Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 10:17 (GMT +7)
TP Hạ Long: Tăng cường phòng cháy, chữa cháy rừng
Thứ 2, 17/07/2023 | 14:59:08 [GMT +7] A A
Do thời tiết nắng nóng bất thường, 6 tháng đầu năm, trên địa bàn TP Hạ Long có tới 9 vụ cháy rừng (toàn tỉnh là 14 vụ) dẫn đến 1 người tử vong. Để hạn chế thấp nhất các vụ cháy rừng xảy ra, thành phố cần tăng cường các biện pháp cấp bách về phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), nhất là trong việc xác định nguyên nhân cháy và đối tượng gây cháy.
Hiện nay toàn TP Hạ Long có trên 80.000ha đất có rừng, tập trung nhiều tại các xã Đồng Lâm, Thống Nhất, Sơn Dương, Kỳ Thượng... Trong đó diện tích rừng, đất rừng sản xuất là trên 40.000ha, đất rừng phòng hộ gần 20.000ha và đất rừng đặc dụng là hơn 20.000ha.
Để công tác bảo vệ rừng đạt hiệu quả, ở tất cả các xã, phường có rừng, Hạt Kiểm lâm thành phố đã bố trí lực lượng chuyên trách, lực lượng Kiểm lâm địa bàn trực tiếp tham mưu cho cấp ủy chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, trong đó có công tác PCCCR trên địa bàn.
Thông qua các buổi tuần tra, kiểm soát, cán bộ kiểm lâm đã phối hợp với các xã, phường thực hiện lồng ghép công tác tuyên truyền về trách nhiệm PCCCR và thực hiện ký cam kết từng hộ dân để mở rộng đối tượng được tuyên truyền. Qua đó, giúp các chủ hộ trồng rừng thêm những kiến thức và nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm trong việc PCCCR, ứng phó kịp thời với những tình huống có thể xảy ra.
Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng trong 6 tháng đầu năm, thành phố vẫn là địa phương có số vụ cháy rừng nhiều nhất trong toàn tỉnh với diện tích rừng thiệt hại khoảng 30ha. Theo Hạt Kiểm lâm TP Hạ Long, quá trình điều tra, xác minh 9 vụ cháy rừng cho thấy, có 8 vụ thuộc diện tích đất rừng sản xuất giao cho các hộ gia đình, cá nhân trồng rừng bằng vốn tự có. Cụ thể: Phường Việt Hưng 2 vụ, phường Đại Yên 2 vụ, Bãi Cháy 1 vụ, xã Lê Lợi 1 vụ, phường Hoành Bồ 1 vụ, xã Vũ Oai 1 vụ, phường Hồng Hà 1 vụ.
Qua xác định, nguyên nhân chính dẫn đến cháy rừng là do việc vệ sinh rừng của người dân xử lý thực bì bằng phương pháp đốt. Trong đó, đáng chú ý là vụ việc ngày 4/6/2023 tại Khoảnh 6, Tiểu khu 96a (Khu 6, phường Đại Yên), cán bộ kiểm lâm xã đã không đồng ý cho chủ rừng đốt thực bì vì thời tiết nắng nóng và nhiệt độ đang ở nguy cơ cháy rừng cấp IV. Bỏ qua cảnh báo của cơ quan chức năng, chủ rừng vẫn tiến hành đốt thực bì và do không quản lý, kiểm soát được nguồn lửa dẫn đến đám cháy lan sang diện tích rừng hộ gia đình liền kề. Ngay sau khi phát hiện đám cháy rừng, chủ rừng đã huy động các hộ dân và chủ rừng lân cận xử lý dập cháy, TP Hạ Long cũng huy động gần 30 người từ phường Đại Yên, Việt Hưng, Hạt Kiểm lâm và Phòng Kinh tế thành phố hỗ trợ dập lửa. Đám cháy rừng được dập tắt hoàn toàn lúc khoảng 16h cùng ngày. Tuy nhiên, trong quá trình chữa cháy do kiệt sức dẫn đến chủ rừng đã thiệt mạng trên đường đưa đi cấp cứu.
Đối với 8 vụ cháy còn lại, các cơ quan chức năng vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân, đối tượng gây cháy nhưng đánh giá nguyên nhân ban đầu cho thấy phần lớn vẫn từ con người, có thể cố ý hoặc vô ý gây cháy rừng.
Trước những vụ cháy rừng liên tiếp xảy ra trong 6 tháng qua, đặc biệt có những ngày xảy ra 3 vụ cháy rừng, để sớm tìm ra đối tượng gây cháy, nguyên nhân cháy, Viện Kiểm sát nhân dân TP Hạ Long đã yêu cầu Hạt Kiểm lâm thành phố phải đưa các vụ cháy rừng trên vào giải quyết nguồn tin về tội phạm làm cơ sở xem xét khởi tố vụ án hình sự, chuyển cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố giải quyết theo quy định. Trường hợp không có căn cứ để xem xét khởi tố vụ án thì ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự, đình chỉ, tạm đình chỉ giải quyết nguồn tin về tội phạm hoặc xem xét xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật hiện hành.
Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Văn Hiển, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm TP Hạ Long, cho biết: Khi mùa nắng nóng khô hạn kéo dài, đa số các vụ cháy rừng do địa bàn vùng sâu xa, địa hình phức tạp nên rất khó để chúng tôi xác định được nguyên nhân cháy và truy tìm đối tượng vi phạm. Chưa kể, quy trình giải quyết mất rất nhiều thời gian, tập trung nhân sự tham gia xác minh, điều tra và xin kinh phí phê duyệt chi cho trưng cầu giám định. Thông thường một vụ việc kéo dài trên 4 tháng, bao gồm các nội dung trọng tâm, như: Khám nghiệm hiện trường; thành lập Hội đồng định giá xác định giá trị thiệt hại; trưng cầu giám định vật liệu cháy (Viện Khoa học hình sự Bộ Công an); trưng cầu giám định rừng, mẫu vật; điều tra thu thập chứng cứ… để xác định yếu tố cấu thành tội phạm, kết thúc điều tra, khởi tố vụ án theo quy định. Trong khi đó, lực lượng thì mỏng, trình độ năng lực chuyên môn, đặc biệt năng lực chuyên môn của kiểm lâm địa bàn, cán bộ, công chức của Hạt được phân công thực hiện trong điều tra tiến hành tố tụng còn nhiều hạn chế…
Các vụ cháy rừng thời gian qua trên địa bàn thành phố chủ yếu là rừng trồng sản xuất của hộ gia đình cá nhân, sau cháy hộ dân đã tự khai thác hoặc làm đơn không đề nghị cơ quan chức năng giải quyết theo quy định gửi cơ quan chức năng và địa phương xin khai thác (cả phần diện tích có cây rừng bị ảnh hưởng do cháy và diện tích không bị cháy), tranh thủ trồng rừng mới đảm bảo kịp thời vụ, tránh thiệt hại về kinh tế (7/9 vụ). Để xử lý kịp thời, tránh bỏ lọt tội phạm và việc người dân tranh thủ khai thác cây rừng trồng bị cháy, ảnh hưởng đến quá trình điều tra, xác minh diện tích sau cháy, đơn vị rất cần có sự phối hợp vào cuộc chặt chẽ của các cơ quan chức năng ngay khi đám cháy xảy ra, nhất là lực lượng công an ở cơ sở (xã, phường) trong việc phối hợp với chính quyền địa phương, kiểm lâm địa bàn điều tra và xác minh nguyên nhân, đặc biệt đối tượng gây cháy ngay từ ban đầu được kịp thời hiệu quả, để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa vi phạm trong nhân dân.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()