Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 26/11/2024 04:42 (GMT +7)
TP Cẩm Phả: Phát triển kinh tế xanh
Thứ 6, 23/10/2020 | 13:24:04 [GMT +7] A A
Thực hiện chủ trương chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, TP Cẩm Phả đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đạt được những kết quả nổi bật. Đây là tiền đề quan trọng giúp thành phố phát triển kinh tế ngày càng bền vững.
Các trạm xử lý nước thải mỏ trên địa bàn TP Cẩm Phả đều đã lắp đặt các trạm quan trắc tự động. |
Là trung tâm công nghiệp khai thác than, nhiệt điện lớn của tỉnh, khai thác than, khoáng sản đóng vai trò chủ đạo giúp TP Cẩm Phả nhiều năm nằm trong tốp đầu những địa phương có tốc độ phát triển cao của tỉnh. Tuy nhiên, đây là ngành có tài nguyên hữu hạn, dần tiến đến cạn kiệt, tồn tại những nguy cơ ảnh hưởng tới môi trường. Nhận diện những thách thức này, thời gian qua TP Cẩm Phả và ngành Than đã đề ra nhiều giải pháp hạn chế tối đa tác động xấu từ khai thác than đến môi trường xung quanh.
Thành phố cùng với TKV đã thực hiện tốt Đề án đảm bảo môi trường cấp bách ngành Than trên địa bàn Quảng Ninh (giai đoạn 2016-2020). Trong đó tập trung phủ xanh các bãi thải than; di dân ra khỏi các vùng nguy cơ sạt lở, ngập lụt; lắp đặt hệ thống phun sương dập bụi tại các điểm dễ phát tán bụi tới khu dân cư. Các đơn vị ngành Than còn lắp đặt các trạm quan trắc tự động chất lượng nước thải mỏ tự động để giám sát hiệu quả. Những giải pháp này đã giúp ngành Than giải quyết cơ bản các mâu thuẫn, phát triển bền vững, góp phần giúp Cẩm Phả đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Giai đoạn 2015-2019, kinh tế TP Cẩm Phả liên tục tăng trưởng cao, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 13,6%/năm, cao hơn so với bình quân chung của tỉnh; tổng thu ngân sách nhà nước đạt 4.700 tỷ đồng, hằng năm đều vượt kế hoạch tỉnh giao từ 6-45,97% (luôn giữ vị trí thứ 2 trong các địa phương của tỉnh số thu ngân sách cao); tỷ trọng chi đầu tư phát triển hằng năm chiếm từ 41,59-55,1% trong tổng chi ngân sách. Môi trường đầu tư được cải thiện mạnh mẽ, 2 năm liền (2017-2018) TP Cẩm Phả duy trì dẫn đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, địa phương (DDCI).
Thành phố đã thu hút được nhiều tập đoàn kinh tế lớn, nhà đầu tư chiến lược nghiên cứu, triển khai các dự án trọng điểm, động lực trên địa bàn, như: Cụm công nghiệp Cẩm Thịnh (đưa vào hoạt động tháng 4/2019); Vincom Plaza Cẩm Phả (đưa vào hoạt động tháng 12/2019); Khu nghỉ dưỡng khoáng nóng cao cấp Quang Hanh (khai trương tháng 5/2020) - loại hình dịch vụ độc đáo, mới lạ, phát huy được tiềm năng sẵn có của địa phương...
Đến năm 2025, TP Cẩm Phả phấn đấu phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại I. Ảnh: Cao Quỳnh |
Những kết quả nổi bật trên đã tạo thế và lực mới để thành phố phát triển nhanh và bền vững hơn, góp phần tích cực vào chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra. Giai đoạn 2020-2025, Cẩm Phả đặt mục tiêu tốc độ tăng giá trị sản xuất (theo giá so sánh) bình quân hằng năm đạt từ 13% trở lên. Trong đó, cơ cấu ngành kinh tế (theo giá trị sản xuất) đến năm 2025, công nghiệp - xây dựng là chủ đạo (chiếm 73,7%); thương mại - dịch vụ (chiếm 25,6%); nông - lâm - thủy sản (chiếm 0,7%). Đặc biệt thu ngân sách phần tỉnh giao tăng bình quân 10%/năm trở lên.
Tỷ trọng chi đầu tư phát triển trong tổng chi ngân sách địa phương tăng bình quân 45% trở lên. Để hiện thực hoá mục tiêu này, thành phố tiếp tục duy trì mô hình tăng trưởng “xanh” dựa trên thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển, gắn với việc thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược. Trong đó, đẩy mạnh triển khai các dự án về hạ tầng giao thông, như đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả - Vân Đồn; phát triển nguồn nhân lực đồng bộ. Cùng với đó, tiếp tục có các cơ chế, chính sách thu hút, đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, các chuyên gia đầu ngành, công nhân kỹ thuật, lành nghề, đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh khi thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”. Đồng thời thúc đẩy gắn kết phát triển lĩnh vực dịch vụ - thương mại tại các khu vực còn có nhiều tiềm năng như Vân Đồn, Cô Tô; phát triển kinh tế biển trở thành ngành kinh tế trọng điểm (du lịch và dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, công nghiệp ven biển) theo hướng thân thiện môi trường.
Phạm Tăng
Liên kết website
Ý kiến ()