Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 15:36 (GMT +7)
Tổng thống Pháp không thay đổi chính phủ và không giải tán Quốc hội
Thứ 4, 22/03/2023 | 07:24:49 [GMT +7] A A
Tổng thống Pháp cho biết sẽ yêu cầu đội ngũ của ông đề xuất các ý tưởng "trong vòng 2-3 tuần tới," không loại trừ khả năng thực hiện "một thay đổi về phương thức và chương trình cải cách."
Ngày 21/3, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nêu rõ dự định duy trì chính phủ hiện nay và không giải tán quốc hội trong bối cảnh chương trình cải cách hưu trí của chính phủ vấp phải sự phản đối từ công chúng kéo theo các cuộc biểu tình và đình công gây nhiều gián đoạn trong đời sống kinh tế và xã hội.
Hãng tin AFP (Pháp) dẫn nguồn tin tham dự cuộc họp diễn ra tại Phủ Tổng thống Pháp cho biết, ông Macron trong cuộc họp đã nêu rõ không có ý định giải tán quốc hội, thay đổi chính phủ hay tổ chức trưng cầu dân ý về cải cách hưu trí. Đây đều là những yêu sách mà phe đối lập đưa ra.
Thay vào đó, ông Macron cho biết sẽ yêu cầu đội ngũ của ông đề xuất các ý tưởng "trong vòng 2-3 tuần tới," không loại trừ khả năng thực hiện "một thay đổi về phương thức và chương trình cải cách."
Cải cách hưu trí đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64 tuổi, yêu cầu người lao động kéo dài thời gian làm việc để nhận được đầy đủ lương hưu.
Chính phủ Pháp khẳng định cải cách hưu trí là cần thiết để tránh đẩy hệ thống lương hưu trượt sâu vào tình trạng thâm hụt, đưa độ tuổi nghỉ hưu tại Pháp lên mức tương ứng với các nước láng giềng ở châu Âu.
Ngày 16/3, Chính phủ Pháp đã kích hoạt quyền hành pháp đặc biệt cho phép ban hành sắc lệnh áp dụng dự luật cải cách hưu trí mà không cần bỏ phiếu thông qua tại Hạ viện.
Động thái trên đã vấp phải sự phản đối và dẫn tới nhiều cuộc biểu tình, gây ra một trong những thách thức lớn nhất với Tổng thống Macron sau chưa đầy 1 năm đảm nhận nhiệm kỳ tổng thống thứ hai.
Các nghị sỹ đối lập cũng đã nộp 2 bản kiến nghị đề xuất bỏ phiếu bất tín nhiệm với chính phủ. Tuy nhiên, Chính phủ Pháp đã vượt qua 2 bản kiến nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm trong ngày 20/3.
Thủ tướng Elisabeth Borne cũng khẳng định không từ chức, cho biết sẽ kiên định cùng với các bộ trưởng trong Nội các theo đuổi việc thực hiện những thay đổi cần thiết cho đất nước.
Việc áp đặt dự luật không chỉ khơi dậy những rắc rối chính trị mà còn làm gia tăng các hoạt động biểu tình và nguy cơ gián đoạn các hoạt động kinh tế-xã hội. Nhiều trạm xăng ở thành phố cảng Marseille ở miền Nam đóng cửa trong khi những trạm xăng mở cửa phải tiếp đón đoàn dài các loại phương tiện xếp hàng.
Rác thải tồn đọng ở các đường phố Paris khi công nhân thu gom rác đình công. Riêng trong đêm 20/3, cảnh sát thủ đô Paris đã bắt giữ thêm 234 người trong các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng an ninh.
Các cuộc đụng độ khác cũng xảy ra tại các thành phố Dijon và Strasbourg miền Đông trong khi người biểu tình cũng chặn một tuyến đường cao tốc ở Đông Nam nước Pháp trong ngày 21/2 và tiếp tục gây gián đoạn giao thông tại cảng Le Havre ở miền Bắc.
Các nghiệp đoàn dự định tổ chức các cuộc biểu tình và đình công quy mô lớn trong ngày 23/3 đe dọa làm tê liệt các hệ thống giao thông công cộng.
Văn phòng Tổng thống Pháp cho biết ông Macron sẽ trả lời trực tiếp trên truyền hình về vấn đề này vào khoảng 13 giờ ngày 22/3 (19 giờ, giờ Việt Nam)./.
Theo TTXVN/Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()