yếu. Liên kết giữa các địa phương sẽ giúp tăng cường sức mạnh, tạo được những sản phẩm đặc trưng, tạo nên các giá trị riêng cũng như hỗ trợ truyền thông, quảng bá về điểm đến.
Tổng cục Du lịch luôn mong muốn tạo điều kiện thuận lợi cho di chuyển nội địa. Cục Hàng không Việt Nam cũng đã có công văn báo cáo Bộ Giao thông Vận tải về kế hoạch phục hồi hoạt động vận tải thích ứng an toàn với tình hình kiểm soát dịch bệnh Covid-19 chuyên ngành hàng không, với mục tiêu duy trì hoạt động vận chuyển hàng không nội địa, góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hàng không, thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế cho các địa phương.
Tổng cục Du lịch đề nghị Bộ Y tế sớm có hướng dẫn về quy định đi lại trong nước, nhất là với những người đã tiêm đủ 2 liều vaccine sau 14 ngày, những người đã khỏi bệnh. Sắp tới số lượng người thuộc diện này sẽ ngày càng tăng. Điều đó sẽ giúp phục hồi ngành vận tải, du lịch và khôi phục các hoạt động kinh tế nói chung.
- Để mở cửa trở lại, Tổng cục Du lịch có hỗ trợ gì cho các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp trong ngành?
- Nhằm kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động ngành du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Bộ VHTTDL đã tích cực, chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Các chính sách hỗ trợ đã được ban hành như chính sách giảm giá điện, chính sách giảm tiền thuê đất, giảm phí cấp phép kinh doanh lữ hành và thẻ hướng dẫn viên, chính sách hỗ trợ người lao động là hướng dẫn viên du lịch gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19
Hiện nay, Bộ đang tiếp tục kiến nghị với các Bộ ngành và Chính phủ ban hành chính sách tiếp tục hỗ trợ trực tiếp đến các doanh nghiệp, người lao động trong lĩnh vực du lịch, trong đó có chính sách cho phép doanh nghiệp dịch vụ lữ hành giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh đến hết năm 2023, giảm thời gian giải quyết hoàn tiền ký quỹ xuống còn 30 ngày.
Đối với việc chuẩn bị mở cửa trở lại, Kế hoạch số 3228 nêu ra 6 giải pháp chính, trong đó có nhiều nội dung hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp và nguồn nhân lực ngành du lịch.
Luôn kiểm tra, giám sát để báo cáo Thủ tướng
- Thủ tướng giao nhiệm vụ cho ngành du lịch và các địa phương liên quan đón 2-3 triệu khách du lịch từ giờ đến cuối năm. Tổng cục Du lịch đánh giá con số đó có khả thi hay không?
- Phó Thủ tướng đã yêu cầu ban hành kế hoạch cụ thể và tổ chức thực hiện vào thời điểm phù hợp, bảo đảm khả thi, đáp ứng yêu cầu về an toàn phòng, chống dịch Covid-19, an dân, trật tự an toàn xã hội và hạn chế các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai.
Do vậy, kế hoạch mà chúng tôi xây dựng sẽ phải đảm bảo tính khả thi.
- Bloomberg từng đưa tin Phuket (Thái Lan) mở cửa trở lại, nhưng sau đó lao đao vì số ca nhiễm SARS-CoV-2 tăng nhanh, nguy cơ phải dừng mô hình “hộp cát”. Tổng cục Du lịch đã chuẩn bị gì cho những tình huống xấu? Việt Nam sẽ cạnh tranh ra sao với các điểm đến trong khu vực?
- Trong Kế hoạch thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc trình Thủ tướng, Bộ VHTTDL kiến nghị giao UBND tỉnh Kiên Giang chuẩn bị năng lực y tế sẵn sàng về nhân lực, vật lực, trang thiết bị vật tư y tế, tăng cường năng lực và khả năng xét nghiệm, các phương án an toàn phòng chống dịch bệnh và xử lý sự cố tại địa phương.
Đồng thời, việc thí điểm đón khách quốc tế sẽ luôn được kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả để báo cáo Thủ tướng, đề xuất mở rộng phạm vi, quy mô đón khách du lịch quốc tế sau giai đoạn thí điểm hoặc tạm dừng triển khai thí điểm trong trường hợp cần thiết trên cơ sở ý kiến của các bộ ngành và địa phương.
Ngành du lịch Việt Nam luôn tự hoàn thiện mình để phát triển, tăng sức cạnh tranh ngay cả trong thời điểm khó khăn nhất.
Bên cạnh các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng thế mạnh của du lịch Việt Nam, ngành du lịch đang định hướng phát triển các loại hình sản phẩm du lịch bền vững, du lịch an toàn, du lịch gắn với thiên nhiên và bảo vệ sức khỏe, cũng như hỗ trợ đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu thay đổi đa dạng của thị trường sau dịch Covid-19 như sản phẩm, dịch vụ du lịch ban đêm, du lịch gắn với ẩm thực, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch golf…
Đồng thời, chúng tôi đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, tăng cường hoạt động truyền thông và xúc tiến, quảng bá du lịch và luôn đảm bảo an toàn tại điểm đến và an toàn cho khách du lịch.
Theo zingnews.vn
Liên kết website
Ý kiến ()