Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 15/01/2025 00:08 (GMT +7)
TP Hạ Long: Lấy công nghệ thông tin làm chìa khóa đổi mới giáo dục
Thứ 6, 11/10/2019 | 13:13:00 [GMT +7] A A
Theo số liệu của Phòng GD&ĐT TP Hạ Long, 4 năm trở lại đây (từ 2016 đến 2019), ngành Giáo dục thành phố đã được đầu tư 789 phòng học thông minh tại 33 trường học (đạt 100% số trường tiểu học, THCS trên địa bàn). Con số này cho thấy TP Hạ Long đã được dành nhiều nguồn lực để ứng dụng CNTT trong dạy học, nhằm nắm bắt xu thế đổi mới của giáo dục trong thời đại 4.0.
Một giờ học theo nhóm của học sinh Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (TP Hạ Long), sử dụng công cụ hỗ trợ là bảng tương tác. |
Là một trong 26 trường được cấp trang thiết bị dạy học tiên tiến giai đoạn 2, Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (TP Hạ Long), hiện có 42 phòng học thông minh (trong tổng số 47 phòng học). Dù mới được lắp đặt từ đầu năm học 2019-2020, nhưng nhờ được tập huấn từ trước, các thầy, cô giáo nhà trường đã sử dụng, vận hành những trang thiết bị được cấp khá thành thạo. Cô giáo Lê Thị Thanh Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo, cho biết: Các trang thiết bị của một phòng học thông minh bao gồm: Bảng tương tác, camera để học trực tuyến, camera phục vụ giám sát, quản lý, bàn ghế cho học sinh, máy tính cho giáo viên, loa, đường truyền Internet. Trước đây, trường cũng từng được Sở GD&ĐT cấp 2 bộ máy chiếu, còn lại một số máy chiếu là từ nguồn xã hội hóa. Chưa bao giờ nhà trường được đầu tư các trang thiết bị hiện đại đồng bộ như thế này.
Từ khi có hệ thống phòng học thông minh, các tiết học của cô và trò Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo sinh động và trực quan hơn. Bảng tương tác ngoài điều khiển, giáo viên còn có thể sử dụng cảm ứng bằng tay rất nhanh nhạy... Theo nhiều giáo viên của trường, hệ thống bảng tương tác, máy tính nhờ được kết nối với đường truyền Internet nên dễ dàng sử dụng các tư liệu trên mạng để minh họa cho giờ học. Nhờ đó, học sinh cũng hứng thú, say mê hơn khi đến trường.
Tại nhiều trường tiểu học, THCS trên địa bàn TP Hạ Long, việc sử dụng hệ thống phòng học thông minh đã dần trở nên quen thuộc, đáp ứng yêu cầu đổi mới việc dạy và học. Cô giáo Lê Thị Lan Anh, giáo viên Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, cho biết: Khi sử dụng bảng tương tác, giáo viên đã hạn chế được việc phải viết lên bảng, soạn giáo án bằng tay, phô tô tài liệu cho học sinh. Hiện nay, chúng tôi có thể tận dụng được nguồn tư liệu lớn từ Internet và chỉ đóng vai trò tổ chức, hướng dẫn cho học sinh là chủ yếu. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu giảng dạy ở phòng học thông minh, giáo viên cũng phải tích cực, chủ động, thường xuyên tự học.
Cô trò Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (TP Hạ Long), sử dụng bảng tương tác trong giờ học. |
Theo bà Vi Bích Hạnh, Trưởng Phòng GD&ĐT TP Hạ Long: Ứng dụng CNTT trong trường học giúp ngành Giáo dục thành phố đáp ứng việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông mới sắp tới. Nếu như năm 2016, 2017, thành phố chỉ có 11 trường được cấp các trang thiết bị dạy học tiên tiến, với 252 phòng học thông minh, thì đến năm 2018, 2019, con số này đã lên tới 26 trường, với 735 phòng học thông minh.
Bên cạnh việc được đầu tư hệ thống phòng học thông minh, ngành Giáo dục thành phố còn được trang bị nhiều phần mềm quản lý trường học, như: SMAS quản lý nhà trường; quản lý thư viện; quản lý thiết bị thí nghiệm; quản lý bán trú; xây dựng ngân hàng đề thi; MISA (kế toán).
Để các phần mềm quản lý, hệ thống phòng học thông minh được vận hành hiệu quả, hằng năm, ngành Giáo dục thành phố đều tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên, nhân viên. Việc này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ, chất lượng giáo dục mà còn làm cơ sở cho công tác đánh giá, phân loại cán bộ quản lý và giáo viên.
Thời gian tới, Phòng GD&ĐT TP Hạ Long sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ nhiều giải pháp, ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, dạy học; tiếp tục triển khai dạy tin học theo hình thức ngoại khóa đối với các trường tiểu học, THCS có điều kiện theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT.
Quỳnh Hương
[links()]
Liên kết website
Ý kiến ()