Chị Trúc nhà ở huyện Bến Lức (Long An), 20 năm gắn bó Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam (hơn 56.000 công nhân), mỗi ngày đi làm bằng xe đưa đón của nhà máy. Cách đây hơn 10 ngày, công ty ghi nhận ca nhiễm đầu tiên. Một số khu vực ở nhà máy bị phong toả, nhiều công nhân tạm nghỉ việc. Tuy nhiên nhà máy vẫn phải đảm bảo đơn hàng nên những lao động như chị Trúc phải thường xuyên tăng ca để bù cho các vị trí bỏ trống.
"Đến bệnh tôi còn không dám thì sao dám nghỉ việc", chị Trúc nói và cho hay làm mẹ đơn thân nên nhiều năm qua mọi chi tiêu trong nhà 5 người gồm cha mẹ, hai đứa con đều trông vào lương công nhân của chị.
Để phòng dịch, ở nơi làm chị Trúc đeo cùng lúc hai khẩu trang y tế, bên ngoài thêm mặt nạ chống giọt bắn. Chị để sẵn trong túi chai cồn sát khuẩn tay, nước muối sinh lý để súc miệng, cứ mỗi tiếng sử dụng một lần. Nữ công nhân mang cơm nhà, ăn tại chỗ làm, không tới căn tin, tránh nơi đông người. Bảo hộ kỹ càng như vậy nhưng chị Trúc luôn bất an bởi gần công ty liên tục phát hiện ca nhiễm mới. Thỉnh thoảng trong giờ làm, nhân viên y tế tới đưa đồng nghiệp đi cách ly khiến tâm trạng chị và nhiều công nhân thêm rối bời.
"Trước đây, mỗi ngày đều mong hết giờ làm để về với con, giờ bước lên xe lại lo mang dịch về nhà", chị Trúc nói và cho biết ở nhà chị dọn cơm ăn riêng, đeo khẩu trang cả lúc ngủ. Chị còn tính sắp tới thuê phòng trọ gần chỗ xe đưa đón để ở tạm qua mùa dịch, giữ an toàn cho người thân.
Làm việc tại Khu công nghiệp Tân Tạo (quận Bình Tân) - nơi đang là tâm dịch ở TP HCM, chị Bùi Thị Thanh Hồng, 40 tuổi, công nhân Công ty Việt Nam Paiho, cũng mang tâm trạng lo lắng đến "rạc cả người", nhất là khi hay tin nhà máy gần chỗ làm phát hiện 27 ca bệnh khiến tất cả công nhân phải đi cách ly tập trung. Suốt 8 tiếng ở nhà máy, chị không nói chuyện với ai, tan ca đi thẳng về phòng trọ. Nữ công nhân luôn động viên mình bình tĩnh, không lo lắng nhiều ảnh hưởng sức khỏe.
"Hôm nghe tin công ty của chồng phát hiện ca nhiễm, người tôi như run lên", chị Hồng nói và cho biết nhà máy mà chồng làm việc quá đông công nhân. Nhiều lúc chị muốn chồng tạm nghỉ việc cho qua dịch, nhưng nghĩ đến đủ thứ tiền chi tiêu, lo toan trong gia đình nên lại cố. 10 năm qua, hai đứa con được gửi cho bà ngoại ở Tiền Giang trông hộ. Cuối tuần vợ chồng bắt xe đò về thăm mà hai tháng nay cả nhà chỉ gặp nhau trên điện thoại. 20 năm lên Sài Gòn làm công nhân, đây là giai đoạn khó khăn, lo lắng nhất mà chị từng trải qua.
TP HCM hiện có 1,6 triệu công nhân và lao động, trong đó 17 khu công nghiệp, khu chế xuất và một khu công nghệ cao hơn 320.000 người. Môi trường làm việc ở nhà máy khép kín, đông người... dịch khi xuất hiện dễ bùng phát, khó kiểm soát, ảnh hưởng rất lớn tới người lao động.
Thống kê từ Liên đoàn lao động TP HCM, trong một tuần (từ ngày 10 đến 17/6), địa bàn có 369 công nhân, lao động mắc Covid-19, gần 4.500 F1 phải cách ly tập trung, hơn 13.000 người cách ly tại nhà, nơi cư trú. Ở lần bùng phát này, dịch đã xâm nhập nhiều nhà máy đông công nhân như Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam (56.000 lao động), Công ty Việt Nam Samho (10.000 công nhân)...
Ở Bình Dương, nơi tập trung nhiều khu công nghiệp với hơn 1,2 triệu lao động ở đợt dịch này đã ghi nhận hơn 80 ca nhiễm trong nhà máy khiến hơn 5.000 công nhân phải nghỉ việc.
Ông Vincent Chen, phụ trách tổ an toàn Covid-19 Công ty Pouyuen cho hay, cách tốt nhất để lao động an tâm đi làm chính là nhà máy tăng cường biện pháp phòng dịch, tuân thủ yêu cầu ngành y tế. Mỗi ngày công nhân đo nhiệt độ, khai báo y tế và được trang bị phương tiện phòng dịch cần thiết khi sản xuất. Công ty cũng có nhiều nhóm để theo dõi, tư vấn và hỗ trợ công nhân khi tâm lý bất an.
Phó chủ tịch Liên đoàn lao động TP HCM Hồ Xuân Lâm cho biết, hiện tất cả nhà máy đều có tổ an toàn phòng chống dịch, cán bộ công đoàn cơ sở là thành viên trong tổ. Hàng ngày, họ có trách nhiệm kiểm tra giám sát việc tuân thủ 5K trong công nhân; thường xuyên trao đổi, chia sẻ những băn khoăn, lo lắng, đưa ra hướng giải quyết để lao động an tâm hơn.
Theo ông Lâm, công nhân khi tạm nghỉ việc, cách ly vì Covid-19 sẽ được doanh nghiệp trả tiền lương trên tinh thần thỏa thuận với người lao động nhưng không thấp hơn mức tối thiểu vùng. Công đoàn sẽ hỗ trợ lao động bị nhiễm hoặc phải nghỉ việc, cách ly với mức cao nhất là 3 triệu đồng. Lao động nữ mang thai, nuôi con nhỏ, có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ thêm 500.000 đồng...
Ý kiến ()